Liều lượng những" câu chuyện lạ" được đem tới

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 133 - 136)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Liều lượng những" câu chuyện lạ" được đem tới

Xây dựng hình tượng những người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, các nhà văn chú ý tạo ra một liều lượng lớn những "câu chuyện lạ". Yếu tố "lạ" ở đây không phải là có sự xuất hiện của những chi tiết không có thực, những yếu tố ma quỷ hay siêu nhiên. "Câu chuyện lạ" được hiểu là những câu chuyện khác so với bình thường, nó có thể "lạ" với người đọc chứ không hề "lạ" với con người trong tác phẩm. Đến với những tác phẩm này, người đọc được khám phá những câu chuyện về cuộc sống người nông dân như một thế giới xa với cuộc sống bình thường, "xa như các nhân vật trong truyện cổ tích" [95].

Những hoàn cảnh sống "khác lạ" được nhà văn xây dựng với một liều lượng lớn. Đó là những hoàn cảnh sống khắc nghiệt, khổ sở đến mức khó tin. Trong cuộc sống ồn ào, hiện đại và sầm uất của đô thị Sài Gòn, nhà văn đã lượm lặt được những mảnh đời "chui lủi" kiếm ăn trong một không gian bẩn thỉu, hiểm nguy đến vô cùng, cái không gian mà ít ai nghĩ tới, ở đó họ vẫn đang âm thầm kiếm tìm sự sống. Họ là những con người sống kiếp "chuột cống" ngày ngày vẫn kiếm ăn trong những hang cống sâu hoắm, "nước đen như thuốc bắc… mùi hôi thối nồng nặc" và càng đi xa miệng cống càng ngộp vì thiếu không khí. Ngày ngày họ vẫn chui vào những hố cống sâu như đáy giếng với những đường hầm ngoằn ngoèo, thăm thẳm để bắt cá sinh nhai với những hiểm nguy rình rập. Để có ngày, người vợ ngồi mở, đóng nắp cống vò võ "tàn đám mưa qua một đám mưa khác" đợi chồng con và cũng hết nước mắt để khóc vì năm xưa người cha cũng chết vì nghiệp sinh nhai này (Người chuột cống). Không chỉ dưới lòng cống, người nông dân Nam Bộ còn kiếm

sống bằng nghề ngụp lặn dưới những khúc sông sâu nhất, đứng nước nhất để xúc từng thúng cát đem bán. Mạng sống của họ được đếm bằng từng giây ngụp sâu dưới nước, những giây phút mong manh mà người ngồi trên bờ đếm đợi vì họ hiểu có thể thời gian càng kéo dài, có nghĩa là chuyến cát đó họ không trở về sự sống được nữa (Không một tiếng vang). Đó còn là cách kiếm sống nguy hiểm của những đứa trẻ chuyên làm nghề trèo bẻ cau và "chuyền cành" từ cây cau này sang cây cau khác mà hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào, nhất là với đứa trẻ mù lòa như con Nhộng (Má ơi, má!).

Người nông dân Nam Bộ không chỉ được đặt trong bối cảnh kiếm ăn khác thường mà các nhà văn còn dựng nên những không gian sống cũng khác thường đến mức khó tin. "Phía bên kia đường là sáng, là ấm, là no… bên này là đói lạnh" với kiếp sống "màn trời chiếu đất" của anh Sáu cụt chân làm nghề khiêng thây ma và mấy mẹ con chị đàn bà cũng không nhà cửa sống cảnh "màn trời, chiếu đất". Họ sống trên một bãi đất mà họ tự quét rác rồi "tổ chức" thành chỗ ở, rồi sống với nhau, có thể rồi thành vợ chồng của nhau để "không mong làm trự thứ mười chết nữa", để dù trong hoàn cảnh nghèo khổ họ vẫn phải sống (Trự thứ mười). Đằng sau cái sầm uất của Sài Gòn, con người không chỉ lủi thủi, chui rúc những ngõ hẻm để kiếm sống, có khi, họ còn phải lấy những ngôi mộ mới xây để cất nhà ở "miễn là có chỗ núp mưa". Đó là "cuộc xâm lăng lặng lẽ để tranh sống với người chết" nơi nghĩa địa xung quanh ao tù với "lau sậy mọc như ở bưng biền xa", trên một ngôi mộ cổ, một mái nhà lá dựng lên. Đó là nhà của Sáu Sửu, một tên tội phạm chuyên cướp giật, lừa gạt đang bị truy nã ráo riết. Cùng cảnh ngộ với anh là một con chồn sống dưới hang của ngôi mộ, một cô điếm hết thời với nhà lá dựng ngôi mộ bên cạnh. "Ba con cáo" sống dựa vào nhau, "tương thân để bảo vệ nhau… nhứt là để an ủi lẫn nhau". Chúng lấy mộ người chết làm nhà, sống cách biệt với cuộc sống bên ngoại bằng khu sình lầy đầy lau sậy mà không ai biết được "con đường bí mật" để đi đến. Tối đến, những con cáo lại đi kiếm ăn và san sẻ

cho nhau, khi mùa mưa đến, việc kiếm ăn khó khăn, chúng ăn thịt nhau để tồn tại (Ba con cáo). Có thể thấy rằng, không gian sống của con người ở đây khác thường đến mức chua xót.

