Vấn đề bình thường hóa những chuyện phi thường

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 136 - 141)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Vấn đề bình thường hóa những chuyện phi thường

Chúng tôi đã liệt kê khá cụ thể những "câu chuyện lạ" được các nhà văn đưa vào để xây dựng hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ ở phần trên. Điều đáng nói ở đây là với mật độ, với liều lượng lớn những chi tiết lạ nhưng tác phẩm vẫn được xem là những ghi chép chân thực, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm vẫn đậm chất đời thường. Điều này có thể lí giải từ

cách nhìn nhận và xử lí các yếu tố lạ đó khi các nghệ sĩ đưa vào các tác phẩm: cái nhìn bình thường hóa những chuyện phi thường.

Các nhà văn đã thâm nhập vào cuộc sống thường ngày của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ để xử lí các yếu tố phi thường một cách hết sức bình thường. Cách xử lí này xuất phát từ cái nhìn bình thường hóa các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ.

Vấn đề đặt ra ở đây là các nhà văn đã chuyển những "câu chuyện lạ", phi thường đó trở nên bình thường theo những cách nào.

Theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy, điểm nổi bật khi các nhà văn kể về những câu chuyện phi thường này chính là nhà văn để người trong cuộc kể về hành động của nhân vật chứ nhân vật không hề tự biểu hiện. Điều đó làm cho tính khách quan, xác thực của câu chuyện tăng lên. Và khi câu chuyện được kể, người đọc vượt qua được cái cảm giác khó tin, không bình thường của các chi tiêt bởi vì nhân vật đã xuất hiện và hành động với một tâm thế bình thường, bình dị, mộc mạc đến không ngờ. Họ xuất hiện không ồn ào, màu mè, họ làm việc như thể đó là một công việc bình thường trong cuộc sống của họ. Họ thích ứng với hoàn cảnh không một chút sợ hãi, như thể, con người đã đến vùng đất này không biết ngạc nhiên trước những thử thách khó khăn nhất.

Hành động bắt sấu bằng hai tay không đầy điệu nghệ của ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh hạ) được kể lại qua lời của nhân vật trực tiếp chứng kiến- nhân vật Tư Hoạch. Qua lời Tư Hoạch, người đọc cảm nhận rõ tâm thế của ông Năm Hên trước khi bắt sấu, một công việc nguy hiểm mà loài người nhiều phen thất bại nhưng với ông, tựa như một trò chơi. "Ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu" [50, 90]. Ông làm các công việc tiếp theo thật nhẹ nhàng như không, sau khi bắt sống gần bốn mươi lăm con sấu, ông ở lại cúng đất đai vương trạch, cất lên lời hát thương xót những cô hồn bị hùm tha sấu bắt trong cuộc khẩn hoang kiếm "manh áo chén cơm" ở vùng "U Minh đỏ ngòm" này. Câu chuyện về một kì

tích nhưng nhân vật chính trong kì tích đó là một ông già bình thường, lặng lẽ hành động, không một chút ồn ào, cũng không tỏ ra căng thẳng, sợ hãi. Cái bình tâm, trấn tĩnh đến lạ thường của ông khiến cho cái phi thường của hành động được bình thường hóa, dung dị như chính hành trình khẩn hoang dù đầy gian nan nhưng lặng lẽ, âm thầm của những con người không tên tuổi. Càng bình dị hơn khi ta nghe tiếng hát nặng nỗi lòng thương xót cho những người khẩn hoang xấu số, dường như, hành động bắt sấu của ông chỉ vì những người đã bỏ mạng vì loài thú này, chú không màng một đền ơn. Chính điều này càng khiến cho tính chất phi thường của hành động được kéo gần hơn với đời thường. Qua đó, người đọc thấm thía hơn bao giờ hết công việc khẩn hoang đầy gian nguy mà người Nam Bộ phải đối mặt thường ngày, với họ, "cái lạ" chính là cái thường ngày mà họ phải vượt qua.

