Nguồn gốc hình thành

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 31 - 34)

Thái miếu nhà Lê hay tên thường gọi của nhân dân địa phương là Đền nhà Lê, tên chữ là Bố Vệ miếu hay Bố Vệ Lê Hoàng miếu. Hiện nay những nguồn tư liệu liên quan đến sự ra đời và tồn tại của Thái Miếu ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa là không nhiều. Nguồn tài liệu trong chính sử chỉ cho chúng ta biết “Miếu Bố Vệ trước gọi là điện Hoằng Đức ở thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nguyên trước Miếu ở Thăng Long và huyện Thụy Nguyên, năm Gia Long thứ tư mới dời về đây, tế vào hai tiết Xuân - Thu, quan tỉnh hành lễ” [14, tr.252]. Ngoài ra, sách “Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào năm 1993 cho chúng ta biết thêm một thông tin nữa, “đây là nơi thờ các Vua và Hoàng hậu Triều Lê gồm có 29 Hoàng Đế và 28 Hoàng Hậu”[15, tr. 60].

Những dòng ghi chép lịch sử nêu trên cũng được sử dụng từ hai nguồn sử liệu chính là “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn và “Thanh Hóa tỉnh Chí” của Vương Duy Trinh. Tuy vậy, có lẽ ở đây có sự nhầm lẫn về miếu hiệu mà các tác giả nói đến 29 vị Hoàng Đế và 28 vị Hoàng Hậu. sách “Niên biểu Việt Nam” xuất bản năm 1970, đã cho chúng ta biết Vương triều Lê tồn tại 354 năm, thực tế chỉ có 27 vị Vua, còn con số 28 vị Hoàng Hậu đang là một ẩn số. Hiện nay theo các nguồn sử liệu chúng ta chỉ biết 12 vị Hoàng Hậu trong số 27 vị Vua của triều Lê.

Tuy vậy, có một vấn đề đặt ra là Điện Hoằng Đức ở kinh thành Thăng Long được chuyển về Bố Vệ được các sách đề cập không rõ là điện gì?. Lần giở lại những trang sử nhà Lê chép về kinh thành Thăng Long thời Đông

Kinh (1428-1527), thời Kinh- Kẻ Chợ thời Mạc (1527-1592) và thời Lê - Trịnh(1533-1786) chỉ thấy ghi những điện chính trong kinh thành như: Điện Kính Thiên, điện Thị Triều, điện Chí Kính, điện Vạn Thọ, điện Cần Chánh, Cẩn Đức, Thúy Ngọc, Giảng Võ, Thạch Thất, Thượng Dương. Sang đến đời Vua Lê Trung Hưng, ngoài những điện nêu trên còn xuất hiện thêm cụm kiến trúc Phủ Chúa ở phía ngoài Hoàng Thành. Cụm kiến trúc này theo như sử sách mô tả là gồm các cung điện nguy nga, có tường thành bao bọc hình vuôn. Nhưng các cung điện ở Phủ Chúa này cũng không thấy sử sách ghi chép một cách đầy đủ. Vì vậy, mà vấn đề điện Hoằng Đức được chuyển từ Thăng Long về Bố Vệ cũng cần phải tiếp tục được nghiên cứu và làm sáng tỏ.

Tuy các nguồn tư liệu có thể chưa đầy đủ, nhưng dù sao thì sự hiện diện của Miếu nhà Lê ở làng Bố Vệ được khởi dựng chỉ sau hai năm khi vua Gia Long ra lệnh phá bỏ Hoàng Thành cũ ở Thăng Long để xây dựng một tòa thành mới, chứng tỏ những việc làm của ông đã được tổ chức lại về phương diện chính trị.

Ở một bối cảnh khác, chúng ta thấy sự ra đời của Bố Vệ Miếu được diễn ra trong điều kiện Điện Miếu Lam Kinh bị hoàn toàn phá dưới thời Tây Sơn. Bắc Thành bị phá bỏ. Trên thực tế Thăng Long đang dần dần bị thu hẹp lại. Điều này cũng được chứng minh thêm là dưới triều Nguyễn, Thăng Long- Hà Nội không chỉ mất vị trí kinh đô của cả nước, mà còn bị hạ thấp từ trấn thành xuống tỉnh thành. Rõ ràng việc xây dựng miếu thờ ở quê hương của các Vua Lê đã nằm trong ý đồ chính Trị của Gia Long từ khi ông mới lên ngôi, còn nơi định đô chính lại là kinh thành Phú Xuân- Huế.

Điều đáng chú ý là nhà Lê xác lập chính quyền bằng một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm anh dũng nên được toàn bộ dân tộc ủng hộ, trái lại Nhà Nguyễn thành lập vương triều bằng một cuộc nội chiến khốc liệt chống lại một nhà nước phong kiến tiến bộ hơn (nhà Tây Sơn) để xây dựng một nhà

nước phong kiến chuyên chế, vì vậy đã không giành được sự ủng hộ của một bộ phận lớn nhân dân. Do đó, nhà Nguyễn đã giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp khác nhau để ổn định tình hình chính trị cũng như củng cố vương triều. Riêng ở Thanh Hóa vốn là nơi phát tích của Nhà Lê, một mặt nhà Nguyễn tìm cách đàn áp các cuộc nổi dậy của tôn thất nhà Lê để khẳng định quyền uy của một thể chế, mặt khác để lấy lòng dân và con cháu nhà Lê bằng việc cho xây dựng lại Thái Miếu.

Rõ ràng sự ra đời và tồn tại của Thái Miếu ở làng Bố Vệ cùng với việc Vua Gia Long cho Diên Tự Công Lê Duy Việt thu hoa lợi 12 xã để trích ra góp phần vào việc thờ cúng Thái Miếu, Nhà Nguyễn đã chứng tỏ không thể thay thế những tư tưởng đã từng tồn tại trong lịch sử bằng những việc làm chủ quan của mình. Điều này, trước đó dưới thời Nguyễn Huệ vào năm 1789 cũng đã cấp cho Hoàng Tử Lê Duy Cần 2000 mẫu ruộng ở Thanh Hóa để thờ cúng Nhà Lê. Đó cũng là một sự lựa chọn sáng suốt, khách quan của bất kỳ một vương triều nào đối với sự tồn tại của mình.

Từ sự nhìn nhận như vậy, chúng ta muốn đề cập đến sự tồn tại của Thái Miếu trên thực tế, được xem là một sử liệu, một đối tượng của nghiên cứu sử học.

Như chúng ta đã biết, Vua Gia Long cho khởi dựng lại Thái Miếu ngay trên phần đất của nền điện Chiêu Hòa, vốn là điện thờ của Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Anh ( vợ Vua Lê Thái Tông, mẹ Vua Lê Nhân Tông) đã bị đổ nát. Việc làm này ngoài ý nghĩa về mặt chính trị thì địa điểm này còn nằm trên đường kinh lý Bắc- Nam thuận tiện, một vùng đất có cảnh quan xinh đẹp hùng vĩ. Bao quanh di tích này là thắng cảnh Kỳ Lân Sơn ở phía tây, núi Rồng, sông Mã ở phía bắc, kênh Bố Vệ ở phía Nam cùng với Vệ Yên, Tạnh Xá, Mật Sơn là những xóm làng trồng lúa nước lâu đời, tất cả tạo nên một vùng đất trù phú và sầm uất.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 31 - 34)