7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Khôn g thời gian quy thuận con người
Sự xuất hiện của kiểu không - thời gian này chính là một cách nhận thức về sự chiến thắng của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ với hoàn cảnh sống của họ. Đây là một kiểu không - thời gian luôn song hành với không - thời gian hoang sơ, thách thức.
Trong Mùa len trâu, chúng ta có thể nhận ra không gian mênh mông tứ bề là nước, trâu không có miếng ăn, có thể chết đói và gia tài lớn nhất của người nông dân có thể mất. Thời gian mùa nước nổi kéo dài. Thế nhưng, kết thúc tác phẩm, một không - thời gian mới hiện ra, đó là thời gian của hiện tại và không gian sông nước quy thuận con người. Hình ảnh “dưới ánh trăng suông, con trâu pháo bước đi tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát
rượi” [52, 46], đối lập với hình ảnh không gian mênh mông nước, trâu gầy rạc vì không có miến ăn, đã tạo nên màu sắc tươi sáng cho tác phẩm. Dường như, thiên nhiên dữ dội đến mấy cũng không thắng nổi niềm tin và ý chí khắc phục khó khăn của con người. Và chính họ cũng cảm nhận được sự quy thuận của không - thời gian sau cuộc vật lộn với con người, chú Tư hạnh phúc nhìn con trâu sống sót sau hành trình dài, lắng nghe âm thanh của đất “mặt đất hôm nay mà sao khác lại hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này” [52, 46]. Trong một bối cảnh khác, đó là cái hoang sơ của rừng mắm, đất mặn chát, “nước mặn tràn bờ ngập sân”, nhưng ba thế hệ con người đã chung sức chặt phá tràm trồng lúa, trồng chuối và lúa đã có mùa thu hoạch “nhờ ông bà, đất nước, được hăm lăm giạ là ít lắm” [78, 635]. Họ đã tạo dựng được không gian sống, họ trồng cây gia vị như hành, ớt, rau răm, rau mồ om trong các “nồi thủng đít” treo ở trên cao tránh ngập mặn, làm thức ăn hàng ngày. Dù cho thèm người, thèm chất ngọt của sự sống nhưng họ quyết khai khẩn hoang, bám lấy sự sống ở đây. Hành động của ông nội đem thằng Cộc ra biển và giải thích cho nó hiểu để biết yêu từng thớ đất mà họ cải tạo được, để biết hi sinh cho thê hệ sau, dẫu có làm cây mắm ngã rạp xuống để đời sau là tràm, là cây ăn quả khi đất đã thuần chút ít. Một hoàn cảnh sống thuận lợi mở ra trong những hi vọng thật gần: “năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công… thiên hạ sẽ bắt chước tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu. Tràm sẽ hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít [78, 660]. Trong câu nói đó, dường như một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt những con người khẩn hoang côi cút, cô độc, rồi thiên nhiên hoang dã sẽ được thuần hóa và quy thuận họ, rồi thời gian của 4 con người khẩn hoang côi cút sẽ thay thế bằng cảnh “sầm uất, vui biết bao nhiêu”. Thật cảm động cho những hi vọng, niềm tin cháy bỏng trong một ông già “tóc và râu đã trắng như bông’, đã nguyện làm “đời mắm” để khẩn hoang Nam Bộ. Cảm động vì niềm vui của họ nhen nhóm suốt cả đời, cả mấy thế hệ, giờ sắp
sáng lên, ta càng thấm thía hơn tính thiêng liêng hành trình khẩn hoang đầy cam go thách thức.
Trong hành trình khẩn hoang, người nông dân còn phải đối mặt với thú dữ. Đối với những con người “mang gươm đi mở cõi” nơi đầy muỗi mòng chướng khí, nơi mà bước chân loài người còn chưa thấy, thì thú dữ là kẻ thù lớn nhất, là nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống hàng ngày của họ. Vậy nhưng, sự xuất hiện của họ nơi mảnh đất này đã khiến cho thú dữ “hết thời oanh liệt”. Không gian “dưới sông sấu lội trên rừng cọp tha” giờ đã không còn nhường chỗ cho ghe xuồng, tàu bè tấp nập. Để có được không gian sống như vậy, con người ở đây đã phải gồng mình, “ráng sức cùng nhau, mỗi người ráng một ít”, họ trở thành những người đánh cọp, bắt sấu để bảo vệ cuộc sống, họ là những anh hùng vô danh, không tên tuổi, “không cần bia đồng tượng đá” [51, 224]. Không - thời gian cọp sấu rình rập, uy hiếp con người đã bị đẩy lùi vào quá khứ, “lòng dạ con người thơ thới hơn”.
