Phong cách kiến trúc chùa Hương Quang.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 57 - 62)

Nằm trong dòng chảy của nền kiến trúc cổ Việt nam, cũng như bất kỳ ngôi chùa cổ nào trên đất nước ta, chùa Hương Quang là một công trình kiến trúc cổ kính và xinh đẹp. “Chùa ở phía Tây - NamThành Hạc là bình phong đầu tiên của chùa…có gió ở bờ Tây dài, bình phong sừng sững, thuyền biển Nam về, chim tụ họp xum vầy, khí tượng muôn ngàn dải núi sông. Bên trái, bên phải gió mây tích chứa, đất trải hoàng kim như vẽ, người thăm thán phục thay! Cảnh đẹp thiên nhiên đến nức lòng, càng lớn lao, càng kỳ lạ vậy!...” [19, tr. 107]

Ngày nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hương Quang là một ttrong những ngôi chùa hiếm hoi còn diện mạo tương đối hoàn chỉnh. Tổng thể kiến trúc của chùa ngày nay gồm có: Cổng Tam Quan, nhà Bái Đường, nhà chính điện, nhà thờ Tổ và một số công trình kiến trúc khác.

* Cổng Tam Quan: Dừng chân ở trước chùa Hương Quang, đi qua một khoảng đất trống rộng chừng 15m – dài 24m là đến cổng chùa. Khu đất trống này trước đây là cổng Tam Quan gồm có hai tầng đồ sộ, tầng dưới gồm có một cổng chính và hai cổng phụ, trong đó tầng hai nằm ngay trên cổng chính, trong đó đặt một quả chuông. Do thời gian tàn phá, cổng Tam Quan cũ không còn nữa, chỉ còn lại dấu tích là nền đất cũ. Đến năm 1994, cổng Tam Quan mới được làm lại theo kiến trúc “Chồng diêm” với kết cấu bê tông cốt thép vững chắc.

* Bảo tháp: Bước qua cổng chùa là sân chùa, chung quanh sân là những hàng cây lưu niệm, xen lẫn bồn hoa cây cảnh bốn mùa nở hoa thơm và tỏa bóng mát, làm cho cảnh sắc thiên nhiên của ngôi chùa càng thêm hấp dẫn. Phía trái sân chùa (đi từ ngoài vào) có 4 bảo tháp là: “Hương Quang bảo

tháp”, “Diêu Nghiêm bảo tháp”,”Thanh Lương bảo tháp”,”Thanh quang bảo tháp”.

Các bảo tháp trên còn gọi là Xá Lị - nơi cất giữ hài cốt và ghi bia ngợi ca công đức và ngày giỗ của các nhà sư tu hành ở chùa Hương Quang. Chẳng hạn như “Hương Quang bảo tháp” có nghĩa là tháp báu Hương Quang, giới pháp tên chữ là Đàm An, tên hiệu là Minh Tĩnh Giáng Linh, giỗ vào ngày 27 tháng 11.

* Nhà thờ Tổ: Nằm ở phía bên phải chùa, gồm có 5 gian, 3 gian giữa là dùng để đặt bàn thờ Tổ, 2 gian bên là phòng ở và làm việc của các nhà sư. Nhà thờ Tổ (hay còn gọi là Tăng đường) chủ yếu để thờ phụng 4 vị sư tổ, đã tu hành tại chùa như: Diệu Nghiêm, Thanh Lương… Trên bàn thờ tượng 4 vị

sư tổ còn có tượng Đức Tổ Tây có dung mạo giống người Tây Phương (Ấn Độ), mũi cao, tóc quăn, râu quai nón. Ngoài ra ở đây còn bài trí các câu đối. Nhà thò tổ làm theo lối kiến trúc “Chồng rường bát đấu”, nền cao 1,3m lát gạch đỏ. Mái thiết kế theo kiểu mái Đao, gồm bốn mái với bốn đầu đao lợp bằng ngói âm dương. Hai mái lớn lập bằng ngói mũi hài.

Đặc biệt hệ thống cửa được là rất công phu, toàn bộ phần tường trước của nhà và cửa đều là bằng gỗ được chạm khắc tinh tế, hoa văn uốn lượn, rơi ngậm chữ Độ, rồng cuộn ôm mây.

