Tỷ lệ tắc nghẽn NQ do các mảnh sỏi vỡ sau tán gặp ở 27/168 BN (16,1%), vị trí tắc nghẽn nhiều nhất ở NQ dưới (66,7%), sau đó đến NQ trên (25,9%) và ít nhất là NQ giữa (7,4%).
- Kích thước và diện tích bề mặt sỏi tăng cũng làm tăng tỷ lệ tắc nghẽn, với kích thước sỏi 20 - 30 mm, 31 - 40 và > 40 mm có tỷ lệ tắc nghẽn NQ tương ứng là 8,3%, 23,4% và 32%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,0044. Tương tự với diện tích bề mặt sỏi ≤ 300, 301 - 500, 501 - 700 và > 700 mm2
có tỷ lệ tắc nghẽn lần lượt là 3,9%, 15,9%, 22,2% và 33,3%, sự khác biệt có ý nghĩa với p = 0,0064. So sánh kích thước và diện tích bề mặt sỏi giữa 2 nhóm có và không có tắc nghẽn cho thấy có sự khác biệt với p = 0,0006, p = 0,0022.
Tắc nghẽn NQ sau tán thường có tính chất tạm thời và có thể tự đào thải được, tỷ lệ tắc nghẽn nói chung khoảng 6 - 20% [110], phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là kích thước sỏi. Sulaiman (1999) [124]
nghiên cứu trên 1087 BN ST có kích thước từ 10 - 95mm cho thấy: tỷ lệ tắc nghẽn NQ phụ thuộc nhiều vào kích thước sỏi, với sỏi 10 - 19mm tỷ lệ tắc nghẽn là 4%, 20 - 29mm là 14% và > 30 mm là 30%. Vị trí tắc nghẽn hay gặp nhất là NQ dưới 72%, NQ trên 18% và NQ giữa 10%. Sayed (2001)[125] nghiên cứu 885 sỏi niệu (650 ST và 235 SNQ) cũng thấy tỷ lệ tắc nghẽn liên quan rất lớn đến kích thước sỏi: 289 sỏi < 1cm chỉ có 1 BN (0,3%) bị tắc nghẽn, sỏi 1 - 2 cm là 28/396 BN (7,1%) và sỏi 2 - 3 cm là 23/200 BN (11,5%), vị trí tắc nghẽn gặp nhiều nhất là NQ dưới 64%, NQ trên 29% và NQ giữa là 8%. Madbouly (2002)[94] cho rằng các yếu tố làm tăng tỷ lệ tắc nghẽn là: sỏi có kích thước > 2cm, thận ứ nước và cường độ tán > 22 KV.
- Tỷ lệ tắc nghẽn NQ của nhóm không đặt sonde JJ (28,9%) cao hơn đáng kể so với nhóm đặt sonde JJ (12,3%) với p = 0,0109 ; OR = 0,3445 và RR = 0,4252 cho thấy đặt sonde JJ trước tán có thể giảm được phần nào biến chứng tắc nghẽn NQ do các mảnh sỏi vỡ. Theo chúng tôi nếu không đặt sonde JJ các mảnh sỏi vụn sau tán trút xuống NQ một cách ồ ạt nên không kịp đào thải dẫn đến tắc NQ, ngược lại những trường hợp có sonde JJ các mảnh vỡ được đào thải một cách từ từ trong khi NQ bị giãn do tác động của JJ tạo điều kiện cho mảnh sỏi đào thải dễ dàng hơn vì vậy sẽ hạn chế được tỷ lệ tắc nghẽn.
Al-Awadi (1999) cho rằng đặt sonde JJ trước tán sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tắc nghẽn NQ ở những BN sỏi thận có kích thước 1,5 - 3,5 cm[34]. Sulaiman (1999) cũng thấy rằng đặt sonde JJ trước tán với những sỏi > 2 cm giảm đáng kể tỷ lệ tắc NQ (15% so với 38%) với p < 0,05 [124].
Kết quả điều trị bảo tồn của chúng tôi là 14/27 BN (51,9%), TSNCT là 5/27 BN (18,4%), nội soi NQ tán sỏi 6/27 (22,2%) và mổ mở 2/27 (7,5%), 2 trường hợp mổ mở: 1 bị thủng NQ trong quá trình nội soi NQ tán sỏi, 1 mổ mở để xử trí tắc nghẽn và khối máu tụ quanh thận. Kết quả này cũng phù hợp với phần lớn các tác giả khác như Mahmoud (2003)[97]. Sayed (2001)[125]. Khoảng 2/3 các trường hợp tắc nghẽn sẽ tự đào thải được, nếu sau khoảng 3 -
4 tuần điều trị nội khoa thất bại nên mở thông dẫn lưu thận ra da để giảm áp lực bể thận, chống phù nề niêm mạc NQ và chống nhiễm trùng, tạo điều kiện cho nhu động NQ được tái lập để tống các mảnh sỏi nhỏ ra ngoài, nếu vẫn thất bại nên xem xét tới các phương pháp khác như TSNCT, nội soi NQ ngược dòng tán sỏi, TSTQD hay mổ mở. Chỉ định can thiệp tùy thuộc vào vị trí, kích thước của cột sỏi, mức độ tắc nghẽn, nhiễm trùng v.v.v.
Coptcoat chia tắc nghẽn NQ do mảnh sỏi sau tán thành 3 loại: loại 1 gồm toàn những mảnh sỏi nhỏ (d ≤ 2mm), loại 2 gồm 1 mảnh sỏi lớn (d ≈ 4 - 5mm) nằm ở dưới cùng gây tắc NQ sau đó những mảnh nhỏ (2 - 3mm) tiếp tục chồng lên trên tạo thành cột, loại 3 gồm nhiều mảnh sỏi lớn chồng lên nhau. Xử trí tắc nghẽn: loại 1 chủ yếu được điều trị bảo tồn, loại 2 có thể sử dụng TSNCT hoặc nội soi NQ tán viên sỏi lớn gây tắc nghẽn, loại 3 sử dụng TSNCT, nội soi NQ ngược dòng tán sỏi, TSTQD. Mổ mở thường chiếm khoảng 2% các trường hợp tắc nghẽn có triệu chứng [125].