Nguồn gốc lịch sử và quá trình trùng tu – tôn tạo chùa Mật Đa

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 63 - 68)

2.4.1.1. Nguồn gốc lịch sử

Chùa Mật Đa nằm khép mình trầm mặc giữa làng Nam Ngạn, cách cầu Hàm Rồng khoảng 400m về phía hữu ngạn sông Mã. Tên chữ của chùa là

“Mật Đa Tự” mang ý nghĩa là rừng cây thơm ngọt của đất Phật, nhiều quả

phúc, nhân kiệt địa linh.

Lần theo dấu vết lịch sử, quê hương Nam Ngạn mang dấu ấn của núi Đọ, của trống đồng Đông Sơn. Sau cải cách ruộng đất, làng Nam Ngạn cùng với các làng Đông Sơn, làng Nghĩa Phương lập thành xã Đông Giang thuộc huyện Đông Sơn. Năm 1964, xã Đông Giang tách khỏi huyện Đông Sơn để

nhập vào thị xã Thanh Hóa trở thành tiểu khu Nam Ngạn và sau đó trở thành phường Nam Ngạn. Năm 1994, phường Nam Ngạn tách thành hai phường là Trường Thi và Nam Ngạn. Phường Nam Ngạn cách di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn khoảng chừng 2km. Trên các gò đất cao ở làng Nam Ngạn hiện nay vẫn còn thấy những mảnh đồng vụn, những mảnh gốm thô thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự chủ, Nam Ngạn xưa gọi là “trại”. Trại Nam Ngạn nổi tiếng với việc vào thời “Trần 500 tráng binh theo tướng quân Chu Văn Lương lập thành đổi thủy binh theo vua Trần kháng chiến chống quân giặc Nguyên – Mông” [5, tr.230].

Bản thần tích làng Nam Ngạn còn giữ được do “Đông các đại học sĩ

quản giám bách thần Nguyễn Bính năm Hồng Phúc nguyên niên” (1572) thì:

“Làng Nam Ngạn thời Trần đã có chùa, nhưng ngôi chùa còn nhỏ bé, sau đó Chu Nguyên Lương đã cho sửa chữa, xây dựng chùa để thờ Phật, làm nơi dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người” [20, tr,35].

Chùa Nam Ngạn ban đầu tọa lạc ở ngoại đê sông Mã thuộc ấp Hòa Bình, lúc đầu chùa lập tranh, vách đất, tượng được đắp bằng đất sét rất đẹp, cung kính, trang nghiêm. “Biên bản khảo sát” căn phòng xép lưu trữ tượng cổ tại chùa Nam Ngạn ngày 26 tháng 3 năm 1998 cho thấy: Căn phòng xép được xây dựng từ năm “Lê Triều Bào thái tứ niên” (1723) dùng để lưu giữ 8 pho tượng bằng đất đã hỏng khi chuyển chùa từ ngoại đê sông Mã vào. Do thời gian 8 pho tượng trên đã vụn, người ta thu được 45 đồng tiền cổ. Đây là những đồng tiền người xưa dùng để yểm tâm tượng. Trong số tiền cổ thu được có 12 đồng tiền “Thái bình thông bảo (Lương Võ đế, 556 - 570)”, 5 đồng có niên hiệu “Thánh lịch thông bảo (Đường Vũ Hậu, 698”, 3 đồng “Khai

nguyên thông bảo (Đường Huyền Tông, 723 - 790) và 1 đồng tiền “Thái Hòa thông bảo (Đường Văn Tông, 827). Ngoài ra còn có 12 đồng tiền cổ từ thời

Đinh đến thời Lê. Với những đồng tiền thu được cho thấy chùa Mật Đa đã có từ lâu đời.

Chùa Mật Đa trước ở ngoại đê sông Mã, để tránh lụt lội, chùa được di chuyển vào trong làng vẫn thuộc ấp Hòa Bình. Theo văn bia “Nam Ngạn tự bi

ký” dựng năm Quý Mão, tháng 12 ngày tốt (1724) cho biết: Vị sư đầu tiên của

chùa tên là Nguyễn Công Huy - tức là Hòa thượng Tuệ Minh người đã trụ trì chìa Đại Khánh (chùa Vồm xã Thiệu Khánh ngày nay). Hòa thượng Tuệ Minh nhiều năm hành đạo ở chùa Thụy Nguyên - Bằng Trình xứ Thái Bình.

Chùa Mật Đa được xây dựng trên một mảnh đất đẹp, bảo tháp đẹp như mùa xuân vĩnh viễn như bài thơ khắc trên văn bia “Nam Ngạn tự bi ký” còn

ghi:

“Nam thiên Đại Việt quốc Quý địa Ái Châu thanh Phủ Thiệu, Đông Sơn huyện

Nam Ngạn xã Hòa Bình Tả Thanh Long thế vượng

Hữu Bạch Hổ tái sinh Tiền Hoàng Hà dẫn chí Hậu Huyền Vũ phục tinh

Dương báo do âm thính Nhân kiệt thử địa hình

Ưu đàm hoa tái hiện Bồ đề quả tự thành Toàn xã truyền khanh tướng Thập phương hưởng phúc danh

Viên mãn chủ công đức Vi khắc thạch bi bia”

Chùa Mật Đa ở nơi thiên nhiên đẹp như mùa xuân, nơi đây đất đai trù phú, là vùng đất tốt của tỉnh Thanh. Ở nơi âm dương hòa thế nên đức Phật giáng sinh, đân địa phương và khách thập phương đến chùa đều được quả phúc.