Chính tâm thế hành động của các nhân vật là yếu tố làm bình thường hóa những câu chuyện phi thường. Có thể nói, cuộc chiến giữa ông Năm Tự và con heo khịt là cuộc chiến sống còn của loài người với thú dữ nhưng chính thái độ vô tư của người nông dân làm cho câu chuyện trở nên thật nhẹ nhàng. Đó không còn là cuộc chiến, sự vật lộn sinh tồn đầy phi thường của con người nữa, nó mang cho người đọc cảm giác khi nghe một câu chuyện về công việc của người khẩn hoang, đời thường đến vô ngần. Dù sau cuộc vật lộn với thú dữ, ông Năm Tự phải nằm mê man, nuốt cháo cầm hơi, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được ánh mắt sáng lên, niềm vui vô tư sau chiến thắng của người nông dân (Con Heo khịt) (Dẫn chứng này chúng tôi đã sử dụng (trang 111) nhưng chúng tôi xin dùng lại ở một đặc điểm khác). Chính những điều đó làm cho những câu chuyện về cuộc khẩn hoang gian truân, đổ máu trở nên nhẹ nhàng hơn, góp thêm cho nhân vật niềm lạc quan, một thái độ vững vàng trước mọi thử thách.

Tâm thế đó chứng tỏ nhân vật thích nghi cao với hoàn cảnh sống đầy những điều lạ. Câu chuyện về một mùa nước nổi, hai cha con lão Bích lênh

trênh trên con thuyền mà "bờ bến còn ở tận chân trời", khi người cha đang trong cơn hấp hối. Cái chết thương tâm của lão Bích thật chua xót, không có chỗ để chôn. Câu chuyện như từ thửa hồng hoang của loài người, khó tin, nhưng với những người trong cuộc, ông bà Hai Tích lấy hai chiếc nóp gói kín xác rồi chôn bằng cách đè cối xay lúa lên (Một cuộc biển dâu). Hay trong

Mùa len trâu, trước khung cảnh thiên nhiên dữ dội của mùa nước nổi, đàn trâu - gia tài lớn nhất của người nông dân có thể bị chết đói, nhưng người đọc vẫn không cảm thấy hoang mang vì cảnh "nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn vỗ lát chát vào vách", "gió thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa". Độc giả vẫn tìm thấy được cảm giác an lòng, ấm áp tỏa ra nơi thái độ bình tĩnh, lời nói từ tốn đưa ra cách giải quyết của chú Tư: "Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa" [52, 41]. Trong hoàn cảnh đó, con người luôn có những hành động để thích nghi. Người đọc có thể ngạc nhiên trước những câu chuyện lạ nhưng với những con người Nam Bộ, đó chính là cuộc sống của họ. Họ đối mặt với tất cả mọi thử thách một cách bình thường, tự nhiên, họ đón nhận tất cả mọi thử thách với tâm thế của những người khẩn hoang đã từng trải qua mọi biến cố và dường như không có biến cố nào là "lạ" với họ nữa.

Nhà văn còn xử lí những chuyện phi thường bằng cách bình thường hóa nhờ những phân tích hợp lí, thấu đáo trong trần thuật, miêu tả. Nhờ đó, người đọc từ chỗ thấy cái lạ, cái phi thường khó tin trở nên đáng tin như chính câu chuyện cuộc sống người khẩn hoang được viết ra. Những câu chuyện kì lạ như bắt sấu bằng hai tay không (Bắt sấu rừng U Minh hạ), người mù là sư tổ giăng câu (Người mù giăng câu), làm ruộng lò bom (Ruộng lò bom)…trong sáng tác của Sơn Nam trở nên thuyết phục người đọc bởi những phân tích hợp lí, thấu đáo của nhà văn. Người đọc tin vào những câu chuyện lạ về người nông dân khẩn hoang là có thật nhờ cách kể tỉ mỉ, chi tiết và những phân tích

chính xác, cụ thể của nhà văn. Phần này chúng tôi đã phân tích ở mục 3.1.1 qua khảo sát một số truyện tiêu biểu của Sơn Nam.

