2.2.1.1. Nguồn gốc lịch sử
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, “chùa Tăng Phúc có từ thời Trần Anh Tông (1293 - 1314), ở gần làng Dương Xá, thành Dương Xá. Chùa được dựng trên nền đê ven sông Mã. Đến năm Hoàng Triều – Cảng Hưng thứ 32, đời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786), mưa gió nhiều khiến cho lưu vực ven sông Mã bị sụt lở vì vậy chùa được di chuyển về làng Hạc Oa ngày nay” [18, tr 35].
Làng Hạc Oa xưa là làng Thổ Sơn, đến thế kỷ XVIII-XIX thì chia làm hai làng Đông Sơn và làng Đông Thổ. Đến đời Gia Long thì đổi lại là làng Hạc Oa (tổ chim hạc).
Chùa Tăng Phúc nằm trong khu quần thể “Tăng Phúc – Văn chỉ thờ
Khổng Tử - đền thờ Nguyễn Vỹ”(nhà Lê).
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, khoảng những năm từ 1920 đến 1964 chùa có ba đời sư trụ trì, đó là các sư: Thích Diệu Can, Sư cô Thích Đàm Tâm Huệ, Sư ông Thích Thiện Giám.
Thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhà chùa là nơi tập trung của dân quân du kích và cán bộ lãnh đạo của huyện Đông Sơn và các vùng phụ cận để chuẩn bị giành chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhà chùa và nhân dân địa phương đã đóng góp hết mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, khi hòa bình ở miền Bắc lập lại, và miền Bắc tiếp tục xây dựng đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, nhà chùa đã tiến hành hiến đất, phối hợp với nhân dân địa phương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương tạo nên một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến thắng lợi.
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa điểm cầu Hàm Rồng là nơi bị bắn phá ác liệt nhất. “Để tiếp ứng cho cho mặt trận Hàm Rồng, nhà chùa đã giao cho Trung đoàn 228 mượn làm trạm phẫu thuật sơ cứu ban đầu từ tiền tiền tuyến Hàm Rồng và làm khu vực hậu cần, vì vậy mà hàng trăm thương binh, công nhân và dân quân được phục vụ một cách chu đáo. Trong số các tăng ni Phật tử cũng có 4 người xung phong hiến máu để cứu chữa thương binh là: Lê thị Toàn, Lê Văn Truyền, Lê thị Thừa và Lê Thị Loan”[18, tr. 9]. Các chiến sỹ hi sinh cũng được an tãng chu đáo, hiện nay trong chùa vẫn thờ tên các liệt sỹ hi sinh ở đây.
“Ngày 21 tháng 4 năm 1972, chùa Tăng Phúc bị bom B52 đánh phá ác liệt. Làng Hạc Oa bị phá hủy gần như hoàn toàn, có 80% nhà cửa bị sập, 62 người chết, hàng trăm người bị thương, gia súc bị giết hại đa số, thiệt hại là không thể kể hết” [18, tr. 11].
Nhìn chung trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đông đảo đồng bào Phật tử và nhân dân làng Hạc Oa đã kiên cường bất khuất đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mặc dù phải trải qua biết bao nhiêu hi sinh và mất mát. Chính vì những đóng góp to lớn đó, vào năm 2001 xã Đông Cương đã được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân”.
2.2.1.2. Quá trình xây dựng
Trãi qua bao thăng trầm cùng thời gian, chùa Tăng Phúc đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, từ một ngôi cổ tự đẹp đẽ trở thành một nơi quạnh vắng, heo hút với cỏ cây mọc um tùm. Bên cạnh đó do đất chùa đã bỏ hoang trong nhiều năm nên nhân dân đã tiến hành khai phá để canh tác và xây dựng nhà cửa làm mất đi một diện tích đất lớn. Tuy vậy đất Phật linh thiêng đã thôi thúc lòng dân và Phật tử hun đúc tâm nguyện khôi phục lại ngôi chùa xưa.
Trong lúc ấy, sư thầy Thích Nữ Đàm Hương đi vãn cảnh chùa cùng với đoàn tăng ni Phật giáo Thanh Hóa, sư thầy đã cảm kích trước tâm nguyện tha thiết của nhân dân địa phương muốn khôi phục lại cảnh chùa. Chính vì vậy, sau khi học xong khóa trung cấp Phật học tại Hà Nội, sư thầy đã trở lại làng Hạc Oa cùng với nhân dân địa phương và chính quyền họp bàn về việc xây dựng chùa. Chính sư thầy là người đại diện để kêu gọi các tầng lớp nhân dân, tăng ni Phật tử trên cả nước phát tâm công đức xây dựng chùa.
Căn cứ vào những di vật mang hoa văn thời nhà Trần, bia đá ghi năm chuyển chùa từ thành Dương Xá về làng Hạc Oa, bia đá “hậu Phật bi ký”, cột
đá cổ, tượng phật, các dấu tích của nền móng chùa cũ, ngày 17 tháng 6 năm 1999, Sở Văn Hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa đã cấp bằng di tích lịch sử cho chùa Tăng Phúc. Tuy vậy trước khi có quyết định chính thức đó thì vào tháng 10 năm 1998, sư thầy Đàm Hương đã cũng với nhân dân tiến hành lấp các hố
bom, phát quang khu nền chùa cũ để xây dựng các công trình bên ngoài và nhà thờ Mẫu.
Quá trình ban đầu xây dựng chùa đã gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nhiệt tình giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con nhân dân, trong thời gian từ năm 2000 – 2003 sư thầy đã cho xây dựng hoàn thành Đại Hùng Bảo Điện. đến năm 2006, nhà thờ tổ hết sức khang trang được hoàn thiện. Tiếp đến năm 2007, sư thầy lại tiếp tục cho xây dựng cổng Tam quan, bề thế trị giá hàng tỷ đồng.
Trong hơn một thập kỷ từ 1998 đến 2007, sư và tăng ni Phật tử cùng dân làng Hạc Oa dưới sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương đã xây dựng hoàn thiện chùa với tổng chi phí lên hàng chục tỷ đồng bao gồm: Chùa chính, nhà thờ tổ, nhà thờ Mẫu, cổng Tam quan, tượng phật và các công trình bài trí bên ngoài khác.
Phải nói rằng quá trình xây dựng chùa là một chặng đường đầy gian nan của nhà chùa và nhân dân làng Hạc Oa, để ngày hôm nay chúng ta có một ngôi chùa to lớn, khang trang và bề thế, trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Công lao to lớn đó thuộc về sư thầy Thích Nữ Đàm Hương, trụ trì chùa hiện nay. Để ngày nay khi tới chùa người ta không khỏi kính trọng sự nguy nga của một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, hấp dẫn du khách.