2.4.1.2 Quá trình trùng tu tôn tạo

Sau hơn 200 năm, kể từ khi chùa Mật Đa chuyển vào vị trí mới, trải qua mưa gió, cát bụi và chiến tranh tàn phá, chùa bị hư hại rất nhiều. Năm 1928, vị sư trụ trì chùa lúc bấy giờ là sư cụ Đàm Mão, quê ở xã Đồng Bản tỉnh Ninh Bình, đã bàn với dân làng, quyên góp công đức khách thập phương rồi cùng với các ông Viết Mai, Lê Văn Chiêu phó tổng, cựu lý trưởng Hàn Viết Quế ở làng Nam Ngạn đứng ra đốc công tôn tạo.

Lần tôn tạo này, nhà chùa đã làm lại Hậu Cung, đặc biệt là tô lại tượng và có đưa tiếp hai pho tượng (trong đó có một pho mộc tượng) vào căn phòng xép vì đã bị hỏng. Tấm bia “Trùng tu bi tác cánh” cho biết sửa chùa vào ngày 6 tháng 5 năm Mậu Thìn (1928) có sự công đức của nhân dân làng Nam Ngạn và khách thập phương. Để trùng tu chùa, nhân dân làng Nam Ngạn đã công đức 190 đồng, nhân dân xã Đồng Bản (Ninh Bình) quê của sư cụ Đàm Mão đã cúng chùa 150 đồng, chùa Long Cảm (Hà Trung) là 30 đồng. Đặc biệt là bà Nguyễn Thị Long hiệu là Diệu Đức đã cúng chùa 100 đồng và 5 sao ruộng, v.v… Sau khi trùng tu, chùa đã thỉnh cờ Phật, tượng Phật vào thờ tự.

Theo dòng thời gian. Chùa Mật Đa bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bom đạn chiến tranh, cùng với mưa bão và thiên tai ngày càng ác liệt, chùa ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống tượng Phật bị tróc lở sơn. Cảnh quan của chùa, toàn bộ mặt tiền, mặt sau, bên trái và bên phải bị lấn chiếm làm giảm đi vẻ đẹp và nét văn hóa, sự tôn nghiêm vốn có của chùa. Với vai trò của Phật giáo luôn gắn với đời sống tinh thần của người dân Việt từ bao đời nay cũng như những thăng trầm của lịch sử dân tộc:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Thể theo yêu cầu của sư cụ Đàm Xuân, nguyện vọng thiết tha của đông đảo Phật tử muốn khôi phục lại chùa Mật Đa, đây là yêu cầu chính đáng của bà con Nam Ngạn trong quá trình tu bổ chỉnh trang lại hệ thống cum di tích phường Nam Ngạn được sự đồng ý của UBND tỉnh, UBND thành phố, UBND phường Nam Ngạn, ban tôn tạo chùa Mật Đa đã ra đời vào tháng 5 năm 1995, gồm phần đông là các cán bộ đã nghỉ hưu gồm có:

Ông Ngô Thọ Đền - Làng Nam Ngạn

Ông Phạm Văn Dương - 445, Nguyễn Chích, P.Nam Ngạn Ông Đỗ Trọng Thược - 94, Ngô Quyền, P. Điện Biên Ông Triệu Quang Thái - 152, P. Trường Thi

Ông Mai Tặng - 148, Trần Hưng Đạo, P. Nam Ngạn Ông Nguyễn Trọng Quỳnh - 03, Cao Vân, P. Ngọc Trạo

Cùng với nhà chùa xin kinh phí lập kế hoạch tôn tạo bảy hạng mục của công trình: Trùng tu lại ngôi Tam Bảo; Cổng Tam Quan; Nhà thờ Thánh Mẫu; Nhà Tổ đường; Nhà khách; Tường rào bao quanh; Nhà Tảo Soạn (nhà bếp).

Bảy hạng mục công trình trên có giá trị lên tới hàng tỷ đồng, tuy nhiên trước khó khăn vất vả đó ban tôn tạo cùng với bà con Phật tử đã cố gắng quyết tâm thực hiện nên đã hoàn thành về cơ bản.

Đến năm 2004, tiếp tục xây dựng nhà Tứ Ân (nhà gia tiên), Lầu Quan Âm, ba tháp Xá Lị, ba nhà bia, lát sân bài trí các vật dụng cho việc thờ tự.

Cho đến nay, Mật Đa là một ngôi chùa khang trang, nằm trong cụm di tích Nam Ngạn - Hàm Rồng, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, là niềm tự hào của bà con Nam Ngạn nói riêng và cả thành phố Thanh Hóa nói chung.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 63 - 68)