* Nhà Bái Đường (nhà Tiền Điện): Từ dưới sân chùa bước qua 3 bậc thềm đá là nhà Bái Đường, gồm có 5 gian (dài 15,5m và rộng 6,75m). Trong nhà Bái đường với diện tích 105m² chủ yếu được sử dụng để bài trí tượng Hộ Pháp, bệ thờ thập điện, thần Thổ địa, treo chuông và đặt một số bia ghi việc trùng tu chùa.

Tượng Hộ Pháp được đặt ở hai bên cạnh gian giữa nhà Bái đường. Hộ Pháp có nghĩa là bảo vệ cho Phật pháp nên hai pho tượng này được bày ở nhà Bái đường. Về hình dạng, tượng Hộ Pháp được làm theo hình võ sĩ, mặc áo giáp, tay cầm khí giới, đầu đội mũ trụ, ngồi trên lưng hai con sấu. Kích thước của tượng rất lớn, nên dân gian có câu “to như ông Hộ Pháp” là cách nói so sánh vơi hai pho tượng này.

Tiếp đó, ở gian cuối phía đông nhà Bái đường bài trí tượng thần Thổ địa. Vị thần này là người chủ của khu vực nhà chùa, trông coi cai quản toàn bộ tài sản của nhà chùa. Tượng thần Thổ địa được diễn tả là một ông thần mặt đỏ, râu bạc, nét mặt hiền từ nhưng rất nghiêm.

Ở gian cuối phía tây nhà Bái đường là nơi treo chiếc chuông đồng thời Tự Đức (1857), chiếc chuông này trước kia treo ở tầng hai cổng Tam Quan. Chuông có kích thước cao 0.90m, đường kính miệng 0,55m và nặng hơn 1 tạ.

Ở hai phía cuối nhà Bái đường có xây bệ thờ Thập điện (không có tượng), thờ 10 vị vua cai quản điện dưới âm ty nên có tên gọi là Thập điện Diêm Vương.

Ở đây còn có một số bia ký gửi giỗ ở nhà chùa, có lẫn với bia ghi việc trùng tu, tôn tạo chùa.

Nhìn chung, trong nhà Bái đường chùa Hương Quang, được bài trí các pho tượng mang ý nghĩa bảo vệ, hộ trì cho Phật pháp. Vì vậy nó tạo nên cảm giác trang nghiêm và sức mạnh thiêng liêng của nơi thờ Phật.

* Nhà chính điện: Ở đây có 22 pho tượng Phật được bài trí trên 6 lớp bàn thờ. Lớp bàn thờ thứ nhất ở bên trên cùng giáp với mái nhà chính điện, sau đó các lớp bàn thờ đặt tượng cứ thấp dần, tiếp theo lớp bệ thờ cuối cùng (lớp thứ 6) là Hương án, kề sát với Hương án là nơi nhà sư ngồi tụng kinh niệm Phật.

- Lớp bàn thứ nhất: Là lớp cao nhất gần nóc giáp vách thượng điện đặt ba pho tượng Tam thế ngồi ngang nhau. Tượng trưng cho chư Phật thuộc về ba đời: Phật quá khứ, Phật hiện tai và Phật tương lai. Ba tượng Tam thế được đặt ngồi trên tòa sen, có kích thước và hình dáng giống nhau, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ Vạn, mặt tròn như mặt nguyệt, mình có sắc hoàng kim sáng rực.

- Lớp thứ hai: bài trí ba pho tượng cùng dãy gọi là Di đà tâm tôn. Người ngồi giữa là Phật A di đà, ngồi trong tư thế tọa thiền, tóc xoắn ốc, đầu để lộ đỉnh không đội mũ, mắt nhìn xuống như đang suy tư, miệng hơi mỉ cười, tượng mặc áo cà sa với những nếp gấp rất đều, ngồi xếp bằng hai chân hai bàn tay đặt giữa lòng đùi, bàn tay trái đặt lên giữa bàn tay phải, hai đầu ngón tay cái giao nhau.

Hai bên tượng A di đà có hai pho tượng trong tư thế đứng. Đứng bên trái là tượng Quan Thế Âm và đứng bên phải là tượng Đại Thế Chí, đây là hai

vị thị giả giúp việc cứu thế chp Phật A Di Đà, nên được tạc kiểu đứng dáng chầu bên cạnh A Di Đà, cả ba pho tượng trên đều ngồi và đứng trên tòa sen.