Riêng với Bình Nguyên Lộc, ông lại đem lại cho người đọc niềm tin vào những câu chuyện phi thường ở những phân tích không nghiêng về chính xác, khoa học như Sơn Nam. Nhà văn miền Tân Uyên này chú trọng phân tích những yếu tố liên quan đến tâm lí để lí giải "sự bình thường" trong những câu chuyện lạ mà ông đem tới cho người đọc. Dường như tất cả những phân tích về tâm lí của ông trong các truyện đều nhằm "giải mã" những yếu tố lạ trong tác phẩm. Trong Căn bệnh bí mật của nàng, nhân vật mắc một căn bệnh lạ mà bác sĩ tâm thần giỏi nhất cũng không thể nào tìm ra ẩn ức của căn bệnh. Nhưng chính nhà văn đã để tâm trạng nhân vật được phát lộ khi thấy người nước ngoài "khóc rấm rứt" vì nghe nhân vật nói tiếng Việt, đó chính là nỗi sầu xứ. Trong Con Tám cù lần, cái tin con Tám "cù lần" xin nghỉ việc khiến "tôi" nghe như" sét đánh" vì chính nhân vật tôi đã phân tích rằng cù lần như nó, chỉ có thể ở với bà chủ dễ tính như "tôi". Cái nguyên cớ sâu xa được hé lộ, cũng từ nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê của nó khi mùa ốc gạo về. Câu chuyện về người chồng bỗng dưng trở nên "gàn" trong mắt vợ vì đi mua than đước và lò về nấu vì "nhớ lửa, thèm lửa". Nhà văn đã để nhân vật phân tích: lửa "có linh hồn, nó gợi nhớ sự sống", "lửa Tết, lửa đêm ba mươi nấu bánh tét, quanh lò lửa lớn ấy có mặt đông đủ cả nhà, ai đi mần ăn xa ở đâu cũng phải về, đông đủ cả nhả, mà đôi khi đông đủ cả họ nữa, vì có những bà con nghèo, không gia đình, không nhà cửa, họ xin hưởng ké sự ấm cũng của bất cứ người nào trong họ mà có được một bếp lửa" [78, 968] (Lửa Tết). Đó còn là câu chuyện người cha già suốt một đời cùng con đi ghe thương hồ bỗng đòi về làng cất chòi ở, dù phải "ăn chợ, ngủ đình cũng vui". Và cái lí của quyết định lạ lùng đó của người cha anh Sáu Nhánh thật giản dị "tao nghiền ngửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao nghiền mùi lúa chín, tao nghiền mùi phân chuồng…Tao nhớ đất muốn chết đi lận, nhớ còn hơn là nhớ má mày trong

mấy năm đầu tang khó của bà ấy" [78, 998] (Phân nửa con người). Hay câu chuyện lạ về sáu nấm mồ bị quật một cách bí mật gây xôn xao trong lòng dân ở làng Phú Thạnh, nhưng rồi ai nấy đều xót xa khi biết cái nguyên cớ của nó "cúi xin Quan Lớn mở lượng hải hà cho phép tôi lấy cốt sáu nấm mộ của ông bà và mẹ tôi để tôi mang đi theo xứ khác làm ăn" [78, 1034] (Mấy vụ quật mồ bí mật). Trong truyện ngắn Bám níu, nhà văn cũng lẩy ra một chi tiết lạ, trong đám mưa cuối mùa, có một mớ cá không chạy hạn mà còn cố lội ngược dòng để ở lại trong ao tù, chấp nhận thiếu ăn và có thể chết cháy khi ao cạn hết. Loài cá cũng sống có tình có nghĩa lắm, "chúng không chạy vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn rau cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời" [78, 1015], cái lạ được lí giải thật cảm động (Bám níu). Có thể nói, những câu chuyện lạ được Bình Nguyên Lộc đưa vào trong sáng tác của ông đều được lí giải theo cách riêng, ông đã vin vào nỗi niềm, cảm xúc chung của những con người khẩn hoang, đó là lòng yêu nước, tinh thần thiết tha, sâu nặng với nguồn cội. Tất cả đều là những rung động chân thành, giản dị mà cảm động của những con người xa quê, xa xứ. Và tình cảm đó đã là cách "giải mã" thuyết phục nhất, sâu sắc nhất cho những yếu tố "lạ" xuất hiện trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc. Đọc Bình Nguyên Lộc, ta tin rằng, có một người đàn bà oanh liệt đã ngăn dòng chảy của sáu con suối, chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ ngôi rừng thân yêu, bởi vì, sức mạnh của bà Mọi có được từ lòng yêu tha thiết cội nguồn sinh sống, từ tấm lòng thủy chung "bám níu" lấy những gì thiêng liêng nhất. Câu chuyện lạ đó, dường như không làm người đọc băn khoăn nữa, mà hẳn rằng ai cũng sẽ vững tin, sẽ xúc động chân thành trước những tấm lòng giản dị, đáng trân trọng của những đứa con luôn hướng về đất mẹ yêu thương.

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 136 - 141)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w