Kết hợp tán sỏi bằng xung hơi qua nội soi niệu quản ngược dòng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước ≥ 2cm bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trên máy modulith SLX f2 (Trang 110 - 112)

Trong thực tế nhiều viên sỏi nút chặt bể thận gây khó khăn cho việc đặt sonde JJ, nhiều trường hợp phải đẩy sỏi vào bể thận hoặc tán vỡ phần đầu sỏi nút, đẩy sỏi vào bể thận sau đó tiến hành đặt JJ. Tại bệnh viện chúng tôi quy trình đặt sonde JJ trước tán được thực hiện trong phòng mổ bằng máy soi niệu quản, dưới gây tê tủy sống nên thuận tiện cho các thao tác với sỏi như tán hoặc đẩy sỏi. Với những trường hợp sỏi nút chúng tôi dùng máy tán sỏi bằng xung hơi để tán phần sỏi nút vào bể thận sau đó đẩy sỏi vào hoàn toàn trong,

đặt sonde JJ và chuyển ngay xuống phòng tán sỏi ngoài cơ thể. Tiến hành so sánh giữa nhóm sỏi nút (có kết hợp tán sỏi bằng xung hơi) 46/168 BN: 27,4% và nhóm sỏi còn lại (122/168 BN chiếm 72,6%) cho thấy:

- Số xung lần 1/1BN của nhóm kết hợp tán sỏi bằng xung hơi (2832 ± 927 xung) ít hơn nhóm sỏi còn lại (3806 ± 101), sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,01.

- Số xung tổng/1 BN của nhóm kết hợp tán sỏi bằng xung hơi (3861 ± 1640 xung) cũng ít hơn so với nhóm sỏi còn lại (7235 ± 3232 xung), sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

- Cường độ tán trung bình của nhóm kết hợp (834,78 ± 67,38 bar) thấp hơn so với nhóm còn lại (850 ± 75,24 bar), nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,2312

- 100% nhóm sỏi kết hợp tán bằng xung hơi vỡ thành mảnh ≤ 4mm so với 90,1% của nhóm sỏi còn lại với p = 0,0156

- Tỷ lệ sạch sỏi là 91,3% ở nhóm kết hợp so với 57,4% nhóm còn lại, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

Janson Hafron và cộng sự (2005) cho rằng kết hợp nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng Holmium laser với TSNCT trên máy Storz - Modulith SLX có thể thay thế cho TSTQD. Tác giả đã điều trị cho 14 BN có tuổi trung bình 52,7 (34 - 81 tuổi), kích thước sỏi trung bình 847 mm2 (58 - 1850 mm2), kết quả: trong 14 BN có 1 BN bị tử vong do nguyên nhân khác không liên quan tới nghiên cứu, còn lại 13 BN: tỷ lệ sach sỏi 10/13 BN (76,9%), tỷ lệ thành công (mảnh ≤ 4mm) là 11/13 BN (84,6%)[75]. Tabasi (2007) điều trị 55 BN sỏi thận có kích thước 2 - 3 cm (các BN không muốn làm hoặc có chống chỉ định với TSTQD, những BN có bệnh lý tim mạch, hô hấp không thể nằm sấp hoặc không phù hợp với việc gây mê kéo dài), BN được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 gồm 22 BN điều trị bằng nội soi niệu quản

ngược dòng tán sỏi, đặt sonde JJ kết hợp với tán sỏi ngoài cơ thể, nhóm 2 gồm 33 BN đặt sonde JJ và TSNCT, kết quả điều trị: tỷ lệ thành công của nhóm 1 và 2 lần lượt là 77,3% và 42,4%, tỷ lệ sạch sỏi của nhóm 1 cao hơn nhóm 2 (p = 0,01), chi phí điều trị là 4000 USD/1 BN ở nhóm 1 so với 3700 USD/1 BN nhóm 2. Tác giả cho rằng trong nhiều trường hợp không thể làm được TSTQD (BN không muốn, có chống chỉ định với TSTQD, do gây mê, cơ sở không đủ trang thiết bị hoặc do phẫu thuật viên không quen với kỹ thuật TSTQD) thì nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, đặt sonde JJ kết hợp TSNCT là một lựa chọn an toàn, hợp lý có thể thay thế TSTQD để điều trị những sỏi thận lớn với lợi thế không phải chọc đường qua da nên loại bỏ được các biến chứng có liên quan đến nó, hơn nữa BN không phải nằm sấp sẽ thuận tiện hơn với nhiều BN [134].

Trong nghiên cứu chúng tôi có sử dụng máy tán sỏi xung hơi để tán phần sỏi nút chặt bể thận để dễ dàng đặt sonde JJ nhưng kết quả so với nhóm sỏi còn lại cũng cho thấy giảm được số xung sử dụng, tăng mức độ vỡ của sỏi và tăng tỷ lệ sạch sỏi, điều này phần nào cho thấy lợi ích của việc kết hợp nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi và TSNCT.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước ≥ 2cm bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trên máy modulith SLX f2 (Trang 110 - 112)