- Lớp bàn thứ ba: Gồm 3 pho tượng Phật cùng dãy. Ngồi giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni (còn gọi là Thích Ca giáo chủ) đang thuyết pháp. Ngài ngồi trên đài sen, đầu để lộ viên đỉnh, mặc áo pháp để hở vai bên hữu, tay cẩm hoa sen. Bên trái Thich Ca Mâu Ni là tượng Văn Thù Bồ Tát giúp về phần trí tuệ, còn Phổ Hiền Bồ Tát giúp về phần sự lý, cả hai pho tượng này đều đứng trên tòa sen.

- Lớp tượng thứ tư: gồm 3 pho tượng, ở giữa là tượng Di Lặc Bồ Tát, được diễn tả có dáng thư thái, thanh thản, bụng phệ, để vai và mình trần, thân hình đẩy đà, miệng cười lạc quan. Tay phải úp lên đầu gối, tay trái nắm khum đặt ngửa trên đùi thể hiện những dấu hiệu cho thấy ngài không còn phải lo buồn gì nữa, nên dân gian thường có câu là “Ông nhịn mặc để ăn”. Bên trái tượng Di Lặc Bồ Tát là tượng Pháp Hoa Lâm Bồ Tát, bên phải là Đại Diệu Tướng Bồ Tát. Cả ba pho tượng này đều ngồi trên tòa sen, gọi chung là Di Lặc tam tôn.

- Lớp bàn thứ năm và thứ sáu bày 4 pho tượng Tứ Thiên Vương, cả 4 vị Thiên Vương đều mặc áo có Vương phục, bày thành hai dãy đối nhau, ở giữa lớp bàn thờ thứ sáu đặt tượng Cửu Long (hay còn gọi là Thích Ca sơ sinh). Tượng được diễn tả ngài lúc mới sinh có hình tiểu nhi một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất, có chín con rồng vây bọc và chầu vào trên đầu và ba mặt sau lưng trên những đám mây có đủ chư Phật.

Cùng với những lớp tượng thờ kể trên, nhà chính điện cũng là nơi tập trung những tác phẩm điêu khắc chạm trỗ mạng ý nghĩa trang trí làm tăng thêm sự trang nghiêm, lộng lẫy của điện thờ Phật như các bức cửa võng, đại tự…Đề tài thể hiện là Long - Ly - Quy - Phụng, mây trời và hoa lá cách điệu. Trong đó biểu tượng hoa sen, bánh xe pháp luân được tập chung thể hiện một

cách nổi bật nhất. Bởi vì đạo Phật thường lấy hoa sen làm biểu tượng. Hoa sen tượng trưng cho sự trong trắng và hoàn hảo, hai chữ “liên hoa” (hoa sen) trở thành một tính từ rất phổ biến ta thường gặp. Chẳng hạn, cách ngồi của Phật gọi là “Liên hoa tọa”, ấn quyết “Liên hoa ấn”…, ở chùa Hương Quang có bức đại tự ghi: “Liên hoa Đài tạng” (Đài tạng chứa hoa sen nhà Phật), hoạc chư Phật đều ngồi trên hoa sen và những người được Phật độ về cõi Tây phương cực lạc đều ngồi trên tòa hoa sen là theo nghĩa ấy. Điều đáng nêu lên ở đây là những bức cửa võng, đại tự đó được chạm trỗ một cách tinh xảo thể hiện trình độ nghệ thuật đã đạt tới kỹ xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật thế kỷ XIX ở Thanh Hóa.

Qua cấu trúc và cách bài trí nội thất của chùa Hương Quang, chúng ta có thể thấy rằng. Chùa Hương Quang là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, còn giữ gìn được khá nguyên vẹn số lượng tượng Phật, bia ký và nhiều đồ thờ khác có giá trị rất phong phú và đa dạng. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ có giá trị về mặt nghệ thuật rất cao. Nó là thước đo trình độ nghệ thuật, tài năng và giàu trí tưởng tượng của những người nghệ sĩ điêu khắc kiến trúc cổ xứ Thanh.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 57 - 62)