7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Hình tượng người nông dân trong văn xuôi NamBộ từ 1945 đến 1975
đến 1975
Văn học Việt Nam 1945 - 1975 phát triển trong bối cảnh đất nước bị cắt chia. Trong tiến trình văn học đặc biệt này, văn học Nam Bộ phát triển đa dạng và phức tạp hơn. Văn học miền Nam chia thành hai bộ phận: bộ phận văn học giải phóng (chúng tôi xin tạm gọi như vậy để chỉ các sáng tác của những nhà văn hướng đến đề tài chiến tranh - cách mạng), các nhà văn đồng thời là những chiến sĩ cách mạng chẳng hạn: Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,…, thứ hai là bộ phận văn học trong lòng đô thị miền Nam với những tác giả nổi bật như: Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Sơn Nam,…
Ở các sáng tác văn xuôi hướng đến đề tài chiến tranh - cách mạng, phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ oanh liệt, người nông dân được nhìn nhận là những anh hùng, vô danh, nhưng sục sôi tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Trần Hiếu Minh trong tập bút ký nổi tiếng Cửu Long cuộn sóng đã mô tả hình ảnh những người nông dân quật khởi, từ những đứa trẻ đến những người phụ nữ. Các nhà văn còn phản ánh mảng hiện thực rộng lớn, phức tạp của cuộc sống của họ dưới ách kìm kẹp của địch. Trong thực tiễn ác liệt đó, những Chín Kiên, ông Sáu Già, má Tám,..., những con người rất đỗi bình thường chân chất ấy, họ sống bằng một lòng yêu nước mãnh liệt. Điều này được Nguyễn Văn Bổng khắc chạm trong hình tượng nghệ thuật về người nông dân Nam Bộ qua tiểu thuyết Rừng U Minh. Cũng hướng đến hình tượng nghệ thuật này, nhà văn Anh Đức đã đi sâu vào số phận của họ trong mối quan hệ với số phận đất nước những năm tháng cách mạng ác liệt. Họ hiện lên với những mất mát, đau khổ, nhưng điều toát lên ở họ lại là một tinh thần yêu nước, tận tuỵ với cách mạng. Từ những người đầu tiên “đi khai phá rừng tràm đầy chim chóc này để sinh sống” [3, 317] như ông Tư - ông lão vườn chim, đến các thế hệ con trai, con dâu…, tất cả những người trong gia đình ông, đều
đi theo cách mạng. Nhà văn đã xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật cảm động về người nông dân khẩn hoang Nam Bộ qua hình tượng ông lão vườn chim. Trong không gian vườn chim đặc trưng đó, có một ông lão chở che cho cách mạng, một người cha chứng kiến sự hi sinh của những đứa con ông, và một tấm lòng trong giấc mơ bình dị và thanh thản. Trong giấc mơ của người nông dân già này, hạnh phúc gia đình và đất nước hoà quyện một cách cao đẹp, “người ta thấy hiện rõ những nét mặt thanh thản đang cười” [3, 317]. Không chỉ trong Giấc mơ của ông lão vườn chim, nhiều tác phẩm khác của Anh Đức đã thể hiện sinh động người nông dân Nam Bộ, đó là anh thợ lò Năm Căn, “hoà máu trên dòng kênh bình thường của sự sống” (Bức thư Cà Mau), là người phụ nữ dũng cảm như chị Sứ, má Sáu, út Quyên… yêu nước theo lối bộc trực thẳng thắn của người Nam Bộ.
Nhà văn Đoàn Giỏi trong những tác phẩm của mình dành cho đề tài chiến tranh một niềm ưu ái lớn nhưng qua bối cảnh đó, người đọc không chỉ nhận ra bối cảnh của miền Tây Nam Bộ với rừng rậm bạt ngàn trù phú, dòng sông mênh mông, thú rừng hoang dã… mà còn xúc động hơn bởi hình ảnh những người nông dân Nam Bộ trong chiến đấu. Trong tác phẩm nổi tiếng
Đất rừng phương Nam, người đọc không khỏi xúc động khi dõi theo hành trình lưu lạc của một cậu bé để rồi từ đó, những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến lay thức trái tim người đọc. Đoàn Giỏi là “nhà văn của những kỉ niệm” [60], tác phẩm Đất rừng phương Nam ra đời trong nỗi nhớ của tác giả những ngày ở Hà Nội về miền Tây Nam Bộ nhưng vẫn những con người Nam Bộ, cuộc sống Nam Bộ hiện lên và đi vào lòng người thật chân thực sâu sắc. Những ngày cuối đời, ông dành cho người nông dân khẩn hoang Nam Bộ những trang viết đầy tâm huyết trong Núi cả cây ngàn. Trong tác phẩm, tác giả dẫn chúng ta phiêu lưu đến những vùng đất mới của đồng bằng sông Cửu Long để nhận ra những chủ nhân của cuộc khai hoang mở cõi đầy nghĩa khí hào hiệp, không chỉ với thiên nhiên, mà còn bất khuất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kì đầu.
Với nhà văn Nguyễn Thi, người nông dân trong kháng chiến đẹp như “cổ tích giữa đời thường” [3, 488]. Người đọc cảm nhận được tinh thần “còn một cái lai quần cũng đánh” (Người mẹ cầm súng) với hình ảnh chị Út miệng bỏm bẻm nhai trầu, mang bầu vẫn đánh giặc giỏi, cảm nhận được truyền thống của gia đình chị em Việt, Chiến qua cuốn sổ ghi thành tích đánh giặc như một hành động tiếp lửa, truyền lửa cao đẹp của người nông dân Nam Bộ (Những đứa con trong gia đình).
