Những cách phẩm bình trực tiếp về nhân vật của người kể chuyện

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 141 - 161)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.3. Những cách phẩm bình trực tiếp về nhân vật của người kể chuyện

Đối với tác phẩm tự sự, người trần thuật đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhất là trong xu hướng tự sự hiện nay, khi các yếu tố cốt truyện đang

dần dần không còn ý nghĩa, thì người trần thuật trở thành yếu tố trung tâm thúc đẩy mạch văn bản có thể đi đến đích. Bởi vậy, tìm hiểu văn bản tự sự, người ta thường quan tâm tìm hiểu sự độc đáo của yếu tố trần thuật.

Có thể xuất hiện trong nhiều dạng, kể chuyện ở ngôi thứ ba, vắng mặt hoặc xuất hiện trực tiếp với tư cách là một nhân vật trong tác phẩm đều gọi là người kể chuyện (hay người trần thuật). Song nhìn chung, vai trò của yếu tố này đều là dẫn dắt, đưa câu chuyện phát triển.

Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện là người trần thuật, đồng thời còn tham gia phẩm bình trực tiếp về nhân vật. Bởi vì, dù người kể chuyện có thờ ơ đến mấy cũng không thể giấu được yếu tố chủ quan khi trần thuật. Với các nhân vật của mình, yếu tố phẩm bình của người kể chuyện luôn luôn xuất hiện trong lời kể, mức độ nhiều, ít tùy thuộc vào mỗi nhà văn.

Lời phẩm bình trực tiếp về nhân vật của người kể chuyện ở đây được hiểu là thái độ, sự đánh giá, quan sát hay thậm chí là miêu tả của người kể chuyện về nhân vật. Qua lời bình phẩm, ta có thể nhận thấy thái độ, tình camr của nhà văn với nhân vật.

Trong tác phẩm của Sơn Nam, vì ngôn ngữ của nhân vật ít được tập trung cho nên, lời bình phẩm của người kể chuyện đóng vai trò quan trọng, và xuất hiện khá nhiều. Sơn Nam thường có cách bình phẩm nhẹ nhàng, tự nhiên, không màu mè, cũng giống như ngôn ngữ trần thuật của ông. Trong

Bắt sấu rừng U Minh hạ, tác giả đang kể câu chuyện về một kì tích của nhân vật ông Năm Hên, bắt sấu bằng hai tay không . Thế nhưng, chúng ta hãy theo dõi những lời bình phẩm của người kể chuyện dành cho nhân vật này. Khi nhân vật xuất hiện, lời bình phẩm không dài dòng, không miêu tả chi tiết, qua đó, người đọc cảm nhận được phần nào sự xuất hiện bình thường, tự nhiên, không hề ồn ào của nhân vật: "Tin đồn đãi, lần lần thấu đến tai ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo, tức là vùng Rạch Giá ngày nay. Ông bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch

Cái Tàu. Trong thuyền chỉ vỏn vẹn một lọn nhang trầu và một hũ rượu" [50, 87]. Tiếp đó, người kể chuyện tiếp tục bình phẩm về kì tích bắt sấu điệu nghệ của ông Năm Hên: "Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu, có Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu dẫn đường" [50, 87], nhưng lời bình phẩm chỉ có vỏn vẹn như vậy cho một việc làm mà dân làng "coi là bực thánh", "nhứt định đền ơn ổng một số tiền nuôi ổng cho tới già". Không hẳn là người kể chuyện kiệm lời, nhưng rõ ràng Sơn Nam rất hiểu nhân vật của mình, những con người làm việc phi thường một cách bình thường, giản dị. Qua những lời bình phẩm đó của người kể chuyện, ta hiểu hơn về người nông dân Nam Bộ, họ hiện lên thật bình dị, thô mộc, không một chút đưa đẩy. Và chính điều đó khiến cho hình ảnh họ hiện lên thật đáng mến.

