7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Những tai ương đến từ tổ chức xã hội
Nhận thức về hoàn cảnh sống của người nông dân Nam Bộ, các nhà văn không chỉ khám phá bối cảnh tự nhiên hoang sơ, thách thức và thời gian con người sống, vật lộn và chinh phục tự nhiên. Sau những điệu hò vẳng trên sông nước, sau những rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng này sang đồng
kia, ruộng này sang ruộng khác, “ẩn trú biết bao nhiêu là tá điền và chủ điền” [99] với những mâu thuẫn dằng dai. Sự áp bức, bóc lột, lộng hành của các chủ điền nông thôn đã đẩy tá điền chìm vào những kết cục chua xót. Đây cũng là bối cảnh xã hội của những tai ương mà người dân khẩn hoang Nam Bộ phải gánh chịu, được nhà văn Phi Vân tập trung phản ánh.
Bối cảnh này được dựng lên trong trong tác phẩm của Phi Vân như những thước phim ngắn. Cuộc sống hàng ngày của người nông dân được phác họa trong không gian làng quê êm đềm, tĩnh lặng tưởng như thật yên bình. Những ngôi làng “nép mình trong những chòm dưa xanh rậm”, với “vài xóm nhà lá leo heo ở dọc theo bờ kinh nhỏ yên tĩnh với tháng ngày”, bên “dòng sông Trẹm lững lờ trôi ngang và ban chiều..mấy làn khói trắng bốc lên” và hình ảnh “người đàn bà xong việc bếp núc, ẵm con ra đợi chồng về, lâu lâu đuồi bày gà đang bới trên giồng rau cải’ [99]. Nếu ngắm những hình ảnh đó từ xa, cuộc sống của người nông dân sẽ được vẽ nên bằng những bức tranh thật ấm áp, yên bình. Nhà văn Phi Vân đã đi vào tận cuộc sống hành ngày của họ để khám phá ra những gì đang ẩn chứa trong “cảnh trí xanh tươi” đó, đó là những “tấn tuồng gay cấn” được tạo nên bởi những tay chủ điền, gieo vào số phận nông dân những thảm kịch chua xót.
Sự áp bức của chủ điền với tá điền được phản ánh khá sinh động trong những bức tranh cuộc sống đời thường. Tâm lý nô lệ ăn sâu vào tâm lí của tá điền, khiến họ luôn xuất hiện trong bộ dạng khúm núm, yếu thế. Chính điệu thưa bẩm và bộ dạng sợ sệt, lo lắng của mẹ con Sáu “đờn kìm”, cậu hai Hóa, thằng tư Bồ... đã thể hiện được sự phân biệt tầng lớp khá rõ trong xã hội nông thôn.
Những hào bá nông thôn đã dùng nhiều thủ đoạn để bóc lột sức lao động, kể cả sự lừa bịp tráo trở. Trong Cảnh tre cũ, cặp giò xưa, lão Bá đã “nói láo” hứa gả con gái cho Tư Rổ, bắt về ở rể, “đầy như đầy tớ”, đến gần ngày cưới thì đuổi Tư Tổ đi như “đuổi chó” để gả con gái cho người khác. Thế
nhưng, người tá điền phải chấp nhận tất cả để an phận. Vì hành động phản kháng, Tư Rổ cuối cùng bị giải ra quận. Công bằng không thuộc về những người tá điền, không có phiên tòa đứng về họ. Sự áp bức đó còn xuất hiện khá rõ nét trong cảnh nhân vật tôi đến nhà ông chủ Nghĩa mướn ruộng (Cá mắc câu). Có thể nói, các ông chủ đất đã tìm mọi hình thức để bòn rút, bóc lột sức lao động của người nông dân, đẩy họ đến nước phải nhẫn nhục chấp nhận.
