Khôn g thời gian hoang sơ, thách thức

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 46 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Khôn g thời gian hoang sơ, thách thức

Không - thời gian nghệ thuật là khái niệm của thi pháp học hiện đại. Không gian nghệ thuật là bối cảnh, là phông nền tồn tại của nhân vật, nó được soi chiếu từ cảm quan hiện thực của nhà văn. Tìm hiểu về không gian nghệ thuật là đi vào nhận thức hình thức tồn tại của nhân vật, qua đó, phát hiện phong cách cũng như quan niệm của nhà văn về cuộc sống, con người. Tồn tại song hành với không gian là thời gian. Thời gian nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm ở những “thước đo” độ dài, ngắn, nhịp độ nhanh hay chậm, chiều hiện tại, quá khứ, hay tương lai của yếu tố thời gian. Thời gian nghệ thuật nhiều khi không xuất hiện bằng ngôn từ miêu tả trực tiếp, nó có thể được cảm nhận trong chặng đời của nhân vật, những biến cố… thậm chí cả những khoảng vượt ngoài thời gian. Có nghĩa là có những lúc, cảm tưởng như nhân vật sống ngoài thời gian, không ý thức về thời gian… đó cũng là một kiểu xuất hiện của thời gian nghệ thuật. Không - thời gian nghệ thuật được xem là hình tượng nghệ thuật thể hiện cách cảm của nhà văn về thế giới và con người vì vậy nó mang đậm cá tính, phong cách riêng của mỗi người nghệ sĩ.

Không - thời gian là hai yếu tố luôn hòa vào nhau, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này ở sáng tác của ba nhà văn. Với Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, các tác phẩm của họ luôn luôn có ý thức gắn liền không gian và thời gian, không tách rời chúng, bởi vì đó là những không - thời gian cụ thể, có thật từ đời sống bước vào.

Nói như vậy để thấy rằng, xem không - thời gian như những đối tượng thẩm mỹ để nhận thức và khám phá, các nhà văn đã nhận thức chính chất liệu có thực về bối cảnh sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ. Nhờ đó, bối cảnh mang lại hơi thở tự nhiên của đời sống, không một chút màu mè, tô vẽ. Và điểm gặp gỡ nổi bật trong cái nhìn của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam đó là nhận thức không - thời gian, một hoàn cảnh sống đặc thù của người khẩn hoang Nam Bộ, đầy hoang sơ, thách thức.

Không gian tự nhiên hoang sơ là một điểm nhấn khá nổi bật trong cái nhìn nghệ thuật của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Nhiều sáng tác của hai nhà văn này đã xây dựng những bối cảnh thiên nhiên cổ sơ, hoang dã làm nền cho bối cảnh sống của những con người khẩn hoang cũng là một cách nhận thức, khám phá về cuộc sống của người khẩn hoang Nam Bộ.

Đó là cái hoang sơ đến thơ mộng của Hòn Cổ Tron nơi đó chỉ có một mình ông Từ Thông sống và cảm nhận hết cái vẻ cổ sơ, thi vị của nó. Trong không gian khoáng đạt thuần túy tự nhiên và thời gian cô đơn một mình đằng đẵng, ông già Từ Thông - người đầu tiên kiếm tìm sự sống ở hòn Cổ Tron, đã sống hòa nhập cao độ với thiên nhiên, thả mình vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên để thích nghi với tồn tại. “Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời mấy nhánh hoằng mai lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mi nước” [51, 227]. Thiên nhiên ở đây được xem như một nhân vật đang sống cùng với con người, và hòn Cổ Tron dường như chỉ có hai con người với nhau, dựa vào nhau mà sống. Ông Từ Thông ra rẫy, đào khoai, luộc chín, “ngồi trên vồ cẩm thạch chậm rãi ăn buổi chiều, thỉnh thoảng rứt từ miếng khoai, thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại, nhởn nhơ..” [51, 228]. Đó còn là cái hoang sơ của khu rừng khi con người bắt đầu khai khẩn và tạo lập cuộc sống ở đó. Khi vào rừng, “khách ngỡ mình lạc lối trong hang… có

