Điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước ≥ 2cm bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trên máy modulith SLX f2 (Trang 100 - 102)

Tán sỏi ngoài cơ thể luôn được coi là phương pháp điều trị ST hiệu quả, ít sang chấn, những máy phá sỏi thế hệ đầu tiên thường phải gây mê toàn thân, các máy thế hệ mới đã có nhiều cải tiến nên ít gây đau hơn do chúng có vùng hội tụ sóng nhỏ, điện áp cao vừa phải đủ để phá sỏi, vì vậy giảm đáng kể các trường hợp phải gây mê hoặc gây tê vùng, nên giảm được thời gian cũng như chi phí điều trị. Nếu giảm đau không tốt sẽ gây khó khăn cho việc định vị sỏi vì BN giãy dụa, dịch chuyển tư thế do bị đau, dẫn đến sỏi vỡ kém, tổn thương các cơ quan lân cận do định vị không chính xác [103], [106].

Đau từ lâu đã được coi là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả điều trị ST bằng TSNCT, theo Yilmaz (2005): sóng xung tác dụng trực tiếp vào các thụ cảm thể đau ở dưới da, làm căng bao thận, tăng áp lực bể thận gây đau, hơn nữa sự di chuyển của mảnh sỏi vỡ, sự tác động của sóng xung đến xương sườn 12 cũng góp phần gây đau cho BN, ngoài ra: loại máy tán, số xung sử dụng, cường độ tán, tuổi, giới và thể trạng của BN cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến đau [139]. Theo Berwin (2009) đau là do sóng xung kích thích vào bề mặt các cấu trúc: da, cơ hoặc những cấu trúc ở sâu hơn như xương sườn, thần kinh liên sườn, thần kinh hông to, bao thận. Có 3 yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sự lan truyền cảm giác đau là: áp lực sóng xung, kích thước vùng tiêu cự và mật độ sóng xung tại vị trí đi vào cơ thể của sóng xung, ngoài ra kích thước và vị trí sỏi cũng ảnh hưởng tới cảm giác đau của BN, tác giả cũng nhấn mạnh: với một phẫu thuật viên kinh nghiệm điều cần thiết nhất là phải kiểm soát được đau trong tán, vì vậy nên tăng áp lực tán dần dần để BN thích ứng dần với cảm giác đau[42]. Vergnolles (2009) cho rằng những yếu tố nguy cơ gây đau trong TSNCT là: tuổi trẻ, sỏi bị xương sườn 12 che lấp, BN bồn chồn lo lắng, những BN tán lại và đậm độ sỏi đồng nhất[137].

Thuốc giảm đau thường dùng trong TSNCT là các thuốc giảm đau gây nghiện nhóm Opioid, thuốc ngủ an thần, thuốc chống viêm nonsteroid (NSAIDS) và các loại kem gây tê cục bộ như EMLA, đôi khi vẫn phải sử

dụng các kỹ thuật: như gây mê, gây tê vùng, giảm đau đường tiêm tĩnh mạch hay dưới da, giảm đau có điều khiển hoặc MAC (monited anesthesia care). Mặc dù hiệu quả giảm đau của các thuốc nhóm opioid rất tốt nhưng có một số tác dụng phụ như: ức chế hô hấp, giảm nhịp tim, hạ huyết áp, buồn nôn, nôn mửa và thời gian hồi phục kéo dài, vì vậy cần phải kiểm tra định kỳ độ bão hòa oxy nhất là khi kết hợp với thuốc an thần.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, toàn bộ số BN đặt sonde JJ trước tán đều thực hiện trong phòng mổ dưới gây tê tủy sống sau đó chuyển ngay xuống phòng tán để tán sỏi và không dùng thêm bất cứ thuốc giảm đau nào khác. Với BN không đặt sonde JJ hoặc tán lại chúng tôi dùng Dolargan 0,1 x 1 ống pha loãng thành 10 ml, tiêm bắp 5ml trước tán khoảng 10 phút, số còn lại để bổ xung trong tán nếu BN đau nhiều. Như vậy 168 BN có 130 BN (77,4%) gây tê tủy sống, 38 BN (22,6%) dùng Dolargan, 100% số BN đều an toàn không có biến chứng do vô cảm, kết quả giảm đau tốt, không có BN nào phải bỏ dở tán do đau. Xem xét phương pháp vô cảm trong TSNCT của các tác giả khác như: Trần Ngọc Nghị, Đỗ Phú Đông, Lê Xuân Tân, Nguyễn Bửu Triều, Nguyễn Việt Cường với tỷ lệ tiền mê đơn thuần chiếm từ 97 - 100% [5], phương pháp vô cảm của chúng tôi khác so với các tác giả trên là do :

- Phần lớn số BN của chúng tôi cần phải đặt sonde JJ trước tán, đây là kỹ thuật đòi hỏi vô trùng tuyệt đối hơn nữa kỹ thuật này cũng gây đau nhiều cần phải vô cảm tốt.

- Kích thước sỏi của chúng tôi lớn hơn vì vậy cần nhiều xung và áp lực tán cao hơn nên sẽ gây đau nhiều hơn.

Gây tê tủy sống sẽ làm cho BN hoàn toàn không đau, bất động tốt, tạo điều kiện thuận lợi để định vị sỏi, nhanh chóng nâng áp lực tán lên mức hiệu quả mà không làm BN đau, rút ngắn thời gian tán, hạn chế những xung không hiệu quả nên giảm được số xung sử dụng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước ≥ 2cm bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trên máy modulith SLX f2 (Trang 100 - 102)