Không chỉ bóc lột sức lao động, các ông chủ còn cậy quyền hành ức hiếp người dân. Một ông quan xem tuồng phải lòng cô tư Bé, đã chiếu cố và tức thì cô ta nghỉ diễn vì sắp sinh “một quan con” (Chợ hay quê), đau xót hơn, người nông dân bị ức hiếp đến chỗ chết. Hàng động ve vãn, chọc ghẹo của ông chủ Nghĩa với người mẹ của Sáu đờn kìm khiến người đàn bà hiền hậu, đáng thương phải nhận cái chết oan ức, thê thảm. Trong lời trăn trối của người mẹ ẩn chứa bao nỗi uất ức mà có lẽ đến tận khi không còn sống được nữa bà mới dám nói ra: “người giết cuộc đời mà là…là…ông chủ” [99] (Hận nghìn đời). Tai ương đổ lên đầu cuộc sống của những tá điền chính từ các tầng lớp trên trong tổ chức xã hội gây nên. Từ quan lại đến hào bá, chủ điền, tất cả không chỉ bóc lột sức lao động mà còn chà đạp nhân phẩm, đẩy người nông dân đến những kết cục chua xót, oan ức. Đó là xung đột giữa “những tâm hồn mộc mạc” như người mẹ, như Sáu đờn kìm, con Tám Én… với những “vai quyền thế lực” như ông chủ Nghĩa, lão Bá… để rồi người đọc không khỏi ngậm ngùi, thương cảm cho những tậm hồn mộc mạc kia. Họ là những người “mãn kiếp phải làm nạn nhân cho bọn giàu sang thế lực” [99].
Viết về người nông dân Nam Bộ, Phi Vân đã nhìn thấy được mâu thuẫn ẩn chứa trong xã hội nông thôn, nhất là những nơi con người ít học, sống thô sơ với những niềm tin u tối vào thần bùa, phép thuật. Ở đó, họ nhẫn nhục chịu đựng sự hà hiếp, áp bức, mọi tai ương từ tầng lớp trên của xã hội đổ lên cuộc đời họ, thậm chí nhẫn nhục chịu cái chết oan ức. Nhưng, chính nhà văn cũng đã lí giải: những chủ điền “họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của
hoàn cảnh xã hội và của một thời kì” [99]. Cho nên cái nhìn của Phi Vân về hoàn cảnh sống của người nông dân Nam Bộ chỉ mới dừng lại ở chỗ phản ánh hiện thực bề nổi. Trong cách lí giải của ông, tính chất “chấp nhận” hiện thực thể hiện khá rõ bởi vì theo ông, nguyên nhân gây ra nỗi khổ cho người nông dân không phải từ chính những con người hằng ngày vẫn đè nén, bóc lột họ, mà chính từ hoàn cảnh xã hội, và không còn cách nào khác là chấp nhận nó.
Tuy nhiên, đọc những trang viết của ông, người đọc xúc động vì những ghi chép chân thực, cảm động. Những tác phẩm của Phi Vân đã đặt ra dấu hỏi khẩn thiết về số phận con người nơi đây (và những miền quê khác), gieo vào người đọc ý thức về sự thay đổi, phải thay đổi để người nông dân Nam Bộ có một cuộc sống thực sự.
Nhận thức về hoàn cảnh sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, các nhà văn đã khám phá trên nhiều góc độ. Đó có thể là cái hoang sơ, thách thức, một không - thời gian quy thuận của tự nhiên, cũng có thể là một hoàn cảnh sống đầy tai ương từ tổ chức xã hội. Nhưng, dù ở phương diện nào, đó cũng là những bức tranh chân thực, toàn diện, là những phát hiện đầy trải nghiệm của những nhà văn là những người con gắn bó với mảnh đất Nam Bộ. Chính cách nhìn này đã tạo cho văn học Nam Bộ một hương sắc mới bên cạnh dòng văn học giải phóng của miền Nam Bộ. Đây không phải là không - thời gian khốc liệt của chiến tranh, của những hi sinh mất mát mà các nhà văn như Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… tái hiện. Các nhà văn “nằm vùng” có một cái nhìn hiện thực riêng, một hiện thực mang cái vẻ “hoang sơ, cổ tích” nhưng họ đã dựng nên câu chuyện có thật về cuộc sống của những con người khẩn hoang Nam Bộ. Đó cũng là hành trình khẩn hoang đầy gian nan, thử thách và đổ máu, cũng là những vật lộn, hi sinh cao đẹp và đáng trân trọng. Các nhà văn cũng đang viết về những con người anh hùng yêu nước, họ không tên tuổi nhưng ngày ngày họ vẫn thầm lặng làm nên câu chuyện lịch sử về quá trình mở nước, lập làng.