Có khi, lời bình phẩm của người kể chuyện trong tác phẩm của Sơn Nam lại thể hiện một sự gần gũi và thấu hiểu nhân vật vô cùng. Dường như, người kể chuyện đang nhập vào tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật để bình phẩm về nhân vật. Khi kể câu chuyện về ông già Từ Thông ở tận Hòn Cổ Tron, một nơi nương náu cách xa đồng loại "cơ hồ như quên cả loài người" nhưng người kể đã chọn một chỗ đứng thật gần với nhân vật để thấu hiểu, như một người ngày ngày vẫn ở bên và theo dõi cuộc sống của nhân vật. Lời bình phẩm dành cho nhân vật ông Từ Thông thật dài, như trải ra theo những tháng ngày côi cút, sống đằng đẵng một mình trên đảo của nhân vật. "Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi nương náu không biết từ bao nhiêu niên kỉ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần, khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quýt. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều năm khi ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời

mấy nhánh hoằng mai lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước…Hôm nào vui bằng hôm mười bốn, hôm rằm! Ông Từ Thông ra sau rẫy, đào lên củ khoai môn to lớn đem luộc chín. Ngồi trên vồ cẩm thạch, ông chậm rãi ăn buổi chiều, thỉnh thoảng rút từ miếng khoai thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại nhởn nhơmỗi con khoe một vẻ riêng.." [51, 228]. Có thể nói rằng, Sơn Nam ít khi bình phẩm về nhân vật dài như vậy, nhưng khi cần, những lời bình phẩm vẫn thật dài, thật thơ mộng. Dài như những tháng ngày đằng đẵng mà nhân vật trải qua trên hòn đảo, thơ mộng như cái không gian hoang sơ, thi vị mà nhân vật đang đắm mình, đang hòa nhập cao độ. Nó cũng dài như nỗi lòng trải ra mà không ai hiểu, chỉ một mình ông hay. Và người kể chuyện dường như đã sống cùng với cảnh ngộ của ông Từ Thông để có những lời bình phẩm thật hiểu nỗi lòng ông. "Ở hòn Cổ Tron giữa vời vịnh Xiêm La này, ông Từ Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằng mình có một đồng loại ở ngoài mổm đá chơi vơi kia" [51, 228]. Và rồi "năm ấy, tháng ấy, ngày ấy… ông Từ Thông bỗng nghe chút gì băn khoăn, rạo rực trong lòng ông và ở ngoài đời" [51, 229] "Đôi mắt già của ong Từ Thông ngẩn ngơ nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây đang bay thấp là đà... Ông hổ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con đỗ quyên đêm hè khắc khoải" [51, 231] Trong lời bình phẩm của người kể chuyện, có nỗi lòng thương nhớ, có đôi mắt vời vợi dõi theo muôn lớp sóng, phía đất liền, nơi có đồng bào của nhân vật. Cho nên, lời bình phẩm trải ra, miên man đầy tâm trạng. Dường như, trong hoàn cảnh nào, Sơn Nam cũng thật thấu hiểu nhân vật của mình, ông trải lòng cùng nhân vật, lắng nghe nỗi niềm của nhân vật. Có lẽ vì vậy, hầu như toàn bộ truyện Hòn Cổ Tron, nhân vật của ông không thể hiện tâm trạng qua ngôn ngữ. Tâm trạng nhân vật dường như hòa trong lời bình phẩm của nhà văn, đó cũng là một đặc điểm của văn phong Sơn Nam. Có thể thấy điều này qua nhiều truyện ngắn khác

của ông như: Một cuộc biển dâu, Đại chiến với thầy Chà, Hương rừng, Tháng chạp chim về…

