7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Cần cù và sáng tạo
Người nông dân Nam Bộ hiện lên trước hết với vẻ đẹp của đức tính cần cù, chịu khó. Với hoàn cảnh sống đầy thử thách, họ phải cần cù lao động để chinh phục tự nhiên. Ba thế hệ con người từ ông, cha đến thằng Cộc quanh năm làm lụng cải tạo đất: họ đốt rừng tràm làm ruộng lúa, trồng chuối với những niềm hi vọng tốt đẹp về ngày mai đất thuần, có thể trồng cây ăn quả ngọt (Rừng mắm). Họ mang gương mặt của những người khẩn hoang đi chặt rừng thuần hóa thành ruộng, đất ngập mặn nhờ bàn tay cần cù chịu khó theo năm tháng cũng mang dần thớ thịt và phù sa tươi tốt. Không chỉ cần cù khai khẩn thuần hóa đất đai, con người còn không mệt mỏi nhẫn nại kiếm kế sinh nhai nơi vùng đất mới. Ta gặp trong hình ảnh người nông dân như Sáu "đờn kìm" sự nhẫn nhục chấp nhận điều kiện khắc nghiệt của chủ điền để mong có ruộng làm ăn, rồi một mình gặt năm chục công ruộng, cần mẫn chăm chút để kiếm sống (Dưới đồng sâu). Có khi con người phải chịu khó len trâu đi tránh mùa nước nổi, đằng đẵng cùng trâu "ăn sương" suốt ròng rã mấy tháng trời để hy vọng trâu có cỏ ăn và sống sót sau mùa lũ (Mùa len trâu). Họ cần cù chịu khó nhiều khi đến tội nghiệp, họ cố gắng kiếm tìm sự sống trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Con Nhộng mặc dù mù lòa nhưng vì một thân nuôi mẹ bị bại liệt mà đã phải chăm chỉ cần mẫn làm việc quanh năm với công việc hết sức nguy hiểm: trèo bẻ cau (Má ơi, Má!). Cũng vì kế sinh nhai, người nông dân Nam Bộ cần cù chịu khó ráng sức lặn vào những khúc sông sâu nhất để múc từng thúng cát, cả những ngày trong người thấy không được khỏe. Vợ chồng chị Nhánh ngày ngày lặn sông múc cát và bữa cơm nấu dở chưa kịp ăn vẫn cố tranh thủ khi con nước đứng, hi vọng những thúng cát có thể đủ tiền trả nợ
mua ghe (Không một tiếng vang). Rồi cha con "người chuột cống" ngày ngày chui trong từng hang cống để bắt cá mặc cho mùi hôi thối và thiếu không khí, cơn nước đỏ có thể ngập cống bất cú lức nào (Người chuột cống). Người nông dân Nam Bộ những ngày đầu đặt chân lên miền đất mới, họ phải sống bằng mọi nghề, khó khăn nhọc nhằn nhưng ở họ luôn toát lên vẻ đẹp của đức tính cần cù chịu khó. Họ khiến cho người đọc thương xót cảm động. Họ vẫn là người nông dân Việt Nam thuở xưa với bao khổ cực nhưng vẫn sáng lên sức sống mãnh liệt. Từ những người nông dân chịu thương chịu khó như anh Khoai, cô Tấm, chàng Thạch Sanh trong chuyện cổ tích đến những người nông dân "cui cút làm ăn toan lo nghèo khó" qua cái nhìn của cụ Đồ Chiểu và cho đến những con người khẩn hoang, trong họ tuôn chảy một sức sống tiềm tàng, dù hoàn cảnh sống khắc nghiệt đến đâu. Họ sống cần cù nhẫn nại, bám níu lấy sự sống để hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở miền đất mới này. Chính họ là những "con ong rừng U Minh" chăm chỉ hút hương rừng để ban tặng cho cuộc đời một Nam Bộ như ngày nay.
Với hoàn cảnh sống đầy những thử thách của miền đất mới, cần cù chịu khó chưa đủ, những người nông dân Nam Bộ phải hết sức thông minh sáng tạo mới đủ vượt qua những bối cảnh khắc nghiệt của cuộc sống.
