Tiểu sử, sự nghiệp văn học của ba nhà văn

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 34 - 40)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1.Tiểu sử, sự nghiệp văn học của ba nhà văn

Phi Vân (1917- 1977) là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp. Ông sinh ra ở Bạc Liêu, một miền quê Tây Nam Bộ và sống gắn bó với sông nước Cà Mau quê hương ông.

Phi Vân chủ yếu viết phóng sự, truyện ngắn cho các tạp chí ở miền Nam. Ông đến với văn chương bắt đầu với “thời kì lãng mạn” (chữ dùng của Phi Vân) và cho ra đời hai truyện dài loại phiêu lưu tình cảm: Trên bãi cát

vàng, Chim trời bạt gió. Nhưng đó là những tác phẩm không làm nên tên tuổi Phi Vân. Ông chuyển qua viết phóng sự. Có lẽ, thời gian làm báo đã giúp tác giả có một vốn sống thực tiễn làm nên sự thành công cho phóng sự Đồng quê

(1942), tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ. Đây được xem là sáng tác thành công nhất của Phi Vân, “là tác phẩm văn chương đúng nghĩa” [1], để lại dấu ấn sâu đậm về cách viết rặt ròng Nam Bộ với “chất tươi tắn, roi rói đời sống của miền đất mới hiện ra lồ lộ trên từng trang viết” [12]. Trong bài diễn văn trao giải, Nguyễn Văn Kiết khẳng định “quyển phóng sự của ông như một tấn tuồng gay gắt đặt trong cảnh trí xanh tươi” [99]. Nói dễ hiểu hơn, qua phóng sự, người đọc cảm nhận được bức tranh “xanh tươi” của những hàng dừa nước, cái êm đềm, bình dị trong hình ảnh “thiếu phụ ẵm con đứng đợi chồng về, lâu lâu đuổi bầy gà đang bới trên giồng rau cải” [99], bên trong đó là xung đột bọn chủ, tá điền, là cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, là cuộc sống đau khổ của người nông dân vì bị bóc lột. Phóng sự đã đưa người đọc đến với cuộc sống của người nông dân Nam Bộ miệt Hậu Giang, rừng U Minh để không khỏi chạnh lòng, thương xót.

Sau Đồng quê, Phi Vân sáng tác các truyện như Dân quê, Tình quê, Cô gái quê… Các sáng tác của Phi Vân bên cạnh bức tranh mâu thuẫn giai cấp, cuộc vật lộn dũng cảm giữa con người với thiên nhiên hoang dã, còn hướng nhiều đến phong tục. Qua các sáng tác của ông, nhất là phóng sự Đồng quê, người đọc có thêm hiểu biết về các tập tục, nghi lễ,… của những miền thôn quê Tây Nam Bộ. Nhiều người đã đặt sáng tác của Phi Vân bên Tô Hoài là vì vậy.

“Phi Vân sử dụng lối viết linh hoạt, gọn gàng, pha nhiều chất hóm hỉnh, tinh quái khiến cho người đọc đôi lúc… rưng rưng, khóc cười theo từng cảnh đời của từng nhân vật” [12]. Bằng lối viết đó, đọc Phi Vân, người đọc bị kéo và những say mê, “đọc được một bài, phải đọc một bài nữa và sẽ đọc luôn cho đến hết” [99].

Trong các sáng tác của ông, hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ hiện lên khá rõ nét, chúng tôi tập trung làm rõ qua khảo sát tập phóng sự Đồng quê của ông.

Là nhà văn sống cùng thời với Phi Vân, tuy vậy, Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987) được người đọc biết đến với những sáng tác ở một giai đoạn khác. Ông chủ yếu sáng tác ở giai đoạn văn học miền Nam 1954 - 1975.

Bình Nguyên Lộc là nhà văn sinh ra ở Tân Uyên, một làng bên con sông Đồng Nai miền Đông Nam Bộ. Đó là nơi mà dòng họ của ông đã hơn mười đời sinh sống, kể từ khi tổ tiên ông di dân vào Nam lập nghiệp. Phải chăng vì vậy, quê hương Đồng Nai, làng Tân Uyên và cuộc khẩn hoang của người Nam Bộ in dấu và trở thành mối bận tâm lớn trong sáng tác của người nghệ sĩ này.

Không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, Bình Nguyên Lộc còn là một nhà báo, nhà khảo cứu, ông đặc biệt nghiên cứu nhiều về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Ông được xem “là một số ít những nhà văn thuần chất Nam Bộ, lại có vốn kiến thức sâu rộng, thử tài trên nhiều lĩnh vực” [96]. Những am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa in dấu và góp phần làm nên sức sống cho các sáng tác nghệ thuật của người nghệ sĩ này.

Mặc dù cuộc đời luôn phải đối mặt với bệnh tật, nhưng người nghệ sĩ Nam Bộ này có một sức sáng tạo dồi dào, sung sức, một sự lao động bền bỉ, cần mẫn (gần một nghìn truyện ngắn, hơn năm mươi tiểu thuyết).

