Những thành công và hạn chế của từng nhà văn trong việc cá thể hóa ngôn ngữ nhân

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 127 - 133)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Những thành công và hạn chế của từng nhà văn trong việc cá thể hóa ngôn ngữ nhân

thể hóa ngôn ngữ nhân vật

Đối với tác phẩm tự sự, nhân vật là một yếu tố quan trọng để nhà văn gửi gắm tư tưởng của mình. Khi xây dựng nhân vật, các nhà văn hiện thực chú trọng cá tính hóa nhân vật tức là làm cho nhân vật "có cá tính sinh động và trở nên con người cụ thể, xác định", "là sự khái quát nghệ thuật về một khía cạnh bản chất của con người cụ thể" [22, 29]. Không phải cá tính hóa nhân vật nào cũng đạt đến sự điển hình nhưng nó "là một trong nhưng phương diện quan trọng của điển hình hóa" [22, 29]. Nhà văn hiện thực hướng tới nhận thức, lí giải bản chất của hiện thực thông qua những điển hình nghệ thuật.

Một trong những yếu tố nhà văn khám phá đặc trưng và biểu hiện khi cá tính hóa nhân vật chính là cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là "lời nói của nhân vật trong các loại hình tự sự và kịch, là một trong các phương diện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật" [22, 183]. Khi ngôn ngữ nhân vật đạt đến sự cá thể hóa, có nghĩa là nhân vật đã mang một tiếng nói riêng, cụ thể, nhưng cũng qua ngôn ngữ nhân vật, người đọc nhận ra các vấn đề xã hội khác xung quanh nhân vật như: tính cách, địa vị, trình độ, thành phần xã hội… Đây là một yêu cầu đối với nhà văn. Nhiều nhà văn hiện thực Việt Nam đã thành công trong việc cá

thể hóa ngôn ngữ nhân vật, chẳng hạn Ngô Tất Tố với ngôn ngữ nhân vật Nghị Quế, Nguyễn Công Hoan với ngôn ngữ nhân vật Kép Tư Bền, Vũ Trọng Phụng với Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao với Chí Phèo, Bá Kiến…

"Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại những từ, câu mà nhân vật thích nói kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương…" [22, 183]. Đó là cơ sở để chúng tôi khảo sát những biểu hiện của sự cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật trong các sáng tác của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.

Với Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, như chúng tôi đã nói ở phần trên, các nhà văn này rất chú trọng vận dụng phương ngữ trong khi khai thác ngôn ngữ nhân vật. Thế nhưng, việc cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật lại không được đặt thành trọng tâm, ở những mức độ khác nhau.

Do thể loại phóng sự chú trọng quan tâm đến sự kiện cụ thể, chính xác cho nên, trong Đồng quê của Phi Vân, nhân vật không được nhà văn để ý xây dựng. Các nhân vật xuất hiện như những thành phần tạo nên sự kiện. Cho nên, ngôn ngữ nhân vật không phải là vấn đề đáng quan tâm, và cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật lại càng không đưa vào dụng ý của nhà văn trong tác phẩm này.

Bộ sách Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam mà chúng tôi đang khảo sát, mặc dù là những sáng tác nghệ thuật đã dựng nên một hình tượng cao đẹp, ám ảnh về người nông dân khẩn hoang Nam Bộ nhưng vấn đề cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật lại là một hạn chế của ông. Đọc tác phẩm của Sơn Nam, nhiều khi, người đọc không phân biệt được đâu là ngôn ngữ người kể chuyện, đâu là ngôn ngữ nhân vật, bởi chúng rất gần nhau. Thứ nhất, cái gần khó phân biệt đó là bởi vì cả nhân vật và người kể chuyện đều dùng thứ phương ngữ đặc sệt Nam Bộ, và đều có cách nói không màu mè, chải chuốt, gọt đẽo. Nhưng một lí do thứ hai quan trọng hơn là các nhân vật của Sơn Nam khi nói

