Khi mới giành được độc lập, nền kinh tế Malaysia ở trong tình trạng thấp kém. Cơ cấu kinh tế rất mất cân đối, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, năm 1960 nông nghiệp chiếm 34,6% GDP. Nông nghiệp trong tình trạng độc canh, trồng trọt chủ yếu là cây cao su nên Malaysia vẫn phải nhập khẩu lương thực (năm 1961 phải nhập 2/3 lượng lương thực tiêu dùng trong nước). Công nghiệp còn rất nhỏ bé, sản lượng công nghiệp chế tạo năm 1961 chỉ chiếm 8,5% GNP, công nghiệp khai thác chiếm 5,9% GNP (Nguyễn Trọng Nghĩa, 2004). Giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp hầu như không có quan hệ tác động qua lại. Hoạt động xuất khẩu của Malaysia đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhưng lại lệ thuộc vào tư bản nước ngoài, mà chủ yếu là tư bản Anh. Nguồn cao su và thiếc chiếm 80% giá trị xuất khẩu của nước này. Đứng trước thực trạng kinh tế khó khăn, Malaysia lựa chọn con đường CNH đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Quá trình CNH, HĐH ở Malaysia trải qua 3 giai đoạn chủ yếu sau:
1.2.3.1. Giai đoạn thay thế nhập khẩu và lấy nông nghiệp là ngành phát triển chủ đạo (1961-1970)
Khác với một số nước đang phát triển tiến hành CNH lấy công nghiệp làm trọng tâm, sau khi giành độc lập Malaysia tiến CNH lấy nông nghiệp là ngành chủ đạo.
Thời kỳ này Malaysia thực hiện các kế hoạch 5 năm (1961-1965) và (1966-1970). Mục tiêu CNH giai đoạn này là tăng nhanh sản lượng lương thực và đa dạng hoá các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đồng thời nâng cao trình độ của ngành chế biến nguyên liệu xuất khẩu và xây dựng các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu. Do vậy, nhà nước đã giành 50% ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đồng thời đầu tư cho một số dự án phát
triển công nghiệp, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn và xây dựng các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh để sơ chế nông phẩm. Chương trình tập trung đầu tư cho nông nghiệp đã mang lại nhiều thành công, mức tăng trưởng hàng năm của nông nghiệp là 5,5% cao nhất ở châu Á trong thập niên 60. Đến năm 1970, Malaysia đã tự túc được 81% nhu cầu lương thực trong nước (Nguyễn Thị Luyến, 1998).
Trong lĩnh vực công nghiệp, Malaysia đã tạo ra hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thay thế nhập khẩu như dệt, may, chế biến gỗ và một số loại máy móc. Từ năm 1961-1970, sản lượng công nghiệp đã tăng 2 lần bình quân hàng năm tăng 13,5%. Cũng trong thời kỳ này, tỷ trọng của sản phẩm gỗ, dầu cọ tăng từ 5,4% và 1,7% lên 16,5% và 5,1%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm liên tục tăng đạt trung bình gần 7%/năm (Nguyễn Thị Luyến, 1998).
1.2.3.2. Giai đoạn đa dạng hoá kinh tế và chiến lược hướng về xuất khẩu (1971-1985)
Trong 3 kế hoạch 5 năm 1971-1975, 1976-1980 và 1981-1985, Malaysia chủ trương xây dựng công nghiệp đa dạng với công nghiệp chế tạo được ưu tiên phát triển. Nhà nước còn chú trọng xây dựng các ngành công nghiệp nặng như chế biến dầu mỏ, luyện kim và mở rộng các cơ sở chế biến xuất khẩu. Vào thời kỳ này, các doanh nghiệp cũng chú trọng hướng về xuấtkhẩu do thị trường nội địa bị giới hạn. Do đó, tỷ trọng hàng xuất khẩu đã tăng từ 11,9% năm 1970 lên 21,7% năm 1980. Đồng thời Malaysia cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngành khai thác và chế biến dầu mỏ nên thu nhập nhờ xuất khẩu dầu mỏ rất đáng kể năm 1970 đạt 164 triệu ringit (chiếm 3,2%) tổng giá trị xuất khẩu), năm 1980 con số này là 6,7 tỷ (chiếm 23,8% tổng giá trị xuất khẩu), năm 1980 con số này là 6,7 tỷ (chiếm 23,8% tổng giá trị xuất khẩu).