Các tiểu thuyết nổi bật như: Đò dọc, Gieo gió gặt bão, Xô ngã bức tường rêu, Khi từ thức về Trần, Nhện chờ mối ai, Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương… Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc hướng tới chủ đề lớn là tình yêu, tình yêu vượt qua những “bức tường” phong kiến rêu phong, vượt qua không gian vắng vẻ, heo hút nơi con người khẩn hoang tạo lập cuộc sống mới. Những câu chuyện tình được tác giả đặt trong những khung cảnh có thật, những địa danh cụ thể của miền Đông Nam Bộ. Nhưng tình yêu trong tiểu

thuyết của ông chỉ là câu chuyện để tác giả gửi gắm tình cảm với quê hương, nguồn cội, niềm tin vào sức sống của những con người khẩn hoang Nam Bộ, là lời nhắc nhở về “lịch sử di dân, khai phá đất hoang, mở rộng cõi bờ và giao hòa ngôn ngữ” [32] của dân tộc. Ông đã từng tâm sự “văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi đối với nó chứ không phải vì ái tình hoặc yêu đương tác động” [7]. Đọc tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, ta không tìm thấy những xung đột, những mâu thuẫn gay gắt, truyện của ông nhẹ nhàng, người đọc dễ dàng nhận ra “ý truyện” (chữ dùng của Bình Nguyên Lộc) nhờ những lối giảng giải khá “cần mẫn” của tác giả, nhưng cũng theo đó để thấm dần cái dư vị cuộc sống mà tác phẩm mang lại.

Có lẽ, truyện ngắn vẫn là thể loại thành công hơn cả trong sự nghiệp sáng tác của tác giả miền phù sa Đồng Nai này. Với khoảng 50 truyện ngắn sống được với công chúng, truyện ngắn Bình Nguyên Lộc đã định hình được một phong cách khá rõ nét, độc đáo. Những tác phẩm này thường được sáng tác theo chùm chủ đề. Nhốt gió là chùm truyện ngắn hướng đến tư tưởng tự do, làm lạc hướng những người đọc truyền thống vì những câu chuyện đối chọi giữa ý thức “nhốt” với tất cả những gì không thể “nhốt” được, từ đó các tác phẩm gợi lên ý thức vươn lên tất cả những lối mòn cổ hủ, hướng đến cuộc sống cầu tiến, cởi mở. Tập truyện giản dị như “ca dao”, đem lại “chút hương vị quen thân” [54] cho mỗi người đọc. Một chủ đề lớn khác trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc là tinh thần “nắm níu quê hương”, “thèm mùi đất”, tha thiết với cội nguồn như “những đứa con thương của đất mẹ” (Tập truyện Cuống rún chưa lìa). Có thể xem, tình đất như một nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn đất Nam Bộ này. Kèm theo nguồn cảm hứng bất tận về mảnh đất, cuống rún, Bình Nguyên Lộc còn tìm về cội nguồn của mảnh đất Nam Bộ, đó là cuộc hành trình khẩn hoang miền Nam của những người nông dân Nam Bộ. Họ là những tiền nhân mở đất, tạo lập cuộc sống, họ phải đấu

tranh để sinh tồn, “một cuộc sinh tồn khốc liệt” [32], phải đánh đổi bằng những mất mát “thầm lặng”, nhiều khi họ phải tiêu diệt đồng loại, họ phải sống xa loài người, sống “thèm đất”, “thèm người”, làm cây mắm, để sinh ra cây tràm, rồi hi vọng sinh ra dừa, xoài, quýt (Tập truyện Ký thác). Ở chủ đề này, nhà văn đã dựng nên một hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, xúc động: Hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ.

Bên cạnh đó, truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc còn hướng đến nỗi cảm hoài khi “những bước chân lang thang trên hè phố” Sài Gòn tìm chút hương làng của Sài Gòn trong kí ức, để gợi nhớ, gợi thương tình quê cũ (Tập truyện Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc).

Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc hướng đến những gì bình dị đời thường nhất để anh bồi, chị bếp, bác thợ thuyền ít học cũng thưởng thức được (ý của Bình Nguyên Lộc). Vì vậy, có người cho rằng “ông kể chuyện dềnh dàng như những người ít học” [32] nhưng tác phẩm của ông lại tạo sự say mê nơi người đọc vì ông biết cách “đối xử với những thực thể tầm thường một cách bất thường” [32] để từ đó bộc lộ tư tưởng. Cho nên, cái hình ảnh cuộc sống trong trang văn Bình Nguyên Lộc tưởng như không có gì ấy lại thấm dần vào lòng người như ca dao dân ca bằng văn xuôi (ý của Sơn Nam). Và nếu đọc Phi Vân, ta hiểu thêm về ngữ âm địa phương miền Tây Nam Bộ thì với văn Bình Nguyên Lộc, ta nghe được lời nói hàng ngày của con người miền Đông Nam Bộ.