Họ thuần hóa, chinh phục tự nhiên như một hành động bảo vệ cuộc sống, cải tạo hoàn cảnh sống. Giữa không gian rừng sâu đầy sấu và cọp, người nông dân vẫn tìm ra cách đối phó với chúng để sinh hoạt văn nghệ, mời một gánh gát bội để giải trí. Họ cất nhà sàn, làm sân khấu, làm chỗ nấu cơm, đặc biệt họ làm cọc vòng quanh ngăn sấu, cọp, khiến “cọp phải bơ vơ ngồi trên rạch, sấu thì đành ngóng mỏ ngoài vòng” [51, 207]. Có thể xem, về một mặt nào đó, hành trình khẩn hoang là hành trình đọ sức của con người với thú dữ để đẩy lùi sự uy hiếp của chúng nhằm cải tạo cuộc sống đầy những khó khăn hiểm nguy trên mảnh đất này. Điều đó người đọc có thể cảm nhận rõ nét trong nhiều hình ảnh con người được nhà văn tái hiện. Đó là hình ảnh cha con chú Tư Đức một phen sống chết ở sông Gành Hào để giết chết con sấu uy hiếp cuộc sống trên sông nước của con người, là ông Năm Hên bắt sấu bằng hai tay không với tiếng hát “như khóc, nài nỉ, như phẫn nộ, bi ai”, với “mớ tóc rối mù, mắt đỏ ngầu” [50, 92] khi chiến đấu với bầy sấu “nhiều như trái mù u chín rụng”, là
hình ảnh thật đẹp như một dũng sĩ của ông Năm Hên cưỡi lên lưng sấu, một mình vật lộn, chiến đấu với thú dữ trong đêm trăng… Nhiều lúc, để chinh phục tự nhiên, cải tạo hoàn cảnh sống, con người đã phải trút cả những sức lực cuối cùng để chiến đấu sống chết với thú dữ, bảo vệ mùa màng. Ông Năm Tự sau trận quyết chiến với con heo khịt chuyên phá mùa khoai “nằm mê man tại nhà, cơm ăn không trôi, phải nuốt cháo cầm hơi” [50, 260]. Nhưng tất cả những cuộc chiến đấu với tự nhiên của họ chính là những công việc hàng ngày họ phải đối mặt để ngày một góp phần cải tạo, thuần hóa bối cảnh sống. Họ chính là những người mở đường sống cho người Nam Bộ ngày nay.
Nhận thức về hoàn cảnh sống của người nông dân Nam Bộ, các nhà văn đã nhìn thấy không - thời gian quy thuận con người, mở ra một cái nhìn tươi sáng về cuộc khẩn hoang của con người. Đó cũng chính là hiện thực trong quá khứ mà nhà văn nhận thức được, quá khứ về công việc mở đất, mở đường sống bằng cách tự mình chinh phục tự nhiên, thuần hóa tự nhiên đầy thầm lặng mà “oai hùng, hiển hách”. Trong nhận thức thẩm mĩ đó, nhà văn cũng đã thể hiện sự đồng cảm với những nhọc nhằn vất vả cũng như niềm tin của người nông dân khẩn hoang về một ngày mai cuộc sống sẽ bớt hoang sơ, dữ dằn, con người sẽ tìm thấy sự sống theo nghĩa bình thường nhất. Nhận thức về hoàn cảnh sống đó, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam đã thể hiện tấm lòng tri ân với bậc tiền nhân mở đất, đó là tấm lòng của con cháu hôm nay cảm thấu công lao của những người khẩn hoang Nam Bộ. Đó là đạo lí truyền thống mà thế hệ trẻ hôm nay cần phải ghi nhớ, để còn biết yêu quý và trân trọng những thành quả mà cha ông để lại.