Truyền thống văn hóa

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 26 - 31)

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua biết bao khó khăn và thử thách, với những biến cố lịch sử luôn thay đổi, từ việc chinh phục tự nhiên cho đến đương đầu với nguy cơ xâm lược của kẻ thù ngoại bang. Nhân dân thành phố Thanh Hóa tự bao đời nay đã cùng nhau đoàn kết vượt lên những khó khăn, gian khổ, đã “chung lưng đấu cật”, sáng tạo nên biết bao nhiêu giá trị văn hóa đáng quý mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.

Nói đến thành phố Thanh Hóa là người ta biết đến ngay một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng đáng quý còn lưu giữ cho đến ngày nay. Chính nơi đây đã để lại dấu tích của sự xuất hiện tồn tại người Việt cổ cũng như quá trình phát triển của các nền văn minh với các giá trị vật chất hiện hữu. Hiện nay di tích Đông Khối (ở xã Đông Cương) đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng không chỉ riêng ở Thanh Hóa mà còn của cả nước nói chung.

Từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ X, với tư cách là chung tâm hành chính của quận Cửu Chân, các lớp cư dân quanh thành Tư Phố là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và tiếp thu được nhiều nhất những giá trị của văn hóa Hán, kết hợp với những giá trị bản địa tạo nên những lớp văn hóa với bản sắc riêng và đặc biệt. Đó là nền tảng cho vùng đất này từ bao đời nay luôn tạo ra nhiều những danh nhân, các nhà khoa bảng đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển của dân tộc.

Có thể nói, người dân xứ Thanh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng từ bao đời nay là địa phương có bề dày truyền thống hiếu học và khoa bảng. Với truyền thống cần cù ham học, trong suốt thời kỳ phong kiến thành phố Thanh Hóa đã có rất nhiều người tham gia ứng thí và đạt được nhiều thành tích cao. Trước hết phải kể đến những người con ưu tú trong tầng lớp tri thức thời bấy giờ như:

Nguyễn Thế Khanh (1601 – 1670), quê ở làng Phù Lưu, nay thuộc xã Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Sửu (1637) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Lễ bộ hữu thị lang tước Hầu. Khi mất được tặng chức Tả thị lang.

Nguyễn Tạo (1645 - ?), quê ở Thọ Hạc, nay là phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm 26 tuổi vào đời Lê Huyền Tông. Năm 53 tuổi làm đến chức Công pha cấp sự trung.

Lai Dăng Tiến (1637 – 1722), ông quê ở làng Phù Lưu, nay thuộc xã Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1661) đời vua Lê Thần Tông, năm 25 tuổi ông làm quan đến chức Đề hình giám sát ngự sử. Khi mất được tặng chức Tham chính.

Đỗ Huy Cứ (1746 – 1828), quê ở làng Đồng Lễ, nay thuộc xã Đông Hải, thành phố Thanh Hóa. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) đời Lê Hiền Tông, làm chức Hàn lâm hiệu thảo, có đi xứ sang nhà Thanh, thọ 83 tuổi.

Vũ Văn Thành, quê làng Thủ Phác, nay thuộc xã Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Ông năm sinh năm mất không rõ, đỗ Thám Hoa thời Lê ( Gia phả có ghi nhưng tra cứu trong đăng khoa lục, bia ký không thấy có tên ông).

Ngoài những nhân vật ưu tú trên thì trong Triều Lê (Hậu Lê) còn có tới 12 vị đỗ Hương Cống, trong Triều Nguyễn có 6 vị đỗ Cử nhân.

Trên đây là các vị đại khoa đỗ Hương Cống triều Lê và cử nhân triều Nguyễn có tên trong bia hay trong “Đăng khoa lục”, chắc chắn sẽ còn nhiều người đỗ đạt chưa được ghi vào bia ở Văn Miếu (Đại khoa) và trong Đăng khoa lục ( trúng tuyển các kỳ thi Hương).

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, hiện nay trên địa bàn thành phố với 14 phường và 23 xã thì đều có hệ thống trường lớp từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS và cấp THPT trong đó trường THPT chuyên Lam Sơn là một trong những trường điểm của cả nước. Với tư cách là trung tâm giáo dục của toàn

tỉnh, hiện nay trong địa bàn thành phố còn có 3 trường Đại học, 5 trường Cao đẳng và 13 trường Trung cấp. Trong toàn thành phố có hàng ngàn người có trình độ Đại học và Cao đẳng, hàng chục người có học vị Tiến sĩ trong và ngoài nước.

