Với mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục nước ta hiện nay là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phát triển giáo dục - đào tạo sẽ tạo ra động lực trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội - tạo lập nguồn vốn con người, nguồn lực quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước.
Đối với giáo dục - đào tạo, nhân tố con người chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp. Đội ngũ giáo viên là người trực tiếp thực thi hàng ngày các mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo. Với vai trò chủ đạo trong quá trình đào tạo của các trường, các cơ sở đào tạo, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục.
Ở nước ta từ xưa, người giáo viên đã được nhân dân yêu mến ca ngợi “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta luôn coi đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục, là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Họ có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng và đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, tinh hoa văn hoá dân tộc và của loài người. Khơi dậy trong người học những phẩm chất cao quý và những năng lực sáng tạo để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta hằng mong ước.
Với vai trò chủ đạo trong quá trình giáo dục - đào tạo ở các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo, chất lượng CM của đội ngũ giáo viên tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo. Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi. Khâu then chốt của chiến lược phát triển giáo dục đào tạo là đội ngũ những người thầy giáo làm nhiệm vụ giảng dạy và quản lý giáo dục. Khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu” [7]. Không thể trò giỏi nếu thiếu thầy giỏi. Nghị quyết Trung Ương II khoá VIII: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục”. Bởi vậy ngành giáo dục đào tạo coi việc xây dựng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng CM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đổi mới nền giáo dục nước nhà.
Giáo dục - đào tạo ngày nay được tiến hành trong điều kiện cuộc Cách mạng khoa học kỷ thuật và công nghệ phát triển cao, là thời đại của những giá trị nhân văn tốt đẹp, của trí tuệ và của những “Bàn tay vàng”, nguồn lực trực tiếp của việc tạo ra của cải vật chất, văn hoá, tinh thần có chất lượng cao.
Sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải có những con người rất mực trung thành với lý tưởng XHCN, giàu lòng yêu nước, có trình độ kiến thức, có kĩ năng thành thạo, có năng lực sáng tạo và làm ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới. Để tạo ra nguồn lực con người có những sản phẩm và nhân cách như vậy, khâu then chốt trong giáo dục đào tạo là phải nâng cao trình độ CM cho đội ngũ giáo viên.
Viện nghiên cứu phát triển giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo (1998) cho rằng: Trong quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên ở tất cả các ngành học, bậc học ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển giáo dục - đào tạo thì đội ngũ giáo viên ở hầu hết các bậc học, các ngành đào tạo
thiếu giáo viên giảng dạy có trình độ cao và các chuyên gia đầu ngành cũng như bất cập về cơ cấu.[34]
Như vậy chúng ta cần phải thừa nhận rằng một nền giáo dục không thể phát triển cao hơn tầm những giáo viên làm việc cho nó. Thầy giáo có một vị trí cực kỳ quan trọng, nhất là trong tình hình giáo dục phải hướng vào phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đưa đất nước bước tới lộ trình “Đi tắt”, “Đón đầu” để đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong đó vấn đề xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong chiến lược phát triển giáo dục đào tạo có ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp bách đặc biệt.