7. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Sự kết hợp giữa vốn sống phong phú với tinh thần phân tích khoa học trong trần thuật,
khoa học trong trần thuật, miêu tả
Qua những trang viết về người nông dân khẩn hoang, các nhà văn đã thể hiện được một vốn sống phong phú, sự trải nghiệm và am hiểu tường tận
cuộc sống con người Nam Bộ. Đặc biệt, những trải nghiệm đó được các nhà văn phân tích khoa học chính xác, cụ thể, nhờ đó, hiện thực đầy những yếu tố "kì lạ" về hình tượng trở nên thuyết phục người đọc, đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên như chính đời sống con người được các nhà văn thể hiện.
Sơn Nam được coi là nhà văn "lội bộ" vào mảnh đất Cà Mau, "là pho từ điển sống về Nam Bộ" [82], ông coi miền Hậu Giang "như hơi thở của mình" [94], sáng tác của ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc, một vốn sống phong phú về mảnh đất và con người Nam Bộ. Tác phẩm của Sơn Nam như những "nhánh rễ gân guốc và bền bỉ ăn sâu vào miền châu thổ Cửu Long" [68]. Đó là những cách nói nhưng qua đó để thấy rằng, Sơn Nam có một sự gắn bó đặc biệt với Nam Bộ, hơn những nhà văn Nam Bộ khác. Với tâm nguyện "cả đời viết về khẩn hoang Nam Bộ", nhà văn đã để lại những trang viết về hình tượng người nông dân khẩn hoang đầy hấp dẫn, sự hấp dẫn có được nhờ một cấy bút phong phú về vốn sống, sự am hiểu và phân tích chính xác trong trần thuật, miêu tả.
Sơn Nam dành nhiều trang viết kể về cuộc vật lộn giữa con người với tự nhiên hoang sơ, thử thách, cuộc vật lộn để tự vệ, để sinh nhai. Trong những trang viết đó, nhà văn đã đưa người đọc đến những câu chuyện thật lạ, tưởng như hoàn toàn bịa đặt nhưng người kể đã thuyết phục chúng ta. Người đọc được dẫn đến tận rạch Cái Tàu để chứng kiến cảnh "sấu nhiều như trái mù u chín rụng" và nhất là chứng kiến tài nghệ bắt sấu bằng hai tay không của ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ). Đó là một câu chuyện kì lạ, tưởng như chẳng thể diễn ra giữa đời thường. Nhưng càng đọc, người đọc càng bị cuốn vào bởi những am hiểu và vốn sống thực tế của người kể chuyện. Câu chuyện khó tin đó được miêu tả, thuật lại thật rõ ràng từng bước rất hợp lí, chính xác. Người đọc dễ dàng có thể hình dung ra các công đoạn bắt sống bốn mươi lăm con sấu bằng hai tay không của ông Năm Hên, và hiểu được, tìm thấy được cái lí của câu chuyện lạ này. Và việc nhà văn phân tích chính xác tập tính của
loài sấu, kể về cách bắt sấu hết sức nhẹ nhàng, điệu nghệ của người nông dân Nam Bộ có được bắt nguồn từ những trải nghiệm, am hiểu của nhà văn. Đó là cái vốn mà người nghệ sĩ có được trong suốt cuộc đời đi bộ vào mạch sống Cà Mau.