Bình Nguyên Lộc có lối bình phẩm cũng không kém phần phong phú về sắc thái, giọng điệu. Có cái "dửng dưng" của người kể chuyện ít khi tham gia vào các sự kiện quanh nhân vật. Người kể chuyện làm đúng vai trò kể, bình phẩm nhưng ít biểu lộ săc thái. Trong truyện ngắn Má ơi, má!, người kể chuyện đưa ra khá nhiều lời bình phẩm về nhân vật con Nhộng mù, nhưng có cảm tưởng như nhân vật đang đứng ngoài câu chuyện về nhân vật. Có thể thấy qua lời giới thiệu qua tác giả: "Con Nhộng đứng khựng lại, ngơ ngác nhìn trời bằng đôi mắt sâu trong đó không thấy tròng, và cả bọn đều cười rộ lên, một trận cười không ác ý" [77, 75]. Hay khi kể câu chuyện về cuộc đời con bé mù lòa: "Mặc dầu mù lòa, con Nhộng phải làm để nuôi mẹ, vì má nó bại xụi tay chân đã ba năm rồi, cứ nằm một chỗ, không làm ăn gì được hết" [77, 76], ngay cả việc bình phẩm về cái chết của con Nhộng: "Con Nhộng không chết ngay. Thấy nó không thương tích gì, người ta khiêng nó về nhà nó, rồi chữa chạy theo trị liệu sai lầm xưa là cho uống mật gấu để máu bầm dễ tan… Đến hôm thứ ba, nó vụt kêu được một tiếng lớn: "má ơi, má". Rồi tắt thở luôn" [77, 82]. Đọc những lời bình phẩm của người kể chuyện rõ ràng chúng ta không nhận thấy sắc thái cảm xúc được bộc lộ, giọng kể khá bình thản, khách quan, từ việc giới thiệu cuộc đời bất hạnh cho đến cái chết đau xót của nhân vật. Cũng là lời bình phẩm kiểu thản nhiên, "không nhập cuộc" như vậy, trong truyện Người chuột cống, người kể chuyện kể về việc người đàn bà chờ chồng con trở về từ hang cống: "Người đàn bà cúi xuống nắp cống đậy hở, kêu: "Ba nó ơi", "Con ơi". Chỉ nghe tiếng vang dưới cống vọng lên. Cứ mỗi năm phút bà ta lại kêu một lần. Và bà ta đợi cho đến tàn đám mưa, qua một đám mưa khác, đợi ngoài nắng đến xế chiều, cũng không thấy tăm dạng chồng con" [77, 160]. Việc nhà văn thể hiện lối bình phẩm này nó đem lại cho người đọc những khám phá bất ngờ. Đồng thời, đó cũng là cách nhà

văn tạo sự suy ngẫm nơi người đọc, để người đọc có thể tìm thấy được thái độ của chính họ khi tiếp nhận. Đó cũng là một dụng ý trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng phải nhìn một cách biện chứng, cái vỏ thờ ơ, thản nhiên của người kể chuyện vẫn không thể che đậy được ấn tượng chủ quan của tác giả. Có thể lời bình phẩm về con Nhộng mù không một chút bộc lộ cảm xúc, nhưng đọc toàn bộ truyện, người đọc vẫn cảm nhận được cái nhìn thương yêu, xót xa của tác giả trước cuộc đời của nhân vật. Điều này có thể nhận ra khi nhà văn đặt con Nhộng trong cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật khác - nhân vật chị Tám, người rước cau cho con Nhộng.

Đối lập với giọng điệu bình phẩm không "nhập cuộc", nhiều khi nhà văn còn sử dụng những lời bình phẩm kiểu nửa trực tiếp, người kể chuyện nhập vào ý nghĩ của nhân vật một cách đầy thấu hiểu, "đọc" được suy nghĩ của nhân vật. Chẳng hạn trong Rừng mắm, khi bình phẩm về nhân vật thằng Cộc, người kể chuyện đã có sự thâm nhập sâu sắc vào ý nghĩ của nhân vật, hiểu nỗi niềm của nhân vật. Đó là nỗi niềm "thèm người" của thằng Cộc khi nhớ về những ngày được ở trên làng với hàng trăm nhà khác, được uống nước ngọt và có bạn chơi: "Nghĩ đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm" [78, 644]. Là nỗi băn khoăn của một đứa trẻ mới lớn về cuộc sống đầy muỗi mòng, chướng khí và cô độc nơi miền đất mới Ô Heo: "Thằng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn không chết trong khí hậu tàn ác này: nóng ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả nắm đầy" [78, 645]. Có khi, giản dị nhưng thật cảm động trong cái nhìn của thằng Cộc về ông nội nó: "Nó nhìn ông nồi rồi chợt nhận ra năm nay ông cụ già quá"; "Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và thương biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ, bỏ mả để hì hục năm năm trong đồng chua, nước mặn ở Ô Heo" [78, 660]. Trong lời bình phẩm của người kể chuyện, dường như bao nhiêu nỗi niềm của thằng Cộc được trải ra, đó là nỗi lòng của những con

