Quản lý, chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, thanh kiểm tra hoạt động đổi mới phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 34 - 37)

Cũng như các nội dung quản lý khác, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học phải được xây dựng thành kế hoạch một cách hoàn chỉnh dựa trên căn cứ khoa học, các văn bản hướng dẫn của ngành, việc điều tra tình hình thực tiễn tại đơn vị, dự kiến nhiều giải pháp thực hiện để bàn bạc, trao đổi; tạo điều kiện cho giáo viên góp ý và cũng nhằm tạo sự đồng thuận trong tập thể; cuối cùng là lựa chọn các giải pháp phù hợp, khả thi với hoàn cảnh, điều kiện của nhà trường.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, quy định rõ trách nhiệm mỗi thành viên trong việc thực hiện đổi mới PPDH; hướng hoạt động của tất cả các bộ phận trong nhà trường vào việc đổi mới PPDH và phối hợp các hoạt động đó sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.

Để việc tổ chức thực hiện đổi mới PPDH diễn ra suôn sẽ, hiệu quả, người cán bộ quản lý phải thường xuyên theo dõi việc thực hiện đổi mới PPDH của giáo viên bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Ví dụ : dự giờ, thăm lớp, kiểm tra việc học tập của học sinh, tham dự các buổi họp tổ chuyên môn, tổ chức các hoạt động hỗ trợ như hội giảng, hội thảo chuyên đề…

Khi kiểm tra hoạt động sư phạm nhằm đánh giá giáo viên về đổi mới PPDH cần xem trọng việc xử lý thông tin thu thập được một cách chính xác, đồng thời người cán bộ quản lý phải đủ am hiểu về nghiệp vụ để có thể tư vấn giúp giáo viên phát triển nghề nghiệp hơn là chỉ nhằm mục đích đánh giá.

1.3.3.4. Quản lý việc xây dựng, thực hiện các biện pháp hỗ trợ,

đảm bảo điều kiện cho hoạt động đổi mới phương pháp dạy học

- Cơ sở vật chất

Nghị quyết 40/2000/QH 10 đã xác định đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp và đổi mới thiết bị dạy học.

Quản lý cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học (TBDH) là tác động có mục đích của người quản lý nhằm xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả hệ thống CSVC và TBDH phục vụ đắc lực cho công tác đổi mới PPDH.

CSVC và TBDH chỉ có thể phát huy tác dụng tốt trong việc phục vụ dạy và học khi được quản lý tốt. Việc quản lý CSVC và TBDH vừa phải tuân thủ các yêu cầu chung về quản lý kinh tế, khoa học vừa phải tuân thủ các yêu cầu quản lý chuyên ngành giáo dục.

Những quy định về CSCV-TBDH ở tiểu học được quy định trong các văn bản :

• Quyết định 09/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/3/2002. • Quyết định 12/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/3/2003. • Quyết định 03/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/2004.

• Quyết định 48/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2003 (quy định chuẩn tối thiểu về CSVC-TBDH tiểu học).

Bên cạnh bộ thiết bị dạy học tối thiểu được cung cấp, hiệu trưởng các trường tiểu học có trách nhiệm lập kế hoạch, huy động các nguồn lực để từng bước cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang bị thiết bị dạy học từ chỗ chuẩn hóa đến hiện đại hóa đồng thời tổ chức hướng dẫn sử dụng, bảo quản và khai thác tốt CSVC-TBDH.

- Sưu tầm, sử dụng, làm đồ dùng dạy học

Để hỗ trợ cho giáo viên trong việc làm ĐDDH, ban giám hiệu các trường cấp phát kinh phí cho giáo viên tự làm ĐDDH; trang bị máy ép nhựa, vật tư cho phòng thiết bị; từng bước mua sắm, bổ sung các trang bị thiết bị dạy học hiện đại như tivi, đầu đĩa, máy quay phim, máy chiếu đa năng, bảng cảm ứng…

Việc tổ chức hội thi đồ dùng dạy học tự làm hàng năm cũng góp phần động viên giáo viên đổi mới PPDH.

- Tổ chức tốt thư viện

Thư viện ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc đem lại hiệu quả cho việc giảng dạy và học tập, bởi vì khi đổi mới PPDH theo hướng dạy học hợp tác, thầy chỉ đóng vai trò đặt vấn đề và gợi mở, học sinh có nhiệm vụ giải quyết vấn đề từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Thư viện không chỉ là nơi giúp học sinh tìm kiếm các nguồn thông tin, góp phần hình thành ở các

em sự tự tin và khả năng học tập độc lập mà còn là nơi mà giáo viên có thể

nghiên cứu về vấn đề đổi mới PPDH thông qua việc đọc sách, báo, tra cứu tài liệu trên mạng…và thậm chí là nơi mà giáo viên có thể tổ chức hoạt động học cho học sinh.

Chính vì thế, người cán bộ quản lý phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện để thư viện phát huy tác dụng. Thư viện cần có diện tích đủ rộng, trang bị bàn ghế phù hợp, máy tính, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, các tạp chí chuyên ngành. Nhân viên thư viện phải am hiểu nghiệp vụ, có khả năng hỗ trợ cho giáo viên trong các hoạt động dạy học.

- Sự hỗ trợ của các tổ chức và các bộ phận khác trong nhà trường.

Trong chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học cũng cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức và các bộ phận khác trong nhà trường như chi bộ đề ra nghị quyết, chi đoàn đi đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, công đoàn và chi đòan vận động giáo viên thực hiện; tổ văn phòng có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra để sửa chữa kịp thời những hư hỏng về cơ sở vật chất, thiết bị và đề nghị mua sắm bổ sung; Ban Đại diện Cha mẹ học sinh thông qua sự đóng góp của cha mẹ học sinh và các bậc mạnh thường quân giúp nhà trường trang bị thêm các thiết bị dạy học, tham gia hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa của trường…

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 34 - 37)