Cũng là sự kết hợp giữa vốn sống phong phú và tình thần phân tích khoa học trong trần thuật và miêu tả, trong một số truyện ngắn khác, nhà văn đã cho người đọc thêm một lần được trải nghiệm những câu chuyện hấp dẫn. Câu chuyện về người mù nhưng được mệnh danh là "sư tổ giăng câu" dường như chỉ có trong cổ tích (Người mù giăng câu). Nhưng, qua lời trần thuật của nhà văn, người đọc dần dần hiểu được cái gọi là sự thật mà câu chuyện mang lại. Câu chuyện thuyết phục người đọc bởi lối trần thật tỉ mỉ của một vốn sống phong phú, sự am hiểu tường tận kết hợp với những phân tích chính xác của nhà văn. Hình ảnh người mù giăng câu và câu chuyện về ông được ghi lại hết sức cụ thể: từ việc nắm bắt tập tính của loài cá đến việc chọn thời điểm, chọn nơi, chọn thời tiết giăng câu,…hết sức hợp lí. Cái hợp lí đó là nhờ những phân tích khoa học chính xác, chẳng hạn: "Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đúng lúc….Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển đổ tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xôn xang, nhưng nơi nước ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ lợ và nước ngọt" [52, 98]. Những điều đó thật hợp lí nhưng không phải ai cũng biết mà vận dụng, "phải dùng óc xét đoán", phải thật để ý, thật tâm huyết, từng trải người nông dân ít chữ như ông già mù mới có được những kinh nghiệm quý báu đó. Dù nhân vật được nhà văn đặt trong không gian bàng bạc cổ tích: "Đêm tạnh vắng. Trăng sao đều khuất trong sương mù. Nước dưới kinh lạnh ngắt. Bếp un đỏ lên xua đàn muỗi rừng. Khói bay lan tỏa, lẫn lộn vào mái tóc bạc, chòm râu bạc" [52, 101] nhưng chính câu chuyện
được kể là câu chuyện sống thực về một người mù thông tỏ đường đi lối về trên từng kênh, rạch, từng ngã rẽ, với những kinh nghiệm giăng câu hợp lí của người mù. Qua lối trần thật tỉ mỉ của nhà văn, người đọc không một chút ngờ vực bởi vì chúng được phân tích chính xác, cụ thể từng bước và người đọc có thể hiểu được và nhận ra tính hợp lí của kinh nghiệm giăng câu đó. Sự phân tích đó là sản phẩm của sự khảo sát, tiếp cận thực tế của nhà văn, để am hiểu về vấn đề giăng câu dựa trên phân tích thời tiết, tập tính của loài cá, cả cách làm việc, sinh hoạt của người mù. Trong truyện Ruộng lò bom, câu chuyện về cách làm ruộng lò bom cũng đem lại cho người đọc một hiểu biết mới về cách làm ruộng kì lạ của con người vùng đất phèn, ngập lụt, "nước mênh mông như biển". Bối cảnh được nhà văn miêu tả thật như câu chuyện từ thửa xa lắc lơ, hai vợ chồng dắt nhau đến làm ruộng ở một miền đất hoang vu, ngập lụt, muỗi mòng, thiếu kinh rạch… nơi mà biết bao nhiêu con người đến cả "bác vật" Tây cũng không thể khai khẩn nổi. Đến cả người vợ mới cưới của Tư Cồ cũng cho rằng chồng mình đang "giỡn": "giỡn như anh có ngày chết đói". Việc làm ruộng trên mảnh đất mà loài người bao đời khẩn hoang đã chê là "vùng đất bỏ" cũng là một tình huống lạ, hấp dẫn. Nhà văn đã khéo léo đưa người đọc đến chỗ hiểu cách làm ruộng của Tư Cồ, thấy được con người đã tận dụng bối cảnh của tự nhiên vùng đất này để kiếm kế sinh nhai. Công việc làm ruộng lò bom được kể rất rõ ràng, tuần tự theo các bước: vào thời điểm nước ngập "cao ngang cổ" này, "Tư Cồ cầm dao chém cỏ, chém gốc cỏ dưới nước" cho cỏ nổi lên; "hai tháng nữa, nước giựt xuống. Cỏ đã thúi trở thành loại phân tốt rải đầy trên mặt đất. Hai tháng nữa tức là tháng Hai, tháng Ba âm lịch, trời nắng cháy. Vợ chồng Tư Cồ sẽ trở lại đó đốt cỏ. Rồi gieo lúa giống…" [52, 178]. Câu chuyện mở ra những phân tích chính xác, hợp lí. Người đọc cảm nhận được trong những lúc khó khăn, thử thách nhất, người nông dân Nam Bộ luôn tìm ra những "mẹo" để sinh nhai, kể cả việc vận dụng vào những khắc nghiệt của thời tiết để ngâm cỏ, cải tạo độ chua cho đất. Cũng
