Công tác bảo tồn các di tích.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 102 - 109)

- Nhớ về Đền nhà Lê là nhân dân nhớ về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

3.3.2. Công tác bảo tồn các di tích.

Hệ thống các di tích đền, chùa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam. Việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di tích này trong việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và văn hoá của nhân dân, xây dựng nền văn hoá mới và con

người mới xã hội chủ nghĩa, làm giàu đẹp kho tàng di sản văn hoá dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá thế giới.

Hiện nay, mọi di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh đều được Nhà nước bảo vệ. Nhà nước khuyến khích các tập thể, cá nhân có những sáng kiến, phát hiện và các công trình nghiên cứu khoa học nhằm góp phần thực hiện chính sách quan trọng này. Từ đó những luận điểm cơ bản của Pháp lệnh năm 1984 của Hội đồng Nhà nước đã được cụ thể hóa và nâng lên thành điều luật, thể hiện trong luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tháng 11- 2001, trong đó quy dịnh rõ về mặt nội dung cũng như công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Với bộ luật Di sản văn hóa được ban hành nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các di tích.

Nhằm thực hiện chủ trương trên, hiện nay các cấp, các ngành từ Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du lịch, cho đến Phòng Văn Hóa – Thông Tin thành phố Thanh Hóa, đã phối kết hợp với các địa phương cùng nhau tiến hành khảo sát, đánh giá lại một cách toàn diện hệ thống các di tích nói chung và các đền, chùa nói riêng. Qua quá trình đó, đã đánh giá lại cụ thể thực trạng các di tích, xem xét trên nhiều mặt và đề ra được những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn và tiến hành trùng tu, tôn tạo lại các di tích đó.

Với tầm vóc là di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích đền Lê đã được nhà nước phê duyệt hàng chục tỉ đồng nhằm xây dựng và cải tạo lại hệ thống di tích này. Hiện nay, trong đền Lê có nhiều công trình được xây mới và khôi phục lại gần như nguyên ven cảnh quan trước đây. Ban quản lý di tích đền được thành lập với đội ngũ cán bộ trẻ có nhiệt huyết cùng với sự tăng cường

quản lý của các cấp ngành làm cho đền Lê ngày càng khang trang hơn, xứng tầm với vị trí và vai trò của mình.

Đối với di tích đền thờ Lê Thành, hiện nay ban lãnh đạo địa phương cũng đang tiến hành cho khôi phục lại diện mạo của đền, đưa hệ thống tượng thờ vào trong đền thờ tự. Tiến hành dự án mở rộng đường vào trong đền và đặc biệt là đang chuẩn bị khảo sát lại các tư liệu để tiến hành viết một tác phẩm về di tích đền thờ Lê Thành.

Chùa Tăng Phúc, một ngôi bị tàn phá mất mát rất nhiều sau chiến tranh, nhưng dưới sự cố gắng của nhà sư Đàm Hương, ngôi chùa đã được xây dựng lại hoàn toàn, tuy vậy vẫn giữ được nét giá trị truyền thống. Hiện nay, chùa Tăng Phúc là ngôi chùa có quy mô xây dựng vào loại hoành tráng nhất trong tỉnh, thu hút được đông đảo các tăng ni Phật tử các nơi về tụng kinh lễ Phật.

Các chùa Hương Quang và Mật Đa nằm trong quần thể di tích Hàm Rồng – Nam Ngạn, được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vì vậy nhìn chung các di tích này được quan tâm đầu tư đặc biệt, cơ sở vật chất tại các chùa rất tốt, hệ thống tượng Phật được khôi phục đầy đủ, cảnh quan chùa được cải tạo rất đẹp mắt mang lại dáng vẻ thanh tao của nơi cửa Phật từ bi.

