của giáo viên THCS.
3.2.5.1 Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý CM cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Chất lượng cán bộ quản lý được hình thành do nhiều nhân tố tác động, trong đó phần lớn là thông qua con đường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chính vì vậy xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý phải chăm lo công tác đào tạo và bồi dưỡng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ quản lý là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong các biện pháp quản lý hoạt động chuyên môn của giáo viên.
Đào tạo và bồi dưỡng là trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, hình thành kỷ năng trong hoạt động, hình thành nên phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức và tâm lý, tạo nên những mẫu hình cơ bản của con người từ đặc trưng và yêu cầu của một xã hội nhất định, tạo ra năng lực hành động tương ứng cho mỗi con người. Nội dung của giáo dục - đào tạo quy định nội dung của các phẩm chất, tâm lý, tư tưởng, đạo đức và định hướng sự phát triển của mỗi nhân cách. Giáo dục, đào tạo bồi dưỡng còn là hoạt động nhằm khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong mỗi con người bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động. Quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng là quá trình tạo ra chất mới và sự phát triển toàn diện trong mỗi con người.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Người nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.” [9] và Nghị quyết TW 3 (khoá VIII) đã nêu: “Mở rộng diện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội các thành phần kinh tế, đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý các cấp từ TW đến cơ sở…” nhờ sự coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta không ngừng trưởng thành và được nâng cao về chất lượng, đáp ứng các nhiệm vụ được giao trong mỗi giai đoạn.
Kế hoạch bồi dưỡng: Phải có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ theo hình thức tập trung, tại chức, tự bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm.
+ Bồi dưỡng theo các chuyên đề.
+ Bồi dưỡng các kỷ năng quản lý, các nhiệm vụ quản lý.
- Có kế hoạch đào tạo theo hình thức tại chức, áp dụng với cán bộ có độ tuổi phù hợp (nam < 50 tuổi, nữ < 45 tuổi) với các nội dung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn hoá cán bộ gồm:
+ Đào tạo chuyên môn (Đại học, sau Đại học) tại các trường Đại học sư phạm.
+ Đào tạo lý luận chính trị (Trung cấp, cao cấp) tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trường Chính trị của tỉnh.
+ Đào tạo về khoa học quản lý giáo dục tại các trường Quản lý của ngành.
+ Bồi dưỡng công tác quản lý tài chính ngân sách, quản lý tài sản tại trường Trung cấp kinh tế của tỉnh.
+ Đào tạo ngoại ngữ, tin học….
+ Đào tạo (Trung, cao cấp, quản lý nhà nước) tại Trung tâm đào tạo của tỉnh kết hợp với học viện hành chính quốc gia tổ chức.
- Mỗi cán bộ quản lý phải có kế hoạch tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng.
Nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo nằm trong nội dung đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước đã được quy đinh trong Quyết định 847/ TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng chính phủ gồm 6 nội dung cơ bản sau:
1- Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
2- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành chính của Nhà nước.
3- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
4- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý các lĩnh vực chuyên môn, kỷ năng nghề nghiệp.
5- Đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ.
6- Trang bị những kiến thức cơ bản về tin học.
Căn cứ vào nội dung cơ bản đó, Bộ trưởng Bộ giáo dục - đào tạo đã ra Quyết định số 3481/GD -ĐT ngày 01/11/1997 của Bộ giáo dục - đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước của ngành giáo dục - đào tạo. Chương trình gồm 4 phần:
1- Phần đường lối Chính sách: Cung cấp và trang bị cho học viên những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
2- Phần quản lý hành chính nhà nước: Trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về Nhà nước về quản lý hành chính nhà nước.
3- Phần quản lý giáo dục - đào tạo: Trong phần này cung cấp cả phương pháp luận, cũng như một số kỷ năng về quản lý giáo dục - đào tạo có liên hệ thực tế địa phương.
4- Phần kiến thức chuyên biệt: Phần này đi sâu vào một số phương pháp luận, kỷ năng có tính chuyên biệt đối với các đối tượng cụ thể:
3.2.5.2. Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên.
Trong các biện pháp quản lý hoạt động chuyên môn của giáo viên nói chung, giáo viên THCS nói riêng, thì công tác quản lý giáo viên được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu.
