Nhìn chung về điểm gặp gỡ và khác biệt giữa ba nhà văn trong việc thể hiện hình

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 40 - 46)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2.Nhìn chung về điểm gặp gỡ và khác biệt giữa ba nhà văn trong việc thể hiện hình

việc thể hiện hình tượng người nông dân khẩn hoang

Như chúng tôi đã giới thiệu, trong sáng tác của cả ba nhà văn Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ là một hình tượng nghệ thuật khá nổi bật.

Trong việc thể hiện hình tượng, nhìn chung cả ba nhà văn đều đặt hình tượng trong những bối cảnh khẩn hoang Nam Bộ khá đặc trưng. Đó là bối cảnh không gian, thời gian đầy hoang sơ, thách thức của thiên nhiên, nó là không gian sinh tồn của những con người khẩn hoang nhưng cũng là không gian văn hóa. Không gian, thời gian đó không chỉ thể hiện hoàn cảnh sống

của con người mà còn được sử dụng như một phương tiện để bộc lộ tính cách nhân vật qua sự ứng xử giữa nhân vật với hoàn cảnh sống.

Một điểm gặp gỡ thứ hai giữa ba nhà văn này trong việc thể hiện hình tượng đó chính là sử dụng kết hợp chất hiện thực (qua ghi chép, những địa danh có thực, sự khảo cứu..) và sự hư cấu nghệ thuật tạo nên chất Nam Bộ rõ nét qua từng nhân vật.

Điểm gặp gỡ còn từ cách nhìn về hình tượng, người nông dân khẩn hoang Nam Bộ dù trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt nhưng đều toát lên một lối sống trọng nghĩa, can đảm, cần cù, sáng tạo. Đặc biệt, họ đều mang một tấm lòng tha thiết với đất đai, nguồn cội như một sự trân trọng mồ hôi công sức của cha ông, của cả chính họ trong cuộc khẩn hoang miền Nam.

Việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ cũng làm nên điểm gặp gỡ giữa ba nhà văn. Phương ngữ Nam Bộ được thể hiện trong lời trần thuật đến lời nói, ý nghĩ của nhân vật trong tác phẩm.

Những điểm gặp gỡ đó tạo nên một đặc điểm chung, độc đáo của văn học Nam Bộ. Chúng tôi xếp ba nhà văn này bên cạnh nhau cũng một phần bởi những điểm gặp gỡ này. Sự gặp gỡ trong việc thể hiện hình tượng nghệ thuật về người nông dân Nam Bộ không chỉ vì mảng hiện thực mà họ cùng tiếp cận, vì ảnh hưởng của một không gian văn hóa mà còn chứng tỏ rằng, văn học Nam Bộ đang chảy theo một dòng riêng, hết sức độc đáo.

Tuy vậy, trong sự "hội ngộ" của ba nhà văn, điểm khác biệt khi thể hiện người nông dân khẩn hoang Nam Bộ làm nên gương mặt từng tác giả. Cùng thể hiện một đề tài tuy nhiên, bản thân đề tài đã xuất hiện theo mức độ khác nhau. Phi Vân hướng đến đề tài người nông dân khẩn hoang Nam Bộ nhưng không hướng đến quá khứ, thời điểm con người khẩn đất khai hoang, đối mặt với nhiều thử thách từ thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt. Tác phẩm của Phi Vân chủ yếu dựng nên bối cảnh xã hội mà con người khẩn hoang phải đối mặt, nơi đó, nhiều tai ương đổ lên cuộc đời họ, thân phận của

những tá điền, nhất là sự áp bức của địa chủ. Bên cạnh đó, không gian trong tác phẩm của Phi Vân còn là nơi sinh hoạt đời thường, sinh hoạt văn hóa của miền sông nước Nam Bộ, những phong tục, lễ nghi, cả những hủ tục, mê tín vẫn đang còn ăn sâu vào nếp nghĩ của con người. Ông đã dựng lại hình tượng người nông dân khẩn hoang với tất cả những khổ đau, tối tăm, lạc hậu mà khi cuộc sống con người mới chỉ thực sự bắt đầu. Đọc Phi Vân, người đọc cảm nhận được hình ảnh những con người trong không gian thiên nhiên êm ả của những rặng dừa nước, của những giọng hò trầm bổng nhưng chứa đựng bên trong nó là cuộc sống đầy “tấn kịch”, mà người nông dân, là những tá điền, họ suốt đời nhẫn nại chịu đựng và phục dịch địa chủ nông thôn. Với thành công đặc biệt ở thể loại phóng sự, phóng sự tiểu thuyết, tác phẩm của Phi Vân đã đem lại một dấu hỏi khẩn thiết về số phận của những người nông dân, về “những vấn nạn lớn cần phải gấp rút giải quyết cho nông thôn miền Nam” [12].