Trong số các ngôi chùa trên địa bàn thành phố hiện nay thì chùa Đại Bi sau nhiều năm bị xuống cấp và có phần bị lấn chiếm sử dụng thì hiện nay thực hiện chủ trương của nhà nước, các cấp – ngành đang quan tâm đầu tư xây dựng, phục hồi lại chùa với nhiều hạng mục được xây dựng như Cổng Tam Quan, nhà thờ Tổ, nhà Mẫu được cải tạo lại, cùng với thắng tích núi Kỳ Lân tạo thành cảnh quan hài hòa thơ mộng.

Theo khảo sát hiện nay, nhìn chung các di tích đền, chùa trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã được các cấp, ngành quan tâm và có nhiều các chủ trương đưa ra nhằm bảo vệ, tu bổ các di tích đó. Nhưng hiện tại, do nhiều các yếu tố khác nhau việc thực thi các chủ trương đó vẫn mang tích chất dàn đều

chưa có chủ điểm và triệt để hoàn toàn, công tác quản lý ở một số đền, chùa còn yếu kém chưa đúng mức. Vì vậy, trước thực trạng các di tích ngày càng xuống cấp cần can thiệp để bảo tồn và duy trì các đền, chùa, đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh đó việc phát huy những giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật trong lĩnh vực khai thác du lịch là yêu cầu cần thiết và cần phải có biện pháp cụ thể. Trước tình hình đó, theo tôi các cấp ngành và địa phương cần phối kết hợp và thực hiện một số những nội dung:

- Nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác quản lý di tích, các di tích luôn gắn với một địa danh cụ thể, vì vậy các cấp chính quyền địa phương và các tổ, ban quản lý di tích do địa phương lập ra cần thường xuyên trực tiếp theo dõi, phát hiện tình trạng hư hỏng, bảo vệ cổ vật và phát hiện kịp thời những sai sót khi thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Việc thành lập các tổ bảo vệ bao gồm nhiều thành phần tham gia tại các di tích là điều cần thiết. Ở nhiều di tích, tổ bảo vệ này đã hoạt động có hiệu quả và có uy tín với cộng đồng địa phương.

Các đơn vị quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra di tích để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến giá trị của các di tích.

- Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ để đề nghị các cấp công nhận các di tích còn lại. Các di tích được công nhận sẽ có cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, đồng thời tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Trong việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo, cần sớm có quy hoạch tổng thể cho toàn bộ các di tích theo từng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng, để cộng đồng nhận thức đầy đủ, từ đó có thái độ và hành động đúng đắn tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, bên cạnh những biện pháp sử dụng khoa học kỹ thuật, chuyên môn để bảo tồn, gìn giữ thì công tác giáo dục cộng đồng về những di sản ấy cũng là

một điều quan trọng. Nếu cộng đồng hiểu rõ được ý nghĩa, giá trị của di sản, họ sẽ tự hào về di sản của địa phương, của quê hương mình, coi chúng như một phần của đời sống văn hóa tinh thần, từ đó, ý thức bảo vệ di sản của mỗi người sẽ được nâng lên, những hành động làm tổn hại di sản sẽ bị lên án và loại trừ.

- Đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng, qui mô tổ chức các lễ hội. Cần cố định 5 năm tổ chức hội chính một lần, đồng thời duy trì tổ chức lễ tưởng niệm vào các năm lẻ. Các nghi lễ, hoạt động trong lễ hội chính cần được nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư công sức, kinh phí để vừa mang bản sắc truyền thống, vừa thể hiện được hào khí anh hùng, bất khuất của dân tộc ta trước mọi kẻ thù.

- Cần tăng cường sự quảng bá về các di tích nhằm thu hút khách du lịch. Việc quảng bá này đóng vai trò nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị của các di tích, đồng thời giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư cho du lịch thành phố Thanh Hóa. Việc quảng bá cần tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm xuất bản, tờ rơi, biển quảng cáo, thông qua các công ty du lịch.

Tóm lại, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích đền, chùa của thành phố Thanh Hóa được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay, đồng thời tạo nên nguồn nội lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Thanh Hóa.

