Hàng năm, nhân dân thôn Định Hòa – xã Đông Cương theo tiền lệ cứ đến dịp cuối tháng 12 đều tề tựu về làng để tham gia lễ hội đề Lê Thành. Nằm giữa trung tâm xã Đông Cương vì vậy lễ hội đền Lê Thành không những thu hút được bà con trong làng mà còn có đông đảo bà con trong xã, các làng lân cận tham gia.
Một năm ở đền Lê Thành có hai ngày giỗ là ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) và ngày 20 tháng 12 hàng năm, trong đó giỗ chính diễn ra vào ngày 20 tháng 12 (giỗ Lê Thành và bà vợ cả). Tuy vậy theo tiền lệ thì cứ cách một năm nhân dân trong làng mới tổ chức lễ hội một lần và năm tổ chức lễ hội là vào năm lẻ. Đến nay được sự quan tâm của chính quyền địa phương thì tuy vẫn tổ chức lễ hội 2 năm một lần nhưng cứ cách 5 năm chính quyền lại trực tiếp tổ chức lễ hội với quy mô rất hoành tráng và thu hút đông đảo bà con tham gia. Và cũng như các lễ hội khác thì lễ hội đền Lê Thành cũng gồm hai phần là phần “lễ” và phần “hội”.
2.6.3.1. Phần lễ
Tuy lễ hội được tổ chức vào ngày 20 tháng 12 nhưng ngày từ đầu tháng 12 không khí lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp đối với cư dân làng Định Hòa. Ngay từ đầu tháng đã diễn ra cuộc họp của các cụ cao niên, các chức sắc trong làng bàn về công tác chuẩn bị lễ hội và phân công công việc cụ thể cho các thành viên trong làng. Về phần lễ chủ yếu gồm có hai phần đó là phần tế lễ và rước kiệu quanh làng.
- Lễ rước kiệu: Vào sáng sớm ngày 20 tháng 12, các chức săc, quan viên, bô lão và trai đinh tiến hành rước kiệu nghinh thần từ đền đi quanh làng sau đó đưa về sân đền để cử hành đại lễ.
Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo thứ tự như sau: Đi đầu tiên là đội rước cờ ngũ sắc, cờ rồng, khiêng trống, chiêng.
Tiếp phía sau đó là đội chấp kích xếp hàng đôi, sau đó là đội tế gồm có 1 chủ tế, hai bồi tế, 1 đông xướng và 1 tây xướng, 2 nội tán và từ 8 đến 10 người chấp sự trong trang phục đại tế. Kế đó là phường bát âm vừa đi vừa tấu nhạc. Sau đó là kiệu Long Đình là kiệu Bát Cống do tám trai làng khiêng, hai bên kiệu có người che lọng vàng, người khiêng kiệu mặc áo cộc tay màu đỏ, có nẹp trắng, quần dài màu đỏ, nẹp trắng. Đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp đỏ và đi chân đất.
Sai kiệu Bát Cống là các chức dịch, kỳ lão, khách mời và bà con theo sau. Đoàn rước khoan thai trong nhịp trống chiêng, nhạc bát âm tần khúc
“lưu thủy hành vân”. Dân chúng trong vùng kéo đến dự hội đứng chật hai bên
đường. Đoàn rước về đến sân đền, kiệu và đồ tế khí đặt vào vị trí quy định rồi mới bước vào đại tế.
Trước hương án ở tiền đường đền Lê Thành bố trí chiếu thần vị, chiếu thụ tộ, chiếu chủ tế và chiếu bồi tế.
Hai bên chiếu tế là đông xướng và tây xướng, có một bên chiêng và một bên trống.
Về trang phục, chủ tế mặc áo dài màu đỏ, quần trắng mũi đỏ, chân đi hia. Bồi tế mặc áo xanh, quần trắng, mũ xanh, đi hia. Đông xướng và tây xướng cùng các chấp sự áo lương bên ngoài, áo gấm dài và quâng trắng bên trong, đầu đội mũ xanh, đi hia.
Cuộc đại tế do đông xướng và tây xướng điều hành. Kết thúc buổi đại tế là đến phần tế của các bản hội địa phương và tiếp tục diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo bà con khắp nơi.
2.6.3.2. Phần hội và các trò chơi dân gian
Lễ hội đền Lê Thành ngoài phần lễ còn diễn ra phần hội với rất nhiều các tiết mục trò chơi dân gian sôi nổi và thú vị. Trong phần hội đặc biệt là vào các năm diễn ra đại lễ ban quản lý di tích cùng với người dân trong làng thường tổ chức các trò kéo co, đánh cờ người và trồng cây đu.
- Trò đánh đu:
“Khen ai khéo dựng đu này
Để cho trai gái chơi ngày chơi đêm”
Ca dao cổ đã ca ngợi trò đánh đu như vậy. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng miêu tả:
"Trai đu gối hạc, khom khom cật Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng"...