chủ yếu nhắm vào việc kể chuyện, tường thuật sự việc với những câu văn ngắn, cho nên, sắc thái ngôn ngữ của nhân vật không được chú ý. Điều này xuất phát một phần từ lối nói của người Nam Bộ: bộc trực, thô mộc không rườm rà. Nhưng sự gần gũi giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện Sơn Nam bởi vì người kể chuyện thường đặt cái tôi của mình để kể lại nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện hòa vào ngôn ngữ nhân vật, có khi lấn át ngôn ngữ nhân vật. Cho nên, giọng nói của các nhân vật na ná nhau, bởi vì nó chi phối nhiều bởi giọng của người kể chuyện. Chúng tôi xin dẫn một số đoạn văn là "lời nói trực tiếp của nhân vật" nhưng không khác lời người kể chuyện là mấy. Khi người kể chuyện giới thiệu ngắn gọn (hai câu) về người mù, nhân vật người mù xuất hiện với những lời nói mang tính trần thuật, câu văn ngắn, không biểu lộ sắc thái hay cảm xúc:

"Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đúng lúc.

Vào đầu mùa, cá thường ăn mỗi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúa trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng mây đâm ngang, cá trở lại ăn lần chót.

()

Mát là màu xanh, màu đen. Nóng là màu vàng, màu đỏ. Bần hàn làn nghèo lạnh. Vô nhà nào mình có cảm giác lạnh lẽo, đó là nhà nghèo…Đi lâu là đường dài, đi mau đường ngắn."

Có thể thấy, lời nói của nhân vật không có gì đặc biệt, người đọc có thể nhầm lẫn với lời người kể chuyện. Nó giống như người kể chuyện đặt lời nói đó vào nhân vật và nếu thực sự nhân vật không xuất hiện, người kể chuyện có thể làm nhiệm vụ dẫn lời thay, cũng không khác nhau về sắc thái là mấy.

Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm của Sơn Nam thô mộc và đơn giản như lời nói thường ngày. Nói như vậy không có nghĩa là "cứ ghi lại cuộc nói chuyện của người Nam Bộ" là thành văn chương được. Nhưng, rõ ràng, Sơn Nam không chú trọng vào việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Người đọc có cảm giác nhân vật nào nói cũng na ná nhau. Khảo sát 65 truyện ngắn trong bộ sách, chúng tôi nhận thấy hầu như ở truyện nào, nhà văn cũng hướng tới cốt truyện để làm rõ chủ đề, tư tưởng. Các nhân vật xuất hiện khá bình đẳng, không có điểm nhấn. Lời nói của các nhân vật không bộc lộ được tính cách hay số phận, học vấn, tuổi tác, thành phần xã hội... Chẳng hạn trong Mùa len trâu, lời nói của nhân vật xuất hiện trong cuộc đối thoại giữa những con người trong gia đình nhà chú Tư là những mẫu đối thoại thường nhật, hết sức bình đẳng, đời thường.

"- Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt đỏ ghèn hoài.

Chú nói:

- Bên giồng cát Sóc Xoài… Mày có qua tới đó không?

- Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?

- Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu cho họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi…" [52, 39].

Điều này có thể lí giải từ cái gọi đặc điểm trong sáng tác của Sơn Nam, đó cũng là một hạn chế trong việc xây dựng nhân vật của ông.

Bình Nguyên Lộc cũng không ưu tiên cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật nhưng các nhân vật của ông nhìn một mặt nào đó cũng có những ngôn ngữ riêng, khá khác biệt. Người đọc có thể nhận ra ngôn ngữ của những cô gái điếm, những cô me Tây:

"- Buồn bỏ mẹ! Đánh tứ sắc để giết thì giờ, nhưng đánh hoài cũng phát ngấy lên.

- Bồ không biết, chớ khổ bỏ mẹ đi.