tiếng vượn hú”, có ao sấu, loài ong ngũ sắc, dòng sông “giống như màu máu bầm”,..với đầy những loài cây chằng chịt, với thú dữ, với muỗi mòng, chướng khí. Cho nên rừng U Minh không mang cái vẻ hoang sơ thi vị như hòn Cổ Tron, mà trong cái hoang dã của núi rừng, rừng chứa bao nhiêu điều bí ẩn, và hấp dẫn, mê hoặc con người. Để rồi khi bước chân thằng Kìm vào rừng U Minh, nó ngỡ như mình đang lạc lối trong thiên nhiên bất tận. Hương rừng tỏa ra từng những “bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn nhụy ngọt” [51, 275]. Nó ban cho con người niềm vui tự nhiên, thanh khiết như chính từng giọt mật lặng lẽ rơi xuống trong hương hoa rừng. Thằng Kìm ngả người ra, căng lồng ngực hít thật sâu để cảm nhận “hương rừng” đầy mê hoặc, và cũng chính vẻ đẹp hoang dã, bí ẩn và quyến rũ của rừng đã kéo Tư Lập, con người đã từng bỏ rừng ra đi vì không chịu nổi muỗi mòng chướng khí, trở về để cảm nhận vị ngọt của hương rừng cũng như tình người nơi đó.

Qua cái nhìn của nhà văn Sơn Nam, hoàn cảnh sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ là một không gian vừa thi vị vừa bí ẩn, mê hoặc và một thời gian dường như trôi đi lặng lẽ như đời người. Cả ông Từ Thông, cả cô gái trong trắng như Hoàng Mai, họ sống trong thời gian chậm rãi, cô đơn với nỗi nhớ loài người, với tình yêu không đơm hoa kết trái. Ông già hòn Cổ Tron “cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằng mình có một đồng loại ở ngoài mỏm đã chơi vơi ngoài kia” [51, 228], còn cô gái vừa quá tuổi trăng tròn là Hoàng Mai sống lặng lẽ trong khu rừng già với bệnh tật. Đó còn là thời gian quanh quẩn, xoay vòng với nhân vật Tư Lập, ra đi - trở về - ra đi, cái vòng thời gian đó quanh cuộc đời Tư Lập như một sự níu kéo đầy ma lực, quyến rũ và bí ẩn của khu rừng già. Nhưng họ đã là những người đã chấp nhận và vượt lên cái hoang sơ hiếm hoi sự sống đó, không bỏ rừng, bỏ đất, họ đã gây dựng những sự sống đầu tiên trong hành trình khẩn hoang của người Nam Bộ…

Cùng gặp gỡ với Sơn Nam trong nhận thức về bối cảnh sống của những con người khẩn hoang, Bình Nguyên Lộc khám phá cái hoang sơ thử thách của không gian rừng nước như một cách làm nổi bật bối cảnh sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ. Đó là không gian con người và tự nhiên sống chan hòa với nhau. Rừng không biết cơ man nào các loài chim tụ tập “chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch… chim thẳng chai xanh… đang lặng yên rình cá… một đàn cò lông nhông bay qua” [78, 643]. Và dường như, thiên nhiên là đối tượng giao tiếp duy nhất của những con người khẩn hoang này, thiên nhiên chứng kiến và đồng hành cùng với cuộc mưu sinh của con người “đủ thứ là cò: cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Đây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng này” [78, 655]. Nhưng chính trong không gian đó, cuộc đời của gia đình thành Cộc trôi đi trong những vất vả những hi vọng, họ phải trải qua “cuộc chiến với thiên nhiên để sống còn” [32]. Người đọc có thể nhận thấy điều đó trong lời của tía thằng Cộc “lúa nàng Cụm thật gạo lắm. Năm tới tao gieo giống Tầm Vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ bông là năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó. Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia” [78, 653]. Và ba thế hệ gieo mầm sống ở chốn rừng mắm này chờ đợi “hai năm nữa người ta sẽ đồn đất Ô Heo thuần. Những kẻ nghèo khó như ta chỉ được mong tới đây” trong nỗi thèm người khắc khoải. Nhưng thời gian trong truyện ngắn Rừng mắm chính là thử thách cho những người khẩn hoang, họ có thể sẽ “ngã rạp trong chốn rừng thiêng nước độc này” mong sao “lót đường cho con cháu họ đi tới”, họ sẽ là cấy mắm, cây tràm cho con cháu có xoài, mít, dừa, cau… Hành động của ông nội dẫn thằng Cộc đi ra biển để giúp nó thấm thía cái công khai khẩn của ông cha nó, để nó biết “thèm đất” chứ không chỉ “thèm người”. Nhưng trong hành động đó ẩn chứa ý thức về thời gian của một đời người, một ông lão đã già mà hành trình khẩn hoang vẫn còn dang dở. Thời gian đó được nhận thức như

