2.6.1.1. Trang Quốc công Lê Thành
Lê Thành vốn người họ Đỗ, Nguyên Quán ở xã Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân). Ông có
hai bà vợ. Bà chính thất là Nguyễn Thị Cả, bà vợ thứ là Nguyễn Thị Phái, cả hai bà đều theo Lê Thành phò vua đánh giặc.
Năm 1418, Lê Thành tham gia khởi nghĩa Lam sơn, cùng Lê Lợi và nghĩa quân trải qua bao gian nan vất vả trong những năm đầu dựng cờ khởi nghĩa. Có lúc tình thế nguy bách, ông cùng các tướng lĩnh giúp Lê Lợi tránh nạn vào núi Chí Linh, rồi đưa Lê Lợi về động Mường Khao.
Trong hai năm 1418 - 1419 , Lê Thành đã đóng góp công sức trong các trận đánh quân Minh ở Mỹ Canh, bắt sống tướng giặc là Nguyễn Sao, đánh tan quân giặc ở Bến Bổng. Ông được thăng là “Trung nghị đại phu, tước bá”.
Năm 1421, Lê thành cùng các tướng lĩnh vâng mệnh vua đánh tan quân Minh ở Đèo Ống (thuộc huyện Bá Thước), ông được thăng “Thực thự vệ
tướng quân”.
Năm 1422, Lê thành cùng các tướng Lê Nổ, Lê Hào đi tiên phong đánh quân Ai Lao và quân Minh, bắt sống tướng giặc là Phùng Quý. Sau trận này ông được phong là “Cần kiềm vệ tướng quân”.
Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, Lê Thành được cử làm tướng tiên phong. Do đó có nhiều chiến công, ông được thăng “Tham
đốc Thiên Lộc hầu”.
Năm 1425, Lê Thành chỉ huy đánh quân Minh ở vùng Tân Bình, Thuận Hóa. Ông đặt phục binh đánh tan quân giặc ở sông Bố Chính, được thăng là
“Cần Kiềm tổng quản thượng tướng quân”.
Năm 1426, trong một trận đánh với quân Minh ở thành Long Châu, lúc đó thế giặc áp đảo nhưng Lê Thành không nản lòng, kiên quyết chống lại giặc đến cùng và ông đã anh dũng hi sinh. Sách Lam Sơn Thực lục có ghi “Công
thần trận vong năm Bính Ngọ (1426) Lê Thành” [Tr.37].
Sau khi đánh tan quân Minh, giải phóng đất nước, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Ghi nhận công lao của Lê Thành trong sự nghiệp bình Ngô, Lê Lợi
đã phong tặng cho ông “Suy trung, đồng đức hiệp mưu, bảo chính công thần,
Thiên lộc hầu” lại thêm chức “Thái úy, Lộc quận công, ban quốc tính”.
Đến năm Hồng Đức (1470 – 1497) đời vua Lê Thánh Tông, ông được truy phong Bình Ngô khai quốc công thần”, gia tặng “Trang quốc công”.
2.6.1.2. Chính thất phu nhân
Bà họ Nguyễn, tên húy là Cả, tổ tiên xưa ở hương Lam Sơn phường Bảo Lạc, bà là vợ cả của Trang quốc công Lê Thành. Theo miêu tả “Bà là
người tính nết ôn hòa, hình dáng yểu điệu, sắc đẹp khác thường, bất kỳ món viết lách ghi chép, tính toán cái gì cũng thông thạo”.
Năm Mậu Tuất (1418), Lê Thành theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa lam Sơn dẹp giặc Ngô, thì bà nhiều lần giúp mưu bàn việc quân thắng lợi.
Đến năm Bính Ngọ (1426), Lê Thành vâng mệnh vua đồn trú ở Long Châu, khi giặc đem quân đến đánh, ông dựa lưng vào thành chống giặc quyết liệt, tuy vậy nhưng thế giặc mạnh không thắng được. Bà vượt ngựa đem binh xung trận quyết chiến với giặc, không đuổi được giặc bà đã tử tiết theo chồng.
Vua nghe tin rất thương tiếc, truy phong bà là “Quận phu nhân” ban tên Thụy là “Triệu Liệt”. Sai đem tiền công cho nhân dân tìm đất chôn cất, lập đền thờ cúng.
2.6.1.3. Bà vợ thứ
Bà họ Nguyễn, tên húy là Phái, người làng Định Hương, xã Đông Khối, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay là thôn Định Hòa, xã Đông Cương). Khi xưa Lê Thành theo Lê Lợi đi đánh giặc, nhiều lần qua ấp Định Hương mới lấy bà làm vợ, sinh được 4 người con trai đều theo phò nhà Lê và được phong tước hầu:
- Con trai cả là Lê Thùy - Chỉ huy sứ, tư đô thự vệ sự Thịnh Lộc hầu. - Con trai thứ hai là Lê Duyên - Đô chỉ huy đồng tri sự An Thọ hầu. - Con trai thứ ba là Lê Tạo - Tổng binh đồng tri sự An Lộc hầu.
- Con trai thứ tư là Lê Trung - Chỉ huy đồng tri sự Tín Lộc hầu.
Bà là người rất khéo nuôi dạy con cái, tất cả đều nên người, theo phò nhà Lê hết mình và đạt được công danh. Khi Lê thành trấn thủ thành Long Châu, bà và các con tạm trú ở ấp Định Hương, bà bỏ tiền của ra mời người các nơi đến xây dựng làng ấp, là người rất có công với dân.
Khi bà mất, vua rất thương tiếc, phong bà là Quận phu nhân, ban tên Thụy là “Từ Thiện”, sai sứ giả mang tiền của giao cho nhân dân chọn đất tốt an táng và lập đền thờ cúng.