Trong văn học kháng chiến, hoà trong nét chung của văn học dân tộc, văn xuôi Nam Bộ thể hiện hình ảnh con người mang sức sống riêng, gần gũi với đời sống, chân chất, bộc trực và giản dị. Họ là những con người giữa đời thường đánh giặc. Cũng hướng đến thể hiện người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến oanh liệt, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, theo một cách riêng, phát hiện ở những người nông dân yêu nước, mưu trí, thật thà đó, là một nội tâm sôi nổi, đầy chất nhân văn. Các nhân vật: anh Ba Hoành (Quán rượu người câm), anh Sáu, Thu (Chiếc lược ngà)… là sự thể hiện đáng quý về con người nông dân chiến sĩ và chất đời thường, về những mối quan hệ trong đời thường.
Có thể nhận thấy rằng, văn xuôi 1945 - 1975 với đóng góp của các nhà văn chiến sĩ, người nông dân Nam Bộ được nhìn nhận trong mạch cảm hứng chung của văn học giai đoạn này.
Trong giai đoạn văn học này, văn học Nam Bộ còn có mảng văn xuôi sáng tác trong lòng đô thị miền Nam. Các nhà văn không hướng vào đề tài chiến tranh cách mạng, họ quay về với cội nguồn, phong tục, với cuộc sống sinh hoạt của người nông dân Nam Bộ trong sự hoà hợp với thiên nhiên…, từ đó kín đáo thể hiện lòng yêu nước. Đó là “một dòng riêng biệt vào những vùng đề tài chưa được khai phá trong văn học Việt Nam thời hậu thuộc địa: tìm kiếm và tái tạo cội nguồn văn hoá, căn cước dân tộc và đặc sắc ngôn ngữ” [35].
Người nông dân khẩn hoang có thể xem là một hình tượng nghệ thuật ám ảnh nhất trong các sáng tác của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Với hai tác giả này, hình tượng nghệ thuật đó đã xuất hiện với những những sáng tạo riêng, độc đáo.
Khi nói về hình tượng này trong sáng tác của các nhà văn ở đô thị miền Nam, không ít người đã so sánh sáng tác của Sơn Nam với Trang Thế Hy. Ở Trang Thế Hy con người người Nam Bộ hiện lên qua cái sâu lắng, trầm buồn, khắc khoải của người nghệ sĩ mang “một vẻ đẹp lặng lẽ” [60]. Có thể gọi cái nhẩn nha, cà tửng bộc trực của Sơn Nam và cái chỉn chu sâu lắng của Trang Thế Hy là hai con người, hai phong cách trong hai thế giới nghệ thuật của họ.
Người nông dân Nam Bộ trong sáng tác của Trang Thế Hy được đặt trong không gian rặt Nam Bộ với “những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng”, họ hiện lên “đen đúa, lôi thôi, thô cộc nhưng trung thực, thẳng ngay, nghĩa khí” [71]. Đặt nhân vật của mình trong cuộc sống “quay cuồng, rỉ máu” do tội ác của ngoại xâm, nhà văn đã tái hiện đầy xót xa trước những thân phận bi đát của con người trước dục vọng và bom đạn kẻ thù (Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng,…). Khi viết về những người nông dân bình thường, những số phận nhỏ bé, Trang Thế Hy gửi gắm những tiếng lòng sâu sắc mà thấm thía, kêu gọi lương thiện như một đạo lý sống ở đời. Ông quan niệm đạo lý sống của con người Nam Bộ chính là “điểm tựa đáng tin cậy” đối với người nghệ sĩ, “là nỗi đau khổ lớn nhất của một số đông thầm lặng” (Tiếng khóc và tiếng hát). Bởi vậy, Trang Thế Hy được gọi là nhà văn “nâng đỡ số phận con người” [60], và người nông dân Nam Bộ đôn hậu nghèo khó với cuộc đời đầy những ngã rẽ, ngược lại cũng nâng đỡ cho nghệ thuật của ông. Có lẽ vì thế khác với Sơn Nam, Trang Thế Hy đi sâu vào tâm lý, những bí ẩn trong tâm hồn con người hơn là khắc họa tính cách. Tác phẩm của ông vì thế, mang lại sức hấp dẫn riêng, không mãnh liệt nhưng thấm sâu, bền chắc.
Văn xuôi Nam Bộ 1945 - 1975 vận động trong bối cảnh hiện thực đặc biệt, sáng tác nghệ thuật của các nhà văn mang đậm tính chính trị, nặng về tính tuyên truyền, cổ động. Sáng tác của một số tác giả "nằm vùng" đã thoát khỏi sự khô cứng này. Các nghệ sĩ này đã đi vào thể hiện lòng yêu nước theo một dòng riêng, qua đó, họ thể hiện được hình tượng con người với những thân phận cảm động. Có thể nói, họ đã góp cho văn xuôi Nam Bộ một mảng hiện thực mới trong cái ngổn ngang tàn khốc của chiến tranh. Và hình tượng người nông dân Nam Bộ chính là một sự tiếp tục kế thừa mạch chảy không