một sự thách thức đối với những người như ông nội thằng Cộc, cho nên, ông đã tìm cách “truyền lửa” cho thằng Cộc trong sứ mệnh thiêng liêng đó là tiếp tục khẩn hoang vùng Ô Heo này. Như vậy, có thế thấy trong không gian hoang dã của rừng nước, ba thế hệ của cuộc hành trình khẩn hoang - ba thế hệ trong một gia đình - đã sống trong nỗi vất vả, trong sự thèm người với những hi vọng dai dẳng. Không - thời gian trong tác phẩm đã trở thành đối tượng song hành bên con người, làm cho hình tượng con người khẩn hoang Nam Bộ càng trở nên xúc động, thấm thía.

Không - thời gian hoang sơ có thể nhận thấy trong hầu hết các sáng tác của Sơn Nam, một số sáng tác của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc và trở thành điểm đặc trưng trong nhận thức của các nhà văn về hoàn cảnh sống của người nông dân Nam Bộ. Sự gặp gỡ trong cách nhìn này bắt nguồn từ điểm chung về hiện thực phản ánh. Hiện thực cuộc sống của những người nông dân Nam Bộ những ngày đầu khẩn hoang là phải đối mặt với không gian hoang sơ, cái hoang sơ vì chưa có dấu hiệu của sự sống và họ phải bắt tay khởi dựng.

Chính vì vậy, cái hoang sơ của không - thời gian cũng chính là bối cảnh thách thức mà người nông dân khẩn hoang phải đối mặt… Đó là bối cảnh tự nhiên ẩn chứa bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy, dữ dằn, thách thức. Điều này đặc biệt được thể hiện rõ qua cái nhìn nghệ thuật của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc.

Trong tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Nam thường tái hiện không gian tự nhiên dữ dội, đầy những bất trắc, hiểm nguy thậm chí thù địch với con người khẩn hoang. Nhưng cái chính là nhà văn phát hiện trong cái dữ dội của hoàn cảnh sống một sự thử thách lớn lao đối với con người và ông đã khẳng định rằng không gì có thể hủy diệt sức sống của họ. Đọc Mùa len trâu, người đọc nhận thấy nổi bật lên là không gian mùa nước nổi trong quãng thời gian không dài nhưng ám ảnh con người, len lỏi vào trong những lo âu của người nông dân Nam Bộ. “Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn

lớn, vỗ lát chát vào vách.” [52, 38], “mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời”, những ngọn núi hùng vĩ thơ mộng nay trở nên “lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước”, khung cảnh dữ dội đó khiến vợ chồng chú Tư Định không khỏi lo lắng cho những con trâu - cả gia tài của họ, có thể chết đói trong mùa mưa lũ kéo dài. Cũng là không gian mùa nước nổi, tứ bề là nước, người đọc nhận ra sự côi cút, cô độc của hai cha con lão Bích: một người cha đang hấp hối nhưng “bờ bến ở tận chân trời… vượt năm bảy ngàn thước cũng không tìm được một căn nhà sàn, một ngọn tre mà nương tựa" [52, 13]. Một đời người sống khổ cực, đến cái chết cũng lênh đênh bèo nước. Thời gian dường như thật chậm rãi đối nghịch với cái chết cận kề của lão Bích và niềm hi vọng tìm thấy bến bờ để an nghỉ của lão. Trong không - thời gian dữ dội dó, con người đã phải đối mặt với hoàn cảnh sống đầy thách thức, hi vọng về sự sống hay là về một nơi an nghỉ của lão Bích? Nó cũng thách thức thằng Kìm, liệu rồi nó có vượt qua được cảnh ngộ đau lòng đó hay không khi một mình đơn chiếc vượt “cuộc biển dâu”, bên người cha hấp hối mà đồng hoang trắng nước không một bóng người. Không gian dữ dội và thời gian côi cút, đằng đẵng của hai cha con trôi dạt trong mùa nước nổi đã tạo ra hoàn cảnh éo le, đáng thương cho kiếp sống của người khẩn hoang Nam Bộ. Nhưng, với một niềm tin và cái nhìn đầy chân cảm vào cuộc khẩn hoang, các nhà văn đã nhìn thấy tình đồng loại cao đẹp, đó là điểm tựa để cha con lão Bích vượt qua thử thách thương tâm.

