Trong quá trình lãnh đạo nước ta, chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn quan tâm tới công tác giáo dục. Người là chiến sĩ diệt dốt số 1 của nước nhà, Người coi giáo dục là một phương tiện quan trọng để tuyên truyền giác ngộ làm Cách mạng, coi quyền lợi giáo dục là một quyền lợi cơ bản của quần chúng nhân dân. Trong bản yêu sách 1919 có tám điều, trong đó có một điều yêu sách đòi hỏi quyền học tập.
Ngay trong phiên họp đầu tiên (ngày 3/9/1945) của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”[8]. Người đặt ra 3 nhiệm vụ cách mạng trước mắt của Chính phủ là: chống nạn đói, nạn thất học, nạn ngoại xâm và coi chống giặc dốt cũng quan trọng như chống giặc đói và giặc ngoại xâm.
Vì vậy, chỉ 6 ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành 3 sắc lệnh về chống nạn thất học:
- Sắc lệnh số 17 về việc thành lập Nha bình dân học vụ trong toàn nước Việt Nam để trông nom việc học tập của dân chúng.
- Sắc lệnh số 19 về việc thành lập những lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền.
- Sắc lệnh số 20 công bố cho việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người và hạn trong 1 năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Đầu tháng 10/1945, trong “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Muốn giữ gìn nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu mọi người Việt Nam cần phải hiểu biết quyền
lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [8].
Trong cách mạng dân tộc dân chủ, Hồ chí Minh đã chỉ cho ngành Giáo dục thấy rõ nhiệm vụ phải xoá bỏ tàn dư của nền giáo dục thực dân phong kiến đồng thời phục hưng nền giáo dục phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Khi miền Bắc chuyển sang giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Bác xác định rõ vị trí quan trọng của giáo dục trong công cuộc xây dựng đất nước. Bác nói: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế và văn hoá”. Người luôn nhắc nhở nhà trường phải kết hợp với lao động sản xuất phải đưa vấn đề giáo dục lao động vào nhà trường trong chương trình học của học sinh.
Năm 1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua dạy tốt học tốt.
Năm 1962 Chủ tịch Hồ chí Minh đã đặt giải thưởng cho giáo viên giỏi học sinh giỏi.
Bước vào năm học 1968 - 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư riêng cho Ngành giáo dục khen ngợi những thành tích đạt được, vạch ra những phương hướng để nâng cao chất lượng giáo dục và nhắc nhở các nhà trường phải chú ý đầy đủ các mặt của giáo dục, chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa học và phát huy dân chủ nội bộ.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục còn được thể hiện rõ khi Bác trả lời báo chí tháng 1/1946: “Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành” [8]
Thực hiện tư tưởng của Người trong thời gian qua công tác giáo dục của nước nhà đã không ngừng được phát triển, chất lượng dạy học ngày
càng được nâng cao, công tác quản lý giáo dục nói chung, quản lý chuyên môn nói riêng ngày càng hoàn thiện và đạt hiệu quả cao hơn.