Là nói về thứ đánh đu bay này!
Đánh đu phải từng cặp nam nữ, người dún kẻ dừng, thay nhau đưa dần cho cần đu dần lên bổng, tới lúc ngang cần, hai người như đè lên nhau, áo khăn quấn quít vào nhau, mới chịu ôm cần đu để cho đu hạ dần, tới lúc chậm lại đã có người bắt đu dừng hẳn cho đôi khác lên thay.
Cây đu trồng bằng 6 hoặc 8 cây tre theo thế chân kiềng, chụm đầu vào nhau, câu kết bằng xà đu. Từ xà đu có hai cái gông nối với tay đu hoặc cần đu để tạo khớp cần thiết cho đu chỉ lên tới mức độ nào đó, không cao quá nguy hiểm. Tay đu phải chọn tre đực, bánh tẻ, vừa tầm tay nắm, không có đốt kiến, đảm bảo an toàn cho người lên đu. Trồng cây đu xong, phải được già làng có kinh nghiệm kiểm tra cẩn thận, làm lễ, rồi lên khai đu, nổi trống gọi người xem hội tụ.
Nơi trồng cây đu phải thoáng đãng, rộng, không gần cây cối, có chỗ đứng xa cho nhiều người xem.
Giải thưởng thi đu được gói buộc vào đầu cành tre nhỏ như cần câu dài, đặt ngang tầm với đỉnh cột đu. Khi người dún đu đưa cần ngang với đỉnh cột thì đưa một tay giật giải. Nếu để giải rơi xuống đất là mất.
Đu là môn thể thao không chỉ đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, mà còn phải có thần kinh vững vàng, không chóng mặt, hoa mắt, nôn mửa lúc đu đã lên cao.
Cây đu đã thành nơi hò hẹn của biết bao lứa đôi thanh niên làng Định Hòa khi vào hội xuân, để được cùng bạn tình:
"Dún mình như thể dún đu
Càng dún càng dẻo, càng đu càng mềm".
- Trò đánh cờ người:
Bên cạnh các trò chơi dân gian giành cho các thanh niên tham dự thì trong lễ hội cũng có tổ chức trò đánh cờ người giành cho các vị cao niên tham gia.
Cờ người đánh như cờ tướng, chỉ có hình thức khác: bàn cờ là cả chiếc sân rộng, quân cờ là người đóng, nam đứng quân đỏ, nữ đứng quân đen. Mỗi bên 16 quân, tên quân viết chữ nho ở ngực áo hoặc lưng áo. Riêng tướng chọn người đẹp người đẹp nết, có lọng che, có ghế ngồi. Người đánh xướng nước đi (theo nguyên tắc mã lệch, tượng điều, xe liền, pháo lệch...) người đóng quân chuyển vị trí theo. Ăn quân nào là bị loại ra khỏi sân. Cho đến khi tướng bị chiếu, hết nước đi là thua. Có nơi quân cờ là người cầm biển đề tên.
Trò đánh cờ người ở đền Lê Thành thường tổ chức công phu, sân cờ được xây dựng có không gian rộng rãi. Hàng năm khi tổ chức lễ hội cũng là dịp thi thố giữa các kỳ thủ không chỉ trong làng mà cả các địa phương khác được mời về tham dự, có khi trò cờ người được tổ chức diễn ra trước lễ hộ mấy ngày.
Bên cạnh các trò trơi con diễn ra các hoạt động văn nghệ sôi nổi thu hút mọi tầng lớp già trẻ tham gia làm cho ngày hội thêm hấp dẫ. Có thể nói lễ hội đền Lê Thành là một lễ hội rất lớn trong vùng mang nhiều các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của người dân địa phương.
Lễ hội đền thờ Lê Thành là một nét văn hóa tinh thần quan trọng trong đời sống của nhân dân địa phương, là sợ dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thông qua đó khơi dậy truyền thống tốt đẹp đối với thế hệ trẻ của làng Định Hòa, tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa giúp gắn kết người dân ngày càng khăng khít với nhau hơn và biến di tích đền thờ Lê Thành trở thành điểm đến của du khách thập phương.
* Tiểu kết: Thành phố Thanh Hóa là địa phương có bề dầy lịch sử lâu đời, thiên nhiên và lịch sử vùng đất này đã để lại cho chúng ta những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng, trong những di sản ấy thì những đền và chùa là những công trình có giá trị to lớn trên mọi mặt đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn thành phố. Mang trong mình trọng trách như là những pho sử sống, những di tích này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc qua các thời kỳ phát triển. Bên cạnh đó, tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các đền, chùa này cho chúng ta thấy rõ được tài năng và trình độ của các nghệ nhân với bàn tay tài hoa của mình đã sáng tạo nên được những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ. Với tất cả những giá trị nêu trên, những đền, chùa trên thành phố Thanh Hóa hiện nay không những đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa tinh thần của địa phương mà còn góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Chương 3