7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Tính xác thực tương đối của những con người, địa danh
Đọc các tác phẩm của Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, người đọc nhận ra những con người cụ thể và những địa danh có thực, không hề có sự bịa đặt. Với Phi Vân, thể loại phóng sự quy định tính xác thực đã đành, nhưng với Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, hai nhà văn sáng tác thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, những thể loại có thể cho phép người sáng tạo thả sức tưởng tượng và hư cấu nhưng dường như tính chất hư cấu không nhiều.
Những con người và địa danh hiện lên khá cụ thể, xác thực giúp người đọc hình dung được câu chuyện đang diễn ra ở vùng nào. Câu chuyện về mùa len trâu của người nông dân Nam Bộ ở vùng "núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia", về người mù giăng câu ở Rộc Lá, ấp Tây Sơn, về ông Bang bán cà ròn từ chợ Rạch Giá đến xóm Sóc Xoài, câu chuyện về cách làm ruộng lò bom trên vùng đất phèn của cánh đồng hoang vu nối liền bờ sông Hậu ra vịnh Xiêm La… Đó là con sông Gành Hào nơi cha con chú Tư Đức quyết chiến với con sấu hung dữ, là vùng Rạch Giá, Hà Tiên nơi tụ tập hành vạn con chim lớn bay từ Biển Hồ hoặc từ sông Hậu về làm tổ ở rừng U Minh, là hòn Cổ Tron giữa vời vịnh Xiêm La và một ông già Từ Thông sống "cơ hồ quên cả loài người", là câu chuyện cô út ở rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ lấy chồng về tận xứ Cạnh Điền, là những người nông dân như ông Năm Hên bắt sấu ở rạch Cái Tàu, sông Ông Đốc vùng U Minh hạ, là bốn con người trong một gia đình ba thế hệ côi cút từ Sa Đéc xuống U Minh khẩn hoang vùng rừng mắm Ô Heo… Tất cả những địa danh đưa người đọc đến với những con người cụ thể trên những vùng đất có thực của miền Nam Bộ. Những con người như bước từ chính cuộc sống
vào trang văn. Trên có sở hiện thực xác thực đó, tưởng tượng hư cấu đã có cội rễ để lớn lên với một sức sống "dai bền".
Việc các nhà văn không dụng công hư cấu mà đưa con người, địa danh vốn có từ đời sống vào tác phẩm là một dụng ý nghệ thuật. Những gì hình tượng mang lại cho thấy, bản thân chất liệu hiện thực đã hấp dẫn, cho nên, nhà văn không cần phải gia công hư cấu, thêm thắt hoặc bịa đặt câu chuyện. Họ đã tận dụng ngay "vật liệu" thô từ đời đưa vào tác phẩm để rồi những con người bình dị, tự nhiên hiện lên ở những vùng miền, những địa danh hết sức cụ thể, xác thực. Qua đó, nhiều câu chuyện mở ra hấp dẫn cuốn hút chúng ta, tưởng như câu chuyện về những con người khẩn hoang là một miền bí mật hấp dẫn không cùng.