Đất gần mãn mùa mưa vẫn đầy nước lụt và nhấp nhô những lượn sóng cỏ, cánh đồng hoang mà "giống như biển" "trời nước bao la không một bóng người", nước dâng lên gần ngập căn chòi của đôi vợ chồng trẻ Tư Cồ. Nhưng không ái ngại, buông tay trước mảnh đất "phèn, ngập lụt, khó khăn, thiếu kinh rạch, muỗi mòng" [52, 117], Tư Cồ đã sáng tạo ra cách làm "ruộng lò bom". Anh tận dụng nước ngập, mang cây dầm xuống ngụp lặn chặt đứt các gốc cỏ nổi lên từng giề. "Hai tháng nữa nước giựt xuống. Cỏ đã thúi, trở thành loại phân tốt, rải đầy trên mặt đất" đúng khi mùa "nắng cháy", hai vợ chồng sẽ quay lại đốt cỏ, rồi gieo lúa. Sự sáng tạo của Tư Cồ đã giúp anh gắn bó được với "vùng đất phèn mà thiên hạ đều chê cười là vùng đất bỏ" [52, 180] để
thuần hóa chúng và làm ra lúa. Người nông dân mà thiên hạ chê là "thô tục, bất lương" đã âm thầm sáng tạo nên cách làm ruộng dựa vào những am hiểu về thời tiết, về lúa má hầu hết những ai đi qua mảnh đất này đều bỏ cuộc "không khai thác nổi". Những con người như Tư Cồ không chỉ chịu khó mà còn sáng tạo, biết chinh phục để hòa hợp với tự nhiên, kiếm tìm sự sống và chính họ đã mang sự sống đến với những vùng đất hoang sơ như biển này (Ruộng Lò Bom).
Có khi, để khắc phục hoàn cảnh mù lòa mà vẫn kiếm sống được, người mù đã có nghĩ ra những cách ứng phó với công việc thật thông minh. Trong nhân vật ông lão mù, người đọc không khỏi ngạc nhiên vì tài nghệ "giăng câu" của ông. Tài nghệ đó bắt nguồn từ sự am hiểu tập tục sinh sống của loài cá "mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng vào rừng mà đẻ", đến mùa hạn "cá bỏ ruộng, bỏ rừng qay về với hang cũ ở sông", và nhờ sự am hiểu đó, ông đã "khôn ngoan … chặn chuyến về của loài cá" và nhất là " chặn đúng nơi, đúng lúc". Trong những lời của ông lão mù được mệnh danh là "sư tổ giăng câu" chứa đựng tất cả những am hiểu tường tận ngã đi lối về trên kênh rạch, nhất là am hiểu "tánh ý" của loài cá bằng óc xét đoán của mình. Ông là hình ảnh của những con người Nam Bộ đầu tiên gắn bó thân thuộc với từng bờ kênh rạch của sông nước Cà Mau, họ đã sống bằng trí thông minh, sự sáng tạo, và vì thế, vượt qua những hoàn cảnh khó khăn của tự nhiên, thậm chí cả sự mù lòa, cuộc sống ở miệt vườn đầy muỗi mòng chướng khí vẫn tiếp tục và sinh sôi. Cho nên, dù những người như ông già mù giăng câu không còn nữa nhưng con người vẫn cứ hãy "tưởng tượng rằng ông còn đó… để giải nỗi lòng với con cháu đời sau" [52, 100], nỗi lòng của những bậc tiền nhân đã luôn tìm mọi cách để giành lấy và tạo lập sự sống nơi miền đất mới này (Người mù giăng câu).
Con người Nam Bộ trong những ngày đầu khẩn hoang không chỉ gặp phải những không gian tự nhiên đầy khó khăn, mà nhiều khi họ phải đối mặt
với những bối cảnh đầy dữ dằn, hiểm nguy mà nếu không có sự thông minh, con người dễ dàng bị uy hiếp. Đó là sự "chung sống" của thú dữ với loài người. Trong không gian hoang sơ, dấu chân người còn hiếm hoi hơn những bước chân của thú rừng, sấu và cọp trở thành kẻ thù của con người. Nhưng dù "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" con người vẫn cần mẫn khẩn hoang Nam Bộ và dành lấy sự sống, tạo lập bản làng, sinh sôi con cháu. Đó là nhờ những cách ứng phó thông minh, sáng tạo.
