Với Bình Nguyên Lộc

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 100)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2.Với Bình Nguyên Lộc

Người nông dân khẩn hoang dưới cái nhìn của Bình Nguyên Lộc hiện lên nổi bật với nỗi niềm yêu mến đất đai, nguồn cội. Trong số 7 tập truyện ngắn, 5 tiểu thuyết chúng tôi khảo sát, ông có nguyên một tập truyện (Cuống rún chưa lìa), một tiểu thuyết (Đò dọc) lấy chủ đề là tình yêu đất đai, nguồn cội, trong các tập truyện khác có đến 9 truyện ngắn cũng hướng tới chủ đề. Điều đó cho thấy, điểm nhấn nổi bật của nhà văn miền Tân Uyên khi thể hiện hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ chính là tình yêu đất, nguồn cội.

Tình yêu đất đai trở thành nỗi ám ảnh trong các nhân vật của Bình Nguyên Lộc. Họ gắn bó với đất như “cuống rún” dù có xa xứ vẫn “chưa lìa” với máu mủ sinh ra họ, là đất mẹ yêu thương. Tình yêu, gắn bó với đất đai đã đem lại cho họ những cảm nhận chân thành mà hồn nhiên đến cảm động về mùi vị của đất. Có lẽ, lần đầu tiên dưới trang văn của nghệ sĩ đất Đồng Nai này, những người nông dân khẩn hoang ít chữ lại mang tâm hồn nhạy cảm tinh tế đến vô cùng. Sau tất cả những vật lộn gian nan của hành trình khẩn hoang Nam Bộ, con người vẫn luôn âm ỉ cái tình sâu nặng, bền chặt với đất, để rồi khi nỗi nhớ và tình yêu bộc lộ, người nông dân nghe được cái mùi vị quen thân của đất, nghe được hơi thở và sự sống của đất cựa mình trong những dòng nước khi qua mùa khô hạn. Đó là cái nhìn của những con người đã qua đi qua những năm tháng khai hoang gian khổ để thuần hóa nên từng thở đất, đất trở thành máu thịt của họ, vì chính họ cũng phải đổ mồ hôi, thậm chí là hi sinh xương máu. Ta gặp điều đó trong cái nhìn trầm tư của ông nội thằng Cộc khi thấy những thớ đất thịt hiếm hoi đang dần hình thành, trong niềm tim của ông rằng ngày mai đất sẽ thuần và cùng Ô Heo sẽ “đồng vui biết bao nhiêu”. Trong đôi mắt đăm chiêu của ông Cựu xã An khi thấy những thớ

đất khô cằn, nút nẻ, và cảm nhận sự hấp hối của nó, và cái vuốt râu sung sướng khi nhìn thấy “đất nó xanh” “đất uống nước”, "đất hả hơi khoan khoái”. Và tình yêu máu thịt với đất hiện lên thật cảm động trong ước muốn giản dị và chân thành của người cha Sáu Nhánh suốt một đời trên thuyền thương hồ “muối hưởng mùi đất vài năm trước khi về với ông bà”.

Tình yêu với đất của các nhân vật trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc biểu hiện phong phú, nhiều cung bậc. Có khi là những giây phút hạnh phúc, sung sướng của người nông dân khi nghe mùi đất và sự sống của đất đang dậy lên, căng tràn, nhưng có khi cũng là những nỗi đau, cả những hi sinh đến hơi thở cuối cuối cùng để bảo vệ mảnh đất họ đang sống (có thể thấy trong tiếng rú tuyệt vọng, đau đớn của bà Mọi khi ngọn lửa thiêu mà vẫn không bảo vệ được khu rừng). Đất trong tình yêu của họ là máu thịt của cha ông, những người khẩn hoang đi trước đã nguyện làm cây mắm, cây tràm ngã rạp để thuần hóa đất cho con cháu đời sau. Có lẽ vì vậy, trong tâm thức của những người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, đất đai đã trở thành một phần thiêng liêng, một nơi mà dù “đất đai không nuôi nổi con người”, dù có phải chấp nhận cái chết, họ vẫn “bám níu” thủy chung.

Tình yêu của các nhân vật gắn liền với tình yêu nguồi cội bởi trong từng mảnh đất có xương máu của cha ông đã đổ xuống khẩn hoang Nam Bộ, có tổ tiên ông bà, và có những kỉ niệm mà họ đã từng sống. Hình tượng rừng mắm là sự thể hiện cảm động tinh thần tri ân với nguồn cội đã ngã xuống để khẩn hoang miền Nam. Nỗi nhớ nguồn cội thường biểu hiện trong các nhân vật là những con người thị thành mang nỗi nhớ thương với “mảnh đất, căn nhà nơi quê hương nghèo khó”. Là nỗi nhớ làng quê khi mùa ốc gạo về, khi ngửi thấy mùi và niềm vui từ ánh lửa, khi nghe hương hành kho tỏa lên trong khói chiều.... là nỗi nhớ vị Tết quê hương với bánh chưng, dưa hấu của những người con xa xứ, nỗi nhớ ăn sâu trong tiềm thức mà đến cả những bác sĩ tâm thần giỏi cũng không sao lí giải nổi. Với các nhân vật của Bình Nguyên Lộc,

nguồn cội gắn chặt với mảnh đất họ từng sống, họ “bám níu” thủy chung với cội nguồn trong mọi hoàn cảnh, cả khi ở một nơi rất xa bên nước người, cả khi họ là những cô me Hoa Kiều làm vợ hờ để kiếm tiền.... vẫn một lòng tha thiết với nguồn cội, họ như những con cá cố bơi ngược dòng để tìm về nơi chúng đã từng sinh sống, dẫu nơi đó không nuôi nổi họ. Như vậy, có thể thấy, với Bình Nguyên Lộc, cái nhìn về đất đai, nguồn cội gắn chặt với nhau, người nông dân yêu đất đai không chỉ vì đó là nơi họ làm ăn, không chỉ vì đất gắn bó hằng ngày với cuộc đời họ, mà còn một điều ý nghĩa hơn nữa là trong từng thở đất mang hình hài cha ông là cội nguồn của họ. Do vậy, tình yêu đất càng trở nên sâu nặng và thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Với Bình Nguyên Lộc, tình đất trở thành nguồn cảm hứng chính, bởi vậy ông hiểu được mảnh đất tổ tiên, cha ông của làng Tân Uyên quê hương ông đã mười mấy thế hệ khẩn hoang. Ông thấm thía hành trình mở đất, dựng cõi trời Nam đầy hi sinh, xương máu. Và chính bản thân ông, con người từng phải xa xứ, từng phải nếm trải cảm giác “thèm mùi đất” nhớ “hương hành kho” của quê nhà. Có lẽ vì vậy, những ấn tượng đó in dấu trong hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ khá cảm động.

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 100)