Khác với Phi Vân, nhà văn Bình Nguyên Lộc hướng tới người nông dân khẩn hoang Nam Bộ dưới cái nhìn đa chiều hơn. Vì vậy, hình tượng hiện lên với đầy đủ sức sống từ hiện thực. Con người trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc là những con người xa xứ, họ bỏ xứ để tìm đến miền Nam Bộ khai hoang, lập ấp, kiếm tìm một cuộc sống mới. Cho nên, hoàn cảnh sống còn đầy những thử thách, thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt, con người phải đấu tranh để tồn tại, dành giật sự sống. Để có được sự sống, con người phải đổ mồ hôi, thậm chí là xương máu, kể cả hi sinh đời mình cho con cháu tiếp tục sống và khẩn hoang Nam Bộ. Vì lẽ đó, con người trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc có một tình yêu lớn với đất đai, với từng căn nhà, mảnh vườn, họ lắng nghe tất cả những âm thanh của đất, cảm nhận được hương vị của đất như hương vị quê nhà. Họ là những con người xa xứ, “thèm mùi đất”, thèm người, thèm đến cả những vồng cây, con ốc… quen thuộc ở quê nhà. Họ luôn luôn như những “cuống rún chưa lìa” đất mẹ yêu thương.

Trong sáng tác của Sơn Nam, hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ lại hiện lên ở nhiều khía cạnh khác nữa. Sơn Nam khai thác cuộc sống con người trong bối cảnh thiên nhiên dữ dằn, nhưng họ sống đầy nghĩa khí với con người, với cả thiên nhiên, công việc. Cái nghĩa trong tác phẩm của nhà văn Hương rừng Cà Mau này được đặt lên như một tiêu chí sống của con người Nam Bộ. Họ sống vì cái nghĩa với nhau trong hoạn nạn của những ngày đầu tạo lập sự sống, hơn thế, cái nghĩa còn xuất phát từ tấm lòng tha thiết với tổ tiên, nguồn cội, những thế hệ đi trước đã đổ máu khẩn hoang Nam Bộ. Điều này đã làm nên nét đẹp nổi bật của hình tượng người nông dân khẩn hoang trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam.

Sự khác nhau của hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ trong các sáng tác của ba nhà văn xuất phát từ cách nhìn về hiện thực của mỗi nhà văn. Hiện thực cuộc khẩn hoang Nam Bộ đã lùi vào quá khứ nhưng trong ấn tượng của từng nhà văn, hiện thực hiện lên với mỗi góc nhìn riêng. Đặc biệt, trong khi thể hiện hình tượng, mỗi nhà văn cũng thể hiện với mỗi cách riêng, với phương thức thể hiện riêng, độc đáo. Với nhà văn Phi Vân, con người hiện lên qua tác phẩm như là những con người đời sống mà tình cờ nhà văn gặp mỗi ngày, tưởng chừng như người nghệ sĩ Nam Bộ này "lượm lặt", gom góp tất cả những câu chuyện hằng ngày mà không cần "tỉa tót", sàng lọc gì cả. Cho nên, nhân vật trong trang văn của ông chân thật, tự nhiên "tươi tắn, roi rói đời sống" [12]. Ngôn ngữ miền Tây Nam Bộ vì vậy mà cũng đi vào lời nói nhân vật không một chút trau chuốt. Bên cạnh đó, Phi Vân còn đăt nhận vật trong những phong tục, nghi lễ, cạnh những mê tín, hủ lậu ở làng quê còn hết sức tối tăm. Trong những tập tục, mê tín đó, cuộc sống của họ được dựng lên đằng sau chất hài hước là cuộc sống làng quê nghèo nàn, lạc hậu, cả những niềm tin hết sức ngây thơ, tội nghiệp mà người nông dân mang trong mình. Nhân vật trong tác phẩm của ông chủ yếu ứng xử với những va chạm cuộc sống hàng ngày, những va chạm hết sức nhỏ nhặt nhưng xung đột diễn

ra khá gay gắt (câu chuyện ăn trộm cá, chuyện tình, chuyện sàm sỡ của ông chủ với tá điền) mà cuối cùng, người nông dân phải chịu những kết cục bi thảm, kể cả cái chết.