Không - thời gian qua cảm nhận của nhà văn hiện lên với tất cả những khó khăn, dữ dội đối nghịch thử thách cuộc sống con người. Có những khi, người đọc phải giật mình trước những hoàn cảnh sống của con người mà Bình Nguyên Lộc tái hiện trong tác phẩm của ông. Nó không chỉ là dữ dội, là thù địch mà nhiều khi, con người phải chấp nhận những hoàn cảnh sống “khác thường”, vì kiếm kế sinh nhai. Tiếng gọi “má ơi, má” trước khi chết của con Nhộng mù đã để lại những đau xót ái ngại trong lòng người đọc. Ta nhận ra

bao quanh cuộc đời con Nhộng là không gian trên những cây cau, là quãng thời gian sống trong mù lòa, đi bẻ cau nuôi người má “bại xụi tay chân, nằm một chỗ”. Nhưng cái hoàn cảnh sống khắc nghiệt ở đây là con Nhộng mù, ngày ngày nó trèo cau và chuyền từ cây này sang cây khác, sau là ngọn dao bầu giắt lưng, “nó với tay mặt ấy qua, vừa với vừa buông cây cau đầu, vừa phóng mình qua cây kế. Chị Tám nhắm mắt lại… không hề dám chứng kiến cái giây phút ghê rợn ấy bao giờ” [77, 78]. Đó là thời gian đi kiếm sống và những hiểm nguy luôn rình rập đứa trẻ bất hạnh này, cái chết có thể đến với nó lúc nào, vì con Khen, một đứa bé không mù lòa như nó “bị té trên cây cau lao xuống… ngọn dao bầu dắt thắt lưng đâm thủng ruột nó” [77, 80]. Nhận thức về không - thời gian đầy hiểm nguy, bất trắc, nhà văn đã đưa đến cho người đọc cảm nhận về cái khác thường trong cuộc sống của những con người khẩn hoang Nam Bộ, gợi ra những nỗi chua xót, thương cảm. Dường như, hoàn cảnh sống luôn tạo ra hoặc khiến họ phải lựa chọn để đối mặt với thử thách. Nhiều hoàn cảnh sống đặc biệt được Bình Nguyên Lộc dựng lên, không chỉ là con Nhộng mù làm nghề trèo cau, mà đó còn là không gian sống của anh Nhánh, để kiếm ăn, anh Nhánh đã ngụp lặn xuống sông sâu múc từng thúng cát đầy vun đội trên đầu. Không gian sống của anh là dưới những con nước sâu, anh ngụp lặn và thời gian của cuộc đời anh được tính bằng những con số đếm. Mỗi lần anh lặn xuống, chị Nhánh đếm từ một đến ba mươi, bốn mươi để nhìn thấy anh còn nổi lại với thúng cát đầy. Trong cái không gian sống khác thường, cuộc sống của anh Nhánh thật mong manh, nó được đếm bằng từng giây so với cuộc đời của một con người (Không một tiếng vang). Đó còn là kiếp sống của ba con người, nhưng không phải sống kiếp con người, họ là "người chuột cống". Không gian sinh nhai của ba con người này là những hang cống “nước chảy mạnh ồ ạt” “đen như nước thuốc bắc”, với cái “mùi hôi thối nặc nồng”, lại thiếu không khí “đi xa miệng cống chừng nào càng ngộp chừng ấy” [77, 156]. Họ bắt cá trong những hang cống đó và hiểm

nguy rình rập họ không chỉ là cái hang hôi thối thiếu không khí mà chỉ cần một con nước chảy mạnh, ngập các hang cống là họ sẽ không tìm thấy lối ra. Cũng giống như chị Nhánh ngồi trên bờ đếm thời gian chờ chồng nổi lên, người đàn bà trong truyện Người chuột cống vẫn như thường lệ mở nắp cống

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 46 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w