- Đâu có cần. Tụi này chỉ biết bốn tiếng là đủ sức làm ăn" (Những đứa con thương của đất mẹ)

Trong ngôn ngữ của những lớp người này thường pha lẫn những tiếng chửi thề, kiểu ăn nói "bụi", thiếu khuôn phép, phần nào thể hiện số phận sóng gió và bất mãn của nghề làm điếm, làm me Tây. Trong ngông ngữ những nhân vật này ít nhiều nhiễm những cái xấu, cái lai tạp của xã hội thực dân.

Ngôn ngữ của con bé bất hạnh, mù lòa làm nghề trèo dừa để nuôi người mẹ bại liệt:

"- Nhộng, má mày bớt không? - Không!

- Trưa nay ở lại, tao cho ăn cơm.

- Tôi phải về đút cơm cho má tôi." (Má ơi, má)

Ngôn ngữ của con Nhộng hết sức ngắn, nghe nó nói, người đọc hình dung được phần nào cảnh mù lòa, đáng thương của nó. Hay khi tái hiện đối thoại giữa hai vợ chồng lao động ít học, ngôn ngữ nhân vật cũng thể hiện nét riêng, khá độc đáo:

" - Thôi, phụ đem ghe ra cho tao, mày. - Khoan đã, để tôi bắc nồi cơm.

- Sao lâu vậy mình. - Tao mệt lắm..ắm..ắ..m. - Tao tức ngực quá

- Thôi bỏ một chuyến." (Không một tiếng vang) Hay cuộc cãi vã giữa đôi vợ chồng nhà quê: "- Sao, mày nói sao?

- Không ai mà cần thèm ai. Con này không sợ đói đâu. Chỉ có ai kia mới bất tài, không nuôi nổi vợ con thôi.

- Đ..m.. tao đánh thấy mẹ mày" Sau đó là sự làm lành giữa họ: - Má nó ơi, con Quýt đâu. - Nó đi chơi rồi.

- Kêu nó về để mẹ con sửa soạn. Mai sáng ta về quê."(Về làng cũ) Và ngôn ngữ của anh mù nhưng là văn sĩ khi nói với người yêu: "- Em thơm lắm.

- Em mấy tuổi em.

- Em đẹp hay không?" (Cây đào lộn hột) Đến ngôn ngữ của tên ăm trộm:

" - Mày mà cựa quậy hay hó hé là tao thọc huyết như thọc huyết heo đằng đình chiều hôm kia, mày có coi, có nhớ chớ?

- Ngồi dậy và nằm dưới sân, tránh chỗ cho tau mở cổng." (Lương tâm kẻ trộm)

Có thể nói, những đoạn đối thoại ngắn nhưng nhà văn đã tạo ra được những giọng điệu khá riêng trong ngôn ngữ nhân vật. Qua ngôn ngữ nhân vật, người đọc thấy được phần nào hoàn cảnh, số phận, học vấn, tính cách cũng như là thành phần xã hội của nhân vật.

Tuy nhiên, ngôn ngữ nhân vật Bình Nguyên Lộc chỉ là sự xuất hiện một số dấu hiệu cá thể hóa, một số nét riêng chứ chưa thể đạt đến sự điển hình và lặp đi lặp lại tạo nên "thói quen ngôn ngữ" của một nhân vật nào đó, để lại ấn tượng trong độc giả. Sự cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật không được Bình Nguyên Lộc chú trọng quá nhiều, nhưng do tính chất phong phú về thành phần của các nhân vật trong thế giới nghệ thuật của ông đã phần nào đem lại sự cá thể hóa trong ngôn ngữ nhân vật. Người đọc có thể nhận ra ngôn ngữ của anh văn sĩ, cô điếm, cô me Tây, con bé trèo dừa, ngôn ngữ của những

người nông dân ít học…Tất cả những nét riêng mà các nhân vật mang đến làm phong phú cho thế giới truyện Bình Nguyên Lộc.

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 127 - 133)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w