vào một mùa nước nổi ở miền Nam Bộ, trong một truyện ngắn khác, Sơn Nam cũng đã cho người đọc thấy rằng, với con người Nam Bộ, hoàn cảnh thử thách đến mấy cũng không làm con người nhụt ý chí sống. Cảnh trời nước mênh mông và câu chuyện như thửa hồng hoang của loài người: lão Bích chết nhưng không có chỗ chôn. Một câu chuyện tưởng như bịa, hư cấu nhưng lại khiến người đọc vững tin, bởi vì, con người đã hành động như một sự thích nghi cao độ với hoàn cảnh. Ông bà Hai Tích đã lấy nóp bọc xác người chết và dùng cối đá đè xác lên đợi mùa nước giựt…
Hay trong Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, vốn sống đã đem lại cho tác giả những trang ghi chép khá sinh động và chân thực về công cuộc thuần hóa đất, giành đất sống của con người với tự nhiên. "Ông nội nó với tía nó nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của biển rừng tràm này. Thành ra ruộng của nhà nó mang một hình tròn kì dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mát của ngon lửa (...). Lúa ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được này, tía thằng Cộc đành cấy lúa giữa gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục" [78, 647]. Nhưng, đó không chỉ là câu chuyện cá biệt trong một gia đình, nhờ những phân tích của nhà văn, người đọc cảm nhận được hình ảnh bốn con người côi cút không chỉ lo cho cuộc sống của họ, mà cao cả hơn, họ đang làm sứ mệnh mở đất, lập làng. Ta có thể thấy điều đó qua lời của ông nội thằng Cộc: "Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu" [78, 660]. Và ông phân tích cho thằng Cộc hiểu sứ mệnh của gia đình nó là tiếp nối cuộc khẩn hoang Nam Bộ mà tổ tiên đi trước đã ngã xuống: "Tổ tiên ta ngày xưa từ miền Trung vào đây đều chịu số
phận làm cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới… Tất cả mấy lớp tiên phuông đầu đều ngã gục như rừng mắm rồi ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn" [78, 661]. Có thể thấy từ lời giảng giải ân cần của ông nội thằng Cộc, người đọc nhận ra đằng sau câu chuyện về một gia đình ba thế hệ vỏn vẹn bốn con người bỏ làng vào xứ Ô Heo thuần hóa đất, kiếm tìm sự sống là vấn đề có ý nghĩa lớn lao. Họ chính là hình tượng điển hình cho những con người mang trong mình những trăn trở, những "nỗi niềm xa xứ" nhưng vẫn một lòng kiên trì với công cuộc khẩn hoang Nam Bộ. Ông nội truyền cho thằng Cộc niềm tin "con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi", truyền cho nó cái tấm lòng cao cả của con người khẩn hoang, đó là hi sinh vì con cháu mai sau "vả lại con không thích hy sanh chút ít cho con cháu của con hưởng sao" [78, 660]. Từ câu chuyện về một gia đình, bằng những phân tích thật hợp lí, cảm động của Bình Nguyên Lộc (trong lời của nhân vật ông nội), tác phẩm đã dựng nên hình tượng có ý nghĩa điển hình cho tinh thần và sứ mệnh cao đẹp của những con người khẩn hoang Nam Bộ.
Có thể thấy rằng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, bằng vốn sống, sự am hiểu tường tận cuộc sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, họ đã có được những trang viết hấp dẫn, thuyết phục người đọc. Những câu chuyện hư cấu nhưng sống lại rất thực, rất thuyết phục bởi tính hợp lí, chính xác của những phân tích khoa học mà nhà văn đã kết hợp khi kể chuyện. Qua đó, nhân vật người nông dân khẩn hoang mang vẻ đẹp của những con người đầy nghĩa khí, cần cù, sáng tạo, mà vẫn rất bình dị mộc mạc đời thường. Họ là những con người làm công việc cao cả là khẩn hoang Nam Bộ một cách bình thường mà giản dị, không một chút ồn ào. Những câu chuyện về họ qua tài năng, đặc biệt là vốn sống và những phân tích khoa học cụ thể, xác thực của nhà văn, đã khiến người đọc có cơ hội được quay lại với quá khứ cha ông, quá
khứ về cuộc khẩn hoang "kì lạ" nhưng thật oai hùng, thiêng liêng. Có những quá khứ không được viết thành sử sách, không lưu tên tuổi nhưng đáng trân trọng và tự hào biết mấy.