Không đặt ra những mâu thuẫn gay gắt như tác phẩm của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc lắng nghe những "âm thanh" dội lên trong tâm hồn của những con người xa xứ nhớ quê, thèm đất, thèm người da diết. Văn Bình Nguyên Lộc có lẽ vì vậy không "thô mộc" như văn của Phi Vân, ngôn ngữ của nhà văn miền Đông Nam Bộ này giản dị mà sâu sắc, tinh tế trong việc diễn tả tâm lí. Cái tinh tế cũng bắt nguồn từ việc Bình Nguyên Lộc phát hiện và xử lí mối quan hệ giữa chuyện lạ với chuyện thường ngày. Ông đưa ra nhiều câu chuyện lạ như một thủ pháp để phát hiện chất cuộc sống thường ngày từ những câu chuyện lạ, từ đó để lại những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc khẩn hoang Nam Bộ của con người, họ phải dành giật sự sống thật "lạ lùng", nhưng bình thường như chính cuộc sống của con người khẩn hoang. Bên cạnh đó, nhà văn còn chú trọng đặt nhân vật trong bối cảnh thử thách của thiên nhiên và cả con người, từ đó nhân vật thể hiện được sự can đảm, sáng tạo, cần cù trong cuộc khẩn hoang Nam Bộ. Như vậy, phương thức thể hiện hình tượng của Bình Nguyên Lộc chú trọng vào hai hướng: phát hiện những "tín hiệu lạ" trong cuộc sống thường ngày từ đó đi vào nỗi niềm nhớ quê, yêu đất đai của người Nam Bộ, thứ hai là đặt nhân vật trong bối cảnh trực tiếp của cuộc khẩn hoang miền Nam để phát hiện những phẩm chất cao đẹp của họ.

Điểm khác biệt nổi bật của Sơn Nam khi xây dựng hình tượng lại nằm ở lối trần thuật. Sơn Nam tạo ra được lối trần thuật có vẻ không dụng công nhưng đem lại hiệu quả cao. Nếu cùng dùng phương ngữ Tây Nam Bộ, Phi Vân đứng ngoài cuộc lắng nghe âm thanh cuộc sống bên ngoài và "ghi chép" tạo nên lối trần thuật sệt ngữ âm địa phương, Sơn Nam lại chọn cho mình một chỗ đứng khác. Sơn Nam kể chuyện với giọng điệu của một người trong cuộc, một người Nam Bộ đang sống với cuộc sống hằng ngày của những người

khẩn hoang Nam Bộ. Cho nên, trong ngôn ngữ trần thuật của ông, nhiều giọng điệu xuất hiện, nhiều khi không phân biệt được dòng tâm trạng, suy nghĩ của tác giả hay của nhân vật.

Bên cạnh đó, Sơn Nam còn chú trọng đặt nhân vật vào những bối cảnh hoang dã đầy thử thách của thiên nhiên Nam Bộ. Ở đó, con người đối mặt với hùm tha, sấu bắt, heo khịt…, chiến đấu với chúng để bảo vệ cuộc sống những ngày đầu khẩn hoang. Bối cảnh này là một không gian nghệ thuật đậm chất "khẩn hoang", cũng là phương tiện từ đó nhà văn hướng nhân vật của mình theo lối sống trọng nghĩa, vì nghĩa mà chiến đấu, cái nghĩa của những con người sống với nhau bắt nguồn từ mạch cội nguồn chung mà họ không bao giờ quên, đó là những bậc tiền nhân khai hoang Nam Bộ.

Thay lời tựa cho bộ sách Hương rừng Cà Mau là bài thơ giản dị xúc động của Sơn Nam, ở đó, ta bắt gặp hình ảnh những con người "vô danh" khẩn hoang Nam Bộ với cái nghĩa khí làm trọng:

Trong khói sóng mênh mông Có bóng người vô danh ….

Chương 2

NHẬN THỨC THẨM MỸ VỀ NHỮNG PHẨM CHẤT

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 40 - 46)