người khẩn hoang, họ hoang mang trước những khó khăn trước mắt, nhưng rồi được những người đi trước "truyền lửa", họ thấy quý hơn, thấy thiêng liêng hơn biết bao nhiêu công việc khẩn hoang của họ. Nhà văn bằng cái nhìn thật gần gũi với nhân vật, ông đã không chỉ thấu hiểu những nỗi niềm hết sức chân thực của con người, mà có khi, ông còn phân tích nó. Có lẽ, đó cũng là đặc điểm khác giữa Bình Nguyên Lộc với Sơn Nam trong kiểu lời bình phẩm "thấu hiểu" nhân vật này (lời bình phẩm của Sơn Nam ít khi có sự phân tích hay lí giải). Ta có thể thấy ngôn ngữ phân tích của nhà văn với tâm lí nhân vật thằng Cộc: "Sự nảy nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lí bên trong nó. Năm nay, nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống…Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không biết chuyện trai gái như vậy là xấu đến mức nào và phải có thái độ làm sao nên bối rối lắm" [78, 649]. Sự thâm nhập tâm trạng kết hợp với việc phân tích, lí giải tâm lí nhân vật làm cho diễn đạt của Bình Nguyên Lộc hướng tới sự chặt chẽ và thuyết phục người đọc. Nhà văn vừa theo dõi xây dựng tâm lí nhân vật nhưng cũng là người phân tích, lí giải nó.

Có thể thấy, hiện tượng đó trong một truyện ngắn khác. Trong Ba con cáo, người kể chuyện phân tích, lí giải tâm trạng và hành động của nhân vật khá nhiều. Đó là những sự lí giải về hành động của anh Sáu vì sao anh ta lại chọn ngôi mộ "như một hòn đảo giữa bưng biền này" để ở, hay là lí giải những suy nghĩ của anh ta về người đàn bà lạ mặt đến làm láng giềng. Và nhất là lời bình phẩm về cuộc sống chung của "ba con cáo" trên ngôi mộ, lời bình phẩm đã hướng đến phân tích, lí giải thấu đáo nguyên nhân khiến họ có thể chung đụng với nhau dù họ khác nhau "ý tứ, phong tục, thói quen, lối sống": "ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: con cáo chánh hiệu con… cáo thì sợ con béc-giê, con cáo già sợ công an, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục. Trong cảnh khổ giống nhau, tuy họ không tương đắc với nhau nhưng phải tương thân để bảo vệ nhau, khi cần. Mà nhứt

là để an ủi nhau" [78, 683]. Ở đây, nhà văn đã không chỉ đi vào ý nghĩ của một nhân vật mà ông lí giải, phân tích những "toan tính" của cả "ba con cáo" thông qua lời bình phẩm của người kể chuyện. Có khi, ông còn "biện hộ" cho hành động ăn thịt con chồn của hai con chồn mang hình người: "ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu". Việc người kể chuyện đưa ra những phân tích, lí giải khi phẩm bình về nhân vật mặc dù hơi "lộ" nhưng ở một phương diện nào đó sự xoáy sâu phân tích đó đem lại cho người đọc ấn tượng, ám ảnh về các nhân vật.

Người kể chuyện trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc bên cạnh thể hiện sự thấu hiểu, nhập cuộc với nhân vật thường hay đi vào phân tích, giảng giải, lí giải cho tâm trạng, nỗi niềm và hành động của nhân vật, thậm chí lí giải cả cách nói của nhân vật (như chúng tôi đã nói phần vận dụng phương ngữ). Đây có thể xem là một đặc điểm riêng của văn Bình Nguyên Lộc. Nó thể hiện một cách viết tỉ mỉ, hứng tới sự phân tích chặt chẽ, thấu đáo. Nhưng cũng vì vậy mà các trang viết của ông đem lại cảm giác "dềnh dàng", đôi khi hơi dài dòng. Có thể đó cũng là dụng ý của ông, vì ông hướng đến độc giả là những người bình dân như chị bếp, anh phu… như có lần ông đã tâm sự. Văn Bình Nguyên lộc, có lẽ vì vậy mà "không phải người nhiều chữ nào cũng có khả năng đọc và hiểu ông, ngược lại người bình dân chắc chắn thấm lối kể chuyện của ông" [32].

Xét về cách phẩm bình trực tiếp của người kể chuyện trong sáng tác của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, chúng tôi giới thiệu một số hiện tượng nổi bật trong rất nhiều kiểu phẩm bình. Qua đó, phần nào có thể nhìn

Một phần của tài liệu Hình tượng người nông dân khẩn hoang trong văn xuôi nghệ thuật của phi vân, bình nguyên lộc, sơn nam luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 141 - 161)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w