Nói đến Phật giáo là nói đến hệ thống chùa chiền. Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm chùa bắt đầu được xây dựng tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, tuy nhiên chùa xuất hiện muộn nhất là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là chùa Thanh Hà, như vậy cho đến đầu thế kỷ XX, trên địa bàn thành phố, kể cả nội thành và ngoại thành có 39 chùa. Trong các chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng Phật, chuông lớn, kinh kệ và bia đá.

Thiên Chúa giáo truyền vào Thanh Hóa từ thế kỷ XIX, giáo xứ Thanh Hóa có thờ vua Tự Đức (1847 đến 1883). Hiện nay giáo xứ chính tòa gồm 10 giáo họ lớn, nhỏ nằm trong phạm vi thành phố và một số thuộc huyện Quảng Xương và Đông Sơn. Theo thống kê năm 1997 số giáo dân có đến 4000 người. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, những người công giáo thành phố một lòng kính Chúa tin vào đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã đem sức người, sức của cùng nhân dân đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, góp sức xây dựng theo tinh thần “Tốt đời đẹp đạo”.

Với truyền thống “Uống nước nhờ nguồn”, trên địa bàn thành phố hầu như tất cả các phường, xã đều có các đền thờ các vị thần và các vị anh hùng có công xây dựng đất nước và bảo vệ địa phương, trong đó có nhiều các di tích được xếp danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh với quy mô rộng lớn và lưu giữ nhiều những hiện vật có giá trị. Nó thể hiện nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân thành phố đối với việc tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền bối và tạo tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu sau này noi theo.

Hàng năm trên địa bàn thành phố thường diễn ra rất nhiều lễ hội với quy mô và đặc điểm khác nhau. Ở mỗi làng thì lễ hội diễn ra thường gắn liền với sự tích của các nhân vật thờ tự hoặc đặc điểm sinh hoạt văn hóa của từng làng đó vì vậy tạo nên một bức tranh sinh hoạt văn hóa hết sức sinh động và độc đáo. Trong đó có những lễ hội tiêu biểu như lễ hội làng Thọ Hạc diễn ra với thời gian dài từ mùng 4 tết cho đến mùng 10 tháng giêng mới kết thúc, lễ hội làng Vệ Yên là lễ hội hàng năm thu hút số lượng người đông đảo nhất với rất nhiều trò diễn thú vị như trò đấu võ, múa quân chạy chữ với nhiều người dân tham gia. Nhìn chung lễ hội làng nào cũng mang một tâm thức tâm linh vừa kín đáo sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm là sự thờ cúng các vị thần linh. Đây là dịp dân làng biểu hiện lòng biết ơn sùng kính đối với các bậc có công với dân với nước, ý thức cộng đồng và sự gắn bó giữa những người cùng làng, đồng thời thể hiện lòng cầu mong của dân làng về một đời sống no đủ an khang thịnh vượng.

Trong lĩnh vực văn học dân gian trên địa bàn thành phố được xem là hết sức phong phú và đa dạng, vừa giàu tính dân tộc, vừa đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Ở đây có đầy đủ các thể loại văn học dân gian truyền thống của người Việt như thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao, dân ca, trò chơi và trò diễn…, ở mỗi lĩnh vực thì số lượng đều tương đối nhiều và gắn liền với đời sống nhân dân qua hoạt động lao động sản xuất và tín ngưỡng tâm linh từng làng từng xóm khác nhau.

Nhìn chung, trong suốt chiều dài lịch sử của xứ Thanh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất, cần cù và chịu khó đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô giá trở thành niềm tự hào trong mỗi chúng ta.

* Tiểu kết

Có thể thấy, Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng, từ bao đời nay có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Cùng với điều kiện tự nhiên có những nét đặc thù, tạo nên những giá trị tinh thần song hành với thời gian. Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, thành phố Thanh Hóa là mảnh đất lưu danh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Khương Công Phụ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, ... Cùng với những trang lịch sử oai hùng, thành phố Thanh Hóa có còn có nhiều di tích, đền đài có giá trị, góp phần quan trọng trong việc khẳng định xứ Thanh là một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.

Chương 2

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 26 - 31)