Điểm qua văn nghiệp của Bình Nguyên Lộc có lẽ, ai cũng sẽ đồng ý rằng, thật đáng tiếc khi các tác phẩm của ông chưa đến gần hơn với đông đảo bạn đọc.

Sơn Nam (1926 - 2008), nhà văn sinh ra và lớn lên ở rừng U Minh (Tỉnh Kiên Giang) từ bé đến lớn, ông đã tự giới thiệu về mình như vậy. Tuy nhiên, phải nói là mảnh đất Nam Bộ có “duyên nợ” với ông để rồi không phải tự nhiên mà ông được xem là “biểu tượng”, “pho tượng sống” của Nam Bộ.

Sơn Nam từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, sau hiệp định Giơ - ne - vơ, ông không tham gia tập kết ra Bắc mà tình nguyện ở lại miền đất Nam Bộ quê hương ông. Và ông đã chọn cuộc đời của một nhà văn nhẫn nại, chịu khó, bền bỉ “đi bộ” vào mạch sống Cà Mau để sáng tạo cho đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà “từ nay về sau khó lòng tìm thấy nữa” [45]. Người con đất Nam Bộ ấy đã lặng lẽ dùng văn chương làm công việc “thấm thía ngàn năm” [70], đó là đưa Nam Bộ vào nghệ thuật.

Ông được tôn danh là “pho từ điển sống về Nam Bộ” vì những sáng tác nghệ thuật và những công trình biên khảo nổi tiếng thể hiện sự am hiểu, lịch lãm về mảnh đất này. Đó là vị trí khó ai có thể thay thế. Người ta nói rằng, ông ra đi mang theo cả những “bí mật”, “những huyền thoại” [28] về vùng sông nước này.

Là một nghệ sĩ, Sơn Nam đã bộ hành trên mảnh đất Nam Bộ nhặt những “bụi vàng” của cuộc đời làm nên những tác phẩm mà hôm nay chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi khám phá chúng. Ngoài các tiểu thuyết xuất sắc như: Bà chúa Hòn, xóm Bàu Láng…, các truyện vừa như: Hình bóng cũ, Chuyện tình một người thường dân, Ngôi nhà mặt tiền…, Sơn Nam đặc biệt thành công ở thể loại truyện ngắn. Các tập truyện ngắn như Hương rừng Cà Mau, Biển cỏ miền Tây… đã ghi dấu phong cách nghệ thuật của ông. Đọc các tác phẩm của người nghệ sĩ Nam Bộ này, chúng ta cảm nhận được “mỗi trang viết như một nhánh rễ gân guốc bền bỉ ăn sâu vào miền châu thổ Cửu Long” [68], là “hiện thân sâu thẳm cho hồn cốt của đất và người Nam Bộ” [45]. Khi trở về với đất, điều mà người nghệ sĩ ấy còn đang bỏ dở vẫn chính là những sáng tác về Nam Bộ mà ông chưa kịp hoàn thành.

Sáng tác của Sơn Nam hướng đến nhiều đề tài: đề tài lịch sử, đất đai, văn hoá, con người Nam Bộ… Nhưng đề tài chủ lưu trong sáng tác của người nghệ sĩ Nam Bộ này chính là viết về cuộc khẩn hoang của người nông dân Nam Bộ. Như ông từng tâm niệm “tôi định hướng ngay từ đầu đến với nghề,

viết về cuộc khẩn hoang miền Nam” [47] và nhân vật chính trong cuộc khẩn hoang “hiền lành” đó là “những người nông dân chất phác, ít chữ” [47].

Hương rừng Cà Mau là tập truyện ngắn xuất sắc nhất của Sơn Nam, là sáng tạo tâm đắc nhất của ông như chính ông đã từng chia sẻ. Tập truyện được viết trong khoảng thời gian từ năm 1954- 1959, khi nhà văn từ chiến khu trở về Sài Gòn, và được in vào năm 1962 do Nxb Phù Sa ấn hành. Tập truyện được viết ra từ “kí ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt” [94] trong tâm thức Sơn Nam. Tập truyện ra đời trong lòng đô thị dưới chế độ Sài Gòn đang kiểm duyệt rất gắt gao, vì thế Sơn Nam đã dùng đề tài lịch sử “gợi lên trong lòng người hào khí của thời khai hoang, mở đất, chống Pháp” [25], để gửi gắm tư tưởng. Lúc đầu, tập truyện Hương rừng Cà Mau gồm 18 truyện ngắn, hiện nay, Nxb Trẻ TP. HCM đã xuất bản bộ sách mang tên Hương rừng Cà Mau” với 3 tập, tập hợp những sáng tác truyện ngắn xuất sắc của Sơn Nam ra đời trong thời kì này (gồm cả 18 truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau trước đó). Những truyện ngắn này hầu hết lấy đề tài về cuộc khẩn hoang Nam Bộ những năm 1939 - 1940, là sự thể hiện cô đọng lịch sử một miền đất bằng nghệ thuật. Đây là phạm vi khảo sát của chúng tôi trong công trình này.

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 34 - 40)