Một số quan điểm lý luận về đổi mới phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 30 - 32)

- Cơ sở lý luận của đổi mới phương pháp dạy học : [2,tr12]

Theo tài liệu bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007, cơ sở lý luận của đổi mới PPDH dựa trên các quan điểm :

+ Tiếp cận hệ thống : Quá trình dạy học được xem xét dưới góc độ của một hệ thống bao gồm nhiều thành tố như mục đích, nội dung, điều kiện, phương tiện dạy học, quá trình kiểm tra đánh giá, mối quan hệ thầy trò… Những thành tố này có mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng, phụ thuộc và quyết định lẫn nhau đồng thời tòan bộ hệ thống này lại chịu tác động của môi trường kinh tế - xã hội.

+ Tiếp cận nhân cách : Quá trình dạy học muốn kiến tạo và phát triển nhân cách phải thông qua sự thống nhất ba mặt

- Tính riêng biệt và độc đáo của cá nhân : Dạy học phải tạo ra được môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển.

- Hòa đồng các mối quan hệ liên nhân cách : Dạy học phải tạo ra cho người học những năng lực để có thể tham gia vào các hoạt động và những mối quan hệ xã hội.

- Ảnh hưởng nhân cách tới xã hội, cộng đồng : Dạy học phải tạo ra được năng lực để mỗi cá nhân có thể đóng góp, công hiến và sáng tạo cho xã hội, cộng đồng.

+ Tiếp cận họat động : Quá trình dạy học xem hoạt động là bản chất của mình, có nghĩa là dạy học chính là quá trình tổ chức các hoạt động khác nhau để học sinh được hoạt động nhằm lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo.

Quá trình dạy học được nghiên cứu là một họat động và có cấu trúc của một hoạt động. Quá trình này vừa tạo ra sự phát triển tâm lý vừa tạo ra điều kiện cho sự phát triển các hoạt động có đối tượng khác.

+ Công nghệ dạy học : Chuyển hóa những thành tựu của công nghệ, kỹ thuật vào tất cả các khâu, các mặt của quá trình dạy học thông qua việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại và thiết kế hệ dạy học mới vận hành theo nguyên lý mới, đó là hệ dạy học “tự động – cá thể hóa – được trợ giúp”

+ Thuyết dạy học cộng tác : Dạy học hướng vào người dạy và người học, đưa ra quan điểm về sự thống nhất biện chứng giữa dạy và học. Theo thuyết này, dạy có chức năng thiết kế, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra quá trình học nhưng không làm thay người học. Học là tự điều khiển quá trình chiếm lĩnh tri thức của bản thân, tức là tự thiết kế, tự tổ chức, tự thi công và tự kiểm tra việc học của chính mình dưới sự điều khiển của thầy. Hai hoạt động này thống nhất với nhau nhờ sự cộng tác và đó chính là yếu tố cơ bản duy trì, phát triển sự thống nhất toàn vẹn của quá trình dạy học

- Cơ sở thực tiễn của việc đổi mới phương pháp dạy học + Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay :

Nhân loại đang bứơc vào thời kỳ của nền kinh tế tri thức, sự phát triển của mỗi quốc giá phụ thuộc rất lớn vào giáo dục, do đó cần phải tăng cường đầu tư cho giáo dục và đổi mới toàn diện giáo dục.

Nghị quyết 40/2000/QH 10 và chỉ thị 14/2001/CT-TTg ngày 11/6/2011 xác định sự cấp thiết của yêu cầu về đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, những thành tựu của khoa học kỹ thuật tạo điều kiện ứng dụng vào quá trình dạy học, nhất là công nghệ thông tin.

Do bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến sự thay đổi nhu cầu về nguồn nhân lực, chính vì vậy, mục tiêu dạy học đã được xác định lại. Mục tiêu chung của giáo dục tiểu học tiểu học là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Mục tiêu chung này được cụ thể hóa bằng mục tiêu của các môn học, chủ đề, bài học.

Song song với sự thay đổi về mục tiêu dạy học, nội dung dạy học cũng đã được biên soạn lại theo hướng thiết thực hóa, hiện đại hóa, mang tính thống nhất cao và phù hợp với trình độ phát triển chung của lứa tuổi học sinh.

Sự thay đổi về mục tiêu và nội dung dạy học dẫn đến phương pháp dạy học cũng phải thay đổi theo nhằm chuyển tải được nội dung dạy học và đạt mục tiêu đã đề ra.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 30 - 32)