Đó còn là không gian đầy hiểm nguy với những con sấu nuốt chửng cô dâu trong lễ đám cưới (Con sấu cuối cùng), một cuộc hát bội giữa rừng với sấu xéo mỏ ngóng vào, cọp lè lưỡi nhìn những miếng mồi ngon (Hát bội giữa rừng), là bối cảnh sống đầy muỗi mòng chướng khí với một cuộc sống lặng lẽ, côi cút của hai cha con trong khu rừng già U Minh (Hương rừng). Nhiều khi, đó là cái dữ dội của thiên tai với không gian tứ bề là nước với hình ảnh người cha hấp hối mà "bờ bến ở tận chân trời", đến cái chết cũng lênh đênh trôi dạt biển dâu (Một cuộc biển dâu).

Chính trong những bối cảnh "lạ" đó, con người đã hành động một cách phi thường để vượt qua nó và tồn tại. Bà Mọi để bảo vệ khu rừng thân yêu của mình đã tìm cách chặn được dòng chảy của các con suối (Bà Mọi ), cũng để giữ khu rừng cho dân làng sinh sống, anh Ba Mín đã âm thầm hằng đêm đun nước sôi bằng cồn rồi tưới vào những gốc cao su phá hoại cuộc canh tác rừng của Tây, "phá hoại không để lại dấu vết" đến nỗi Tây không thể hiểu nổi "nguyên nhơn bại hoại của mớ cây cao su trồng thử trên khu đất này" (Mẹ tôi tái giá). Đó là khi đối mặt với thú dữ, con người vật lộn chiến đấu với nó đến phải nuốt cháo cầm hơi vẫn sáng niềm vui trong câu nói "non nửa tạ há, sướng quá" (Con heo khịt). Và cũng đối mặt với loài thú dữ, con người đã tìm ra mẹo bắt sấu bằng hai tay không rất điệu nghệ, một mình có thể tóm gọn khoảng bốn mươi lăm con sấu (Bắt sấu rừng U Minh hạ). Trong cái mênh mông như biển của cánh đồng hoang ngập lụt, của miền đất chua phèn mà nhiều đời khẩn hoang cho là "đất bỏ đi", nhưng Tư Cồ đã tìm ra cách làm "ruộng lò bom" hết sức lạ (Ruộng Lò Bom). Đó còn là câu chuyện lạ về người mù được mệnh danh là "sư tổ giăng câu" (Người mù giăng câu). Là câu chuyện khó tin về cảnh con người chết không có chỗ

chôn, đành phải dùng nóp bọc xác và lấy cối đá đè lên (Một cuộc biển dâu). Là câu chuyện kì lạ về một ông già Từ Thông sống một mình trên hòn đảo với hoa, bướm, với đàn cá không mối liên hệ với loài người (Hòn Cổ Tron). Ngay cả niềm tin của "con Bảy đưa đò" cũng mang lại cảm giác cách xa với cuộc sống đời thường, với những ứng xử đời thường. Trong câu chuyện về cuộc đời con Bảy giờ là gì Bảy "ngồi không" chỉ vì lời ước hẹn trong câu hò trên sông của một người khách lạ, giờ "như con nhạn bay xa" không trở lại nữa. Sự chờ đợi thủy chung và gần như là thiếu cơ sở của cô Bảy khiến người đọc thấy nó xa với cái ứng xử đời thường. Phải chăng, đó là lối ứng xử của những con người khẩn hoang, trong gian khó, cô độc, xa với loài người, họ mang cái tình sâu nặng, thủy chung?

Có thể thấy rằng, xây dựng hình tượng những người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, các nhà văn đã đưa vào một liều lượng lớn những câu chuyện lạ. Hầu như, truyện nào cũng ít nhiều có những chi tiết lạ, có thể đậm nhạt nhưng nó mang lại cho người đọc những cảm nhận khác lạ về thế giới của những con người khẩn hoang Nam Bộ. Và vì vậy, những "câu chuyện lạ" mà các nhà văn mang tới đã đem lại sức hấp dẫn không cùng cho người đọc, hấp dẫn khi được khám phá "câu chuyện cũ về một vùng đất mới", khi được cùng đồng hành trong tưởng tượng với những thử thách mà các nhân vật trải qua. Đó cũng là một cách xây dựng hình tượng độc đáo của các nhà văn Nam Bộ như Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam.

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 133 - 136)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w