KẾT LUẬN

Đi sâu vào nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu một số di tích đền, chùa trên địa bàn thành phố Thanh Hóa”, là một mảng nghiên cứu hết sức hấp dẫn, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú của người dân nơi đây. Trong quá trình hình thành và phát triển thành phố Thanh Hóa là trung tâm hội nhập của các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Bên cạnh tín ngưỡng dân gian ăn sâu và bám rễ vào đời sống tinh thần của con người nơi đây thì cư dân thành phố Thanh Hóa cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các tôn giáo ngoại lai trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng và tác động lớn đến đời sống của người dân. Giữa tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các anh hùng dân tộc và Phật giáo tại thành phố Thanh Hóa dường như có những nét tương đồng, giao hòa và bổ sung cho nhau để cùng nhau phát triển. Quá trình đồng hành đó của tín ngưỡng văn hóa dân gian và Phật giáo ở thành phố Thanh Hóa đã tạo nên một lớp văn hóa vật chất và tinh thần mà biểu tượng là những đền, chùa còn tồn tại cho đến ngày nay.

Khi tìm hiểu nghiên cứu mỗi đền, chùa ở đây phần nào cho chúng ta cái nhìn tương đối rõ nét về các giai đoạn phát triển lịch sử của thành phố qua các thời kỳ, để từ đó có được những đánh giá về các bước phát triển của đời sống văn hóa của địa phương này.

Những dấu tích còn lại của các đền, chùa hiện nay chính là những giá trị vật chất cũng như tinh thần đóng vai trò giáo dục giúp cho con người ta trở nên yêu thương gắn bó mật thiết với nhau hơn, yêu quý và trân trọng hơn những giá trị truyền thống của ông cha ta để lại và từ đó phát huy nó lên thành những biểu tượng để cho các thế hệ tiếp bước gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó.

Như vậy với các nội dung chủ yếu như đã trình bày trong luận văn, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của một số công trình, cùng với các nguồn tài

liệu đã thu thập được cho phép chúng tôi có cái nhìn tổng quan và rút ra một số nhận xét như sau:

1. Với lịch sử phát triển lâu đời, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thành phố Thanh Hóa ngay từ rất sớm đã có sự cư trú của con người. Trong quá trình cải tạo và chinh phục tự nhiên các cộng đồng người ở đây đã hình thành và ngày càng cố kết chặt chẽ, xây dựng cho mình được một nền văn hóa vật chất và tinh thần phong phú và đa dạng, từ đó tạo thành bản sắc riêng giúp cho địa phương này từ bao đời nay trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả vùng đất xứ Thanh rộng lớn.

2. Trong quá trình phát triển người dân nơi đây đã tôi rèn cho mình ý chí và nghị lực phi thường trong công cuộc đấu tranh trước mọi kẻ thù, cùng với nhân dân cả nước làm nên những chiến công hiển hách trước kẻ xâm lược ngoại bang.

3. Với vị trí vai trò là trung tâm của cả một vùng đất rộng lớn, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển con người thành phố Thanh Hóa với sức sáng tạo và cố gắng của bản thân đã xây dựng nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần phong phú. Trong tổng thể những giá trị đó những công trình văn hóa như đền, chùa nổi bật lên với vị thế là biểu tượng của cả thành phố trong các thời kỳ lịch sử phát triển và trở thành một trong những di sản của văn hóa dân tộc.

4. Qua tìm hiểu những di tích đền chùa cụ thể trên địa bàn thành phố Thanh Hóa giúp chúng ta hiểu sâu sắc về giai đoạn đã qua trong lịch sử dân tộc. Không chỉ có vậy các công trình kiến trúc này còn là những bảo tàng về nghệ thuật, là nơi kết tinh các giá trị văn hóa tâm linh và cố kết cộng đồng cũng là tiềm năng để phát triển kinh tế ở địa phương.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố thanh hóa (Trang 102 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w