1.2.3.3. Giai đoạn đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí (1985-1995)
Bước sang giai đoạn phát triển mới, Chính phủ Malaysia đã soạn thảo kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm (1986-1995). Trong ngành công nghiệp, Chính phủ đề ra kế hoạch phát triển tổng thể với các mục tiêu:
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân của công nghiệp chế tạo khoảng 9%/năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6%/năm. Tăng cường phát triển công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nguyên liệu trong nước được ưu tiên phát triển.
- Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích nghiên cứu triển khai tại xí nghiệp để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, rút ngắn thời gian từ khâu nghiên cứu đến khâu áp dụng.
- Khuyến khích giáo dục đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ khoa học kỹ thuật để phát huy tối đa những lợi thế của đất nước (Đỗ Đức Định, 1999).
Từ kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1986-1990), Malaysia đã tập trung ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp nặng, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu trong nước sẵn có như xi mang, sắt thép… Các ngành công nghiệp quan trọng khác như điện, cơ khí chế tạo cũng được chú trọng đầu tư phát triển với việc áp dụng công nghệ mới. 50 nhóm sản phẩm trong các ngành sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên liệu tại chỗ như cao su, dầu cọ, gỗ, thực phẩm, khai khoáng, điện tử, dệt may… được ưu tiên phát triển sản xuất, đặc biệt phục vụ xuất khẩu. Trong sự phát triển công nghiệp, Chính phủ Malaysia đặc biệt chú trọng đầu tư vào khu vực tư nhân, coi khu vực này là chủ đạo của nền kinh tế. Chính phủ đã chi một lượng vốn lớn cho
hoạt động nghiên cứu triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tiến hành nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Nhờ tích cực thực hiện các chính sách phát triển trên, nền kinh tế Malaysia đã tăng trưởng với tốc độ cao, trong đó ngành công nghiệp chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao hơn (năm cao nhất là 1989 đạt 25,1%) (Ngô Đăng Thành, 2009).
Trên cơ sở đó, xuất khẩu của Malaysia đã có sự tăng nhanh với xu hướng giảm dần xuất khẩu nguyên liệu, tăng dần các sản phẩm công nghiệp chế tạo (điện tử) và nông sản chế biến như cao su, ca cao, dầu cọ, hạt tiêu, … Năm xuất khẩu cao nhất (1989) đạt 67,8 tỷ USD bằng 71,5% GDP. Theo các nhà phân tích kinh tế thì Malaysia đã bước đầu chuyển từ nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu sang nền công nghiệp có hàm lượng khoa học cao hướng về xuất khẩu. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đạt được, theo Viện nghiên cứu kinh tế Malaysia (MIER), nền kinh tế nước ngày còn gặp phải những yếu kém cần khắc phục như: nguồn nhân lực bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm, trong khi giá nhân công tăng lên; khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế của Malaysia còn hạn chế; đầu tư cho nghiên cứu triển khai còn thấp. Đó cũng chính là những thách thức trong điều chỉnh nhằm tiếp tục CNH trong bối cảnh hội nhập kinh tế (Phùng Xuân Nhạ, 1998).
Từ năm 1995- nay, Malaysia đã lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp theo hướng phân tán với quy mô vừa và nhỏ ở đô thị và nông thôn để đẩy nhanh tốc độ sử dụng các nguồn lực sẵn có của lãnh thổ, thông qua huy động nguồn lực tại chỗ (vốn, lao động, tài nguyên). Do đó đã thúc đẩy sự hình thành các liên hợp nông- công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp. Do sự phát triển công nghiệp xen kẽ, nên không còn ranh giới rõ rệt giữa thành thị và nông thôn, thu hút được lực lượng dư thừa ở nông thôn, làm cho nhiều hộ nông dân từ thuần nông trở thành hộ kiêm
ngành nghề. Cơ cấu kinh tế nông thôn Malaysia có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, với 91% số hộ nông dân tham gia hoạt động công nghiệp, dịch vụ và thu nhập từ các hoạt động này chiếm 70% tổng thu nhập của các hộ nông dân. Có thể hình dung các bước đi của CNH Malaysia theo một quy trình khép kín như sau: nông nghiệp - công nghiệp - công nghiệp - nông thôn - nông nghiệp. Quy trình đó luôn gắn với mục tiêu giải phóng lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm xã hội, tăng thu nhập cho nông dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa thành thị với nông thôn, khắc phục được xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị. Đó là bài học đáng giá về sự lựa chọn bước đi của quá trình CNH Malaysia (Ngô Đăng Thành, 2009).