Để xây dựng và quản lý tốt đội ngũ giáo viên – một lực lượng nòng cốt trong các nhà trường, trước hết phải lập quy hoạch xây dựng đội ngũ về số lượng, chất lượng giữa trình độ đào tạo, năng lực thực tế, tuổi đời, tuổi nghề, thành phần dân tộc, địa bàn dân cư, giới tính, điều kiện an cư lạc nghiệp. Có kế hoạch tuyển chọn bổ sung lực lượng giáo viên qua các kỳ thi tuyển công chức và thi tuyển kiểm tra chuyên môn. Ngoài ra chú ý đến
công tác sắp xếp, bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, đề bạt…Tất cả phải được thực hiện trên cơ sở hiểu biết về cơ sở khoa học, luật pháp, giải quyết một cách công khai, công bằng, khách quan và hết sức tế nhị nhằm xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu chuyên môn, đáp ứng về yêu cầu của chương trình và mục tiêu đào tạo của ngành.
Trong công tác quản lý, phòng giáo dục luôn đánh giá cao và đòi hỏi giáo viên phải có trình độ cao cả về khoa học cơ bản và khoa học sư phạm. Để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, đảm bảo tính kế thừa, phát triển và đón đầu tiến bộ xã hội, phòng giáo dục tổ chức và chỉ đạo các trường làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên qua việc tổ chức công tác tự bồi dưỡng chuyên môn trong phạm vi toàn ngành theo nhiều hình thức khác nhau. Mở các lớp ngoại ngữ, tin học, tạo điều kiện cho giáo viên theo học các lớp đào tạo đại học, thạc sĩ và bồi dưỡng chuyên môn. Tăng cường sách tham khảo, báo chí, xây dựng phòng đọc, thư viện; tăng cường đầu tư các trang thiết bị thí nghiệm, tạo điều kiện cho giáo viên không ngừng đáp ứng yêu cầu giảng dạy trên lớp hàng ngày mà còn có điều kiện nghiên cứu khoa học:
Có chính sách động viên khen thưởng những giáo viên có tinh thần vượt khó khăn nâng cao trình độ chuyên môn như trợ cấp thêm cho giáo viên đi học, đề nghị nâng lương trước thời hạn cho các giáo viên có trình độ trên chuẩn, khen thưởng những giáo viên có kết quả học tập tốt.
Trong công tác quản lý, cán bộ chuyên môn của phòng và ban giám hiệu các trường phải tích cực tìm tòi phát hiện những điểm mạnh, yếu của giáo viên trong kiến thức và phương pháp giảng dạy, để chỉ ra cho họ thấy có vần đề cần bồi dưỡng trước mắt và lâu dài thông qua việc dự giờ, thăm lớp, thao giảng khảo sát giáo viên giỏi hàng năm.
Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phòng cần phải chú trọng vào việc bồi dưỡng về công tác tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của người thầy giáo XHCN để mỗi giáo viên của ngành thực sự trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Kết quả nhận thức của giáo viên được biến thành hành động cách mạng nâng cao lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, làm cho chất lượng bài giảng được nâng lên góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra hàng năm ngành phải có kế hoạch tổ chức cho giáo viên đi tập huấn, tham quan trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường với nhau và các tỉnh bạn.
Một trong những vấn đề để góp phần quản lý hoạt động chuyên môn của giáo viên THCS là phải tạo được sự thống nhất trong toàn ngành từ phòng giáo dục đến các nhà trường, thực hiện nghiêm túc quy chế của ngành, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn, công đoàn và các đoàn thể, có nhiều chính sách phù hợp khuyến khích được sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ giáo viên, tạo được niềm tin và sự đoàn kết trong đội ngũ giáo viên toàn ngành.
Công tác xây dựng đội ngũ phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chung song cũng phải xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm và nguyện vọng của thầy cô giáo. Mặt khác, việc xây dựng đội ngũ phải có tính kế thừa, không tạo ra sự gián đoạn trong các thế hệ, kết hợp sự năng động của thế hệ trẻ với kinh nghiệm của thế hệ lâu năm để tạo ra sức mạnh hài hoà của đội ngũ.
3.2.5.3. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn.
- Sự cần thiết phải đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên
Đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên là một yêu cầu khách quan có tính cần thiết để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
1. Yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học ở trường phổ thông.
Giáo dục phổ thông hiện đang có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hiện đại hoá, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp dạy học đòi hỏi công tác bồi dưỡng giáo viên phải tạo tiềm lực để giáo viên không chỉ thích ứng mà còn tích cực chủ động tham gia vào quá trình đổi mới đó.
2. Đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục trong nước và trên thế giới. Giáo dục trong nước và trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ theo xu thế: tăng cường giáo dục nhân văn, giáo dục tin học và ngoại ngữ; đào tạo những con người có năng lực, đóng góp tích cực vào tiến bộ của xã hội; hiện đại hoá phương pháp, xây dựng hệ thống giáo dục suốt đời làm cơ sở cho xã hội học tập; đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng góp phần to lớn tạo nên diện mạo và chất lượng giáo dục của mỗi quốc gia. Vì thế giáo viên phải được trang bị đầy đủ về bản lĩnh, kiến thức chuyên môn và năng lực nghề nghiệp để đáp ứng xu thế giáo dục trong thế kỷ XXI.
3. Yêu cầu của chuẩn giáo viên ở bậc học THCS.
Chuẩn giáo viên là những yêu cầu về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà người giáo viên ở bậc học THCS cần phải có. Chuẩn giáo viên thường thể hiện ở ba lĩnh vực: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức, kỹ năng sư phạm. Căn cứ vào chuẩn giáo viên, các trường sư phạm phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo để sinh viên ra trường có thể đạt chuẩn ngay. Công tác bồi dưỡng giáo viên cũng dựa vào chuẩn giáo viên để bổ sung những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức, kỹ năng sư phạm hiện còn thiếu ở giáo viên nhằm giúp cho tất cả giáo viên có thể đạt chuẩn theo cấp độ giáo viên tương ứng ( giáo viên mới
vào nghề, giáo viên qua giảng dạy một số năm; giáo viên qua giảng dạy nhiều năm).
- Đổi mới nội dung bồi dưỡng giáo viên
Nội dung bồi dưỡng giáo viên phải toàn diện bao gồm cả phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức và kỹ năng sư phạm. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Nội dung cơ bản của chương trình và sách giáo khoa mới ở bậc học THCS.
Hiện nay ở bậc học THCS đang thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình và sách giáo khoa mới có những đổi mới nhất định bảo đảm giáo dục toàn diện, chống “quá tải” quan tâm đúng mức đến các loại trình độ học tập, hỗ trợ có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh…Vì thế, trong công tác bồi dưỡng giáo viên cần tập trung làm rõ những điểm mới đó, giúp giáo viên nắm được trọng tâm của chương trình môn học cũng như cấu trúc của sách giáo khoa, sách giáo viên.
2. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo đặc trưng môn học, hoạt động ở THCS
Mỗi môn học, hoạt động ở THCS đều có đặc trưng. Chú ý đến tính đặc trưng đó đòi hỏi phải lựa chọn và sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thích hợp. Qua việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới ở bậc học THCS hiện nay cho thấy, nhiều giáo viên còn rất lúng túng trong việc tiếp cận với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới theo đặc trưng môn học. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học môn học mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở các bậc học.
3. Những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, thái độ của từng môn học và phương pháp đánh giá kết quả học tập của các môn học của học sinh.
Mỗi môn học có những yêu cầu cơ bản (còn được xem là chuẩn) về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Có nắm được những yêu cầu này, giáo viên mới thực hiện đúng mục tiêu dạy học trong từng bài và trong toàn bộ môn học. Ngoài ra, giáo viên cũng cần nắm được phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các môn học, nhất là những phương pháp đánh giá mới như: trắc nghiệm khách quan, tự đánh giá,…riêng đối với trắc nghiệm khách quan cần trang bị cho giáo viên những hiểu biết đầy đủ về phương pháp đánh giá này; ưu thế của trắc nghiệm khách quan, các loại câu hỏi trắc nghiệm khách quan, cách xây dựng một bài trắc nghiệm khách quan…sử dụng trắc nghiệm khách quan trong đánh giá kết quả học tập của học sinh hiện là một xu hướng đang được khuyến khích trong các nhà trường phổ thông, cao đẳng và đại học.
4. Sử dụng trang thiết bị trong dạy học các môn học.
Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải sử dụng nhiều trang thiết bị, kể cả trang thiết bị hiện đại trong dạy học các môn học. Trang thiết bị dạy học có thể được trang bị đồng bộ như: phòng thí nghiệm, phòng học tiếng, phòng đa phương tiện, phòng vi tính…cũng có thể được trang bị và cung cấp đơn lẽ tuỳ theo yêu cầu dạy học. Nhưng để phát huy được hết tính năng, tác dụng của trang thiết bị, giáo viên và học sinh phải được làm quen và nắm vững các thao tác vận hành thiết bị, đồng thời phải biết cách vận dụng đúng yêu cầu nội dung bài dạy.