Đối mặt với sấu nhiều lần, người nông dân Nam Bộ đã tạo ra cách bắt sấu bằng hai tay không rất điệu nghệ. Nhân vật ông Năm Hên với kinh nghiệm bắt sấu ở rừng đã cứu dân làng vùng "sấu nhiều như trái mù u chín rụng" một việc lớn. Ông "đào một đường nhỏ ngày một cạn từ bờ ao lên rừng chừng mười thước", sau đó đốt lửa xuống đám sậy để trong ao sấu "bị khói cay mắt, ngộp thở, phần vì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy" [50, 90], tức thời, ông chặn đường ao lại, sấu há mồm đòi táp người, ông Năm Hên "đút vô miệng sấu một khúc mốp… sấu bị khúc mốp khóa miệng". Có thể nói không cần phải nhiều sức lực để vật vã chiến đấu với loài sấu đông đúc, chỉ bằng "mẹo" bốn mươi lăm con sấu bị bắt sống, miệng bị khóa, đuôi bị cắt gân, chỉ để mỗi chân trước để bơi tiếp với người (Bắt Sấu ở rừng U Minh hạ).
Đó là khi con người cũng vì kế sinh nhai mà sáng tạo ra cách bắt rắn ri voi bằng rượu, cách bơm khí vào để rắn phồng lên dễ lột da, bán da cho Tây lấy tiền (Con rắn ri voi). Họ biết cách bắt chước đầy sáng tạo cách nấu xà bông của dượng Hai để "nhà nào cũng có nấu" được xà bông bán thậm chí cạnh tranh có hiệu quả với những loại xà bông đã bán trên thị trường (Bác vật xà bông). Họ đã làm được việc không chỉ có "bác vật" (kĩ sư hóa học) mới có thể làm được nó, họ sáng tạo theo cách của họ, theo những gì mà họ học được, hồn nhiên, mộc mạc nhưng thật đáng quý. Thậm chí, sáng tạo của họ nhiều khi đơn giản như dùng những cái nồi thủng đít để đắp đất trồng các cây
rau tránh nước mặn (Thèm đất). Có thể thấy rằng, sự sáng tạo của người nông dân Nam Bộ mặc dù là tự phát nhưng nó xuất phát từ hoàn cảnh đời sống nhiều những khó khăn mà họ phải đối mặt. Dù là những người "ít chữ", không được học hành nhưng hoàn cảnh và khả năng sống tiềm tàng, mãnh liệt đã giúp họ thích nghi được với mọi hoàn cảnh. Dần dần họ thuần phục được tự nhiên, cải tạo cuộc sống bằng những sáng tạo có thể thô sơ, mộc mạc nhưng chính những con người hôm nay cũng phải ngạc nhiên vì điều đó.
Cần cù, sáng tạo là một trong những phẩm chất nổi bật của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ. Đó là tính cách mang đậm vẻ đẹp truyền thống của người nông dân Việt Nam ngàn đời. Nhưng nó trở nên nổi bật, đậm nét hơn trong bối cảnh khẩn hoang đầy những gian nan, thử thách, dữ dằn, hiểm nguy. Trong bối cảnh đó, sự cần cù giúp họ cải tạo hoàn cảnh, kiếm kế sinh nhai, thuần hóa dần tự nhiên hoang dã để sự sống bắt đầu và phát triển. Nhưng cùng với đó là trí thông minh, sáng tạo mặc dù còn chất phác, ngây thơ nhưng đem lại cho họ những thắng lợi trong cuộc hành trình khẩn hoang mà mọi thứ còn hết sức "lạ" đối với cuộc sống của thế giới loài người. Họ đã đưa miền đất thoát dần cái cổ sơ, đưa sự sống nhen nhóm trên từng bờ kênh, từng khu rừng, và bản làng cũng sinh ra từ đó.