Đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên, từ trước đến nay vẫn được các cấp quản lý giáo dục tiến hành thường xuyên nhưng chưa theo một quy trình thống nhất. Vì thế, hiệu quả của việc làm này còn hạn chế, nhất là khâu xử lý sau đánh giá, xếp loại. Từ thực tế đó, chúng tôi đề xuất một quy trình tổng quát để đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên.
Quy trình này gồm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có một số bước nhất định.
- Giai đoạn 1: Chuẩn bị đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên
Giai đoạn này có các bước sau đây:
+) Bước 1: Xác định mục đích đánh giá, xếp loại
Mục đích của việc đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên là nhằm xác định trình độ chuyên môn của từng giáo viên, trên cơ sở đó có sự phân công giảng dạy, giáo dục phù hợp, đồng thời có kế hoạch tự bồi dưỡng và bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.
+) Bước 2: Xây dựng căn cứ, đánh giá, xếp loại.
Căn cứ đánh giá, xếp loại phải phản ánh đầy đủ những lĩnh vực hoạt động chuyên môn của giáo viên
Cần phối hợp giữa tự đánh giá của giáo viên với đánh giá của các cấp quản lý giáo dục.
Giai đoạn 2: Tổ chức đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên.
Giai đoạn này có các bước sau đây: +) Bước 1: Giáo viên tự đánh giá
Để việc tự đánh giá có hiệu quả, giáo viên cần nắm vững mục đích yêu cầu, các căn cứ, tiêu chí đánh giá. Trên cơ sở đó, đối chiếu với năng lực cá nhân, giáo viên tự xếp loại chuyên môn cho mình. Ở bước này nếu được thực hiện nghiêm túc thì sẽ là một dịp tốt để mỗi giáo viên tự soát xét lại hành trang nghề nghiệp của bản thân.
+) Bước 2: Tổ chuyên môn đánh giá.
Căn cứ vào tự đánh giá của giáo viên và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục…Tổ tiến hành đánh giá, xếp loại chuyên môn cho từng thành viên của mình. Kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chuyên môn có ý nghĩa rất quan trọng, vì tổ là nơi quản lý trực tiếp mọi hoạt động chuyên môn của giáo viên
+) Bước 3: Hội đồng nhà trường đánh giá
Hội đồng nhà trường dưới sự chủ trì của hiệu trưởng, sau khi xem xét một cách toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng giáo viên và của từng tổ sẽ quyết định việc đánh giá xếp loại.
- Giai đoạn 3: Xử lý sau đánh giá, xếp loại
Giai đoạn này có các bước sau đây:
+) Bước 1: Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chuyên môn của giáo viên.
Sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại chính thức nhà trường cần thông báo ngay cho giáo viên
+) Bước 2: Đề ra yêu cầu đối với giáo viên ở các loại trình độ chuyên môn
Tuỳ theo loại trình độ chuyên môn của giáo viên mà đề ra các yêu cầu khác nhau: đối với số giáo viên được xếp loại Tốt, cần tiếp tục bồi dưỡng để đưa vào mạng lưới chuyên môn; đối với giáo viên xếp loại Khá, cần có kế hoạch bồi dưỡng định kỳ để sau một thời gian có thể chuyển lên loại Tốt; đối với số giáo viên xếp loại Trung bình, cần tạo điều kiện cho họ học thêm, phân công chuyên môn phù hợp, tăng cường dự giờ của đồng nghiệp…
+) Bước 3: Tổ chức bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên
Việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên có thể được tiến hành theo kế hoạch của Ngành, cũng có thể theo tình hình thực tế của từng địa phương, từng trường…
3.2.4. Thực hiện sự sàng lọc, điều chuyển những giáo viên không đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn.
Trong đội ngũ giáo viên các cấp vẫn còn tồn tại những giáo viên yếu kém về chuyên môn. Sự hạn chế của số giáo viên này lại càng bộc lộ rõ, trước những đổi mới toàn diện về nội dung, chương trình, phương pháp của giáo dục phổ thông hiện nay. Vì thế, cần sớm có hướng giải quyết đối với số giáo viên không đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn.