KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 166 - 170)

1. Kết luận

1.1 Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển, trở thành một huyện trọng điểm kinh tế công nghiệp của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 15,2%/năm, tỷ trọng các ngành CN - TTCN, TM - DV trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh, thực hiện mục tiêu CNH, HĐH. Huyện có tốc độ CNH cao, trong 10 năm đã hình thành 3 KCN tập trung của tỉnh, 2 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với tổng diện tích 1.129,0 ha, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 1.183 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10.597 lao động. Theo tốc độ tăng bình quân, đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN chiếm 65-70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện, giá trị xuất khẩu chiếm 85- 90% khẳng định vị trí, vai trò quyết định sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.

1.2 Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, được khai thác và sử dụng theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, đặc biệt là đất trồng lúa. Từ 10.996,6 ha (năm 2000) xuống còn 8.592,57ha, chiếm 55,49% (năm 2010). Với mô hình thâm canh lúa- màu đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân khoảng hơn 100 triệu/ha. Quá trình CNH còn thúc đẩy khả năng tích tụ ruộng đất, quy mô sử dụng đất nông nghiệp của huyện có xu hướng tăng tỷ lệ có từ 1 ha trở lên và giảm tỷ lệ quy mô nhỏ hơn 0,5 ha. Bình quân đất nông nghiệp toàn huyện là 615,8m2/người. Diện tích đất thu hồi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp là 1.129,00 ha, trong đó đất nông nghiệp là 1.076,77 ha. Các khu vực nông thôn thực hiện CNH nhanh đang tạo cơ hội về nhu cầu nông sản tại chỗ để

cung cấp cho khối lượng lớn lao động phi nông nghiệp. Một lượng lớn đất phải chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp nhưng đất nông nghiệp vẫn còn đủ để phát triển. Ở đây có thể thấy, một quy luật mới xuất hiện là nông nghiệp trong đô thị. Khu dân cư nông thôn có phong cách sống đô thị làm nông nghiệp là một phương thức mới đòi hỏi nông sản phù hợp nhu cầu; năng suất, sản lượng, chất lượng cao. Nông nghiệp trong hoàn cảnh này cần thay đổi phương thức canh tác trên cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, dựa vào động lực từ các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

1.3 Chỉ tiêu diện tích đất nông nghiệp/người giảm nhưng diện tích đất nông nghiệp/lao động nông nghiệp tăng đặc biệt là các tiểu vùng lân cận khu công nghiệp. Điều này chứng tỏ CNH tạo việc làm (ngành nghề phi nông nghiệp) cho các tiểu vùng lân cận. Các tiểu vùng lân cận có hiện tượng thiếu lao động nông nghiệp do di dân cơ học vào tiểu vùng có tốc độ CNH cao. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại các tiểu vùng lân cận có xu hướng giảm hơn so với tiểu vùng có tốc độ CNH cao, do diện tích đất nông nghiệp không giảm nhưng người dân giảm đầu tư, chuyển đổi nghề nghiệp, chỉ còn lao động lớn tuổi nên sản xuất kém hiệu quả. Như vậy, cư dân nông thôn chiếm tỷ trọng cao (95,7%) nhưng lao động ở khu vực nông thôn có tỷ trọng thấp hơn nhiều (63,8%). Từ đây có thể suy ra rằng các huyện thuần nông như Quế Võ khi thực hiện CNH luôn phải đối mặt với vấn đề xã hội là cư dân nông thôn già hóa nhanh hơn. Chính sách an sinh xã hội cần hoạch định phù hợp với hoàn cảnh này. Một mặt chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực phi nông nghiệp cần lực lượng lao động nông nghiệp có chất lượng cao nhưng mặt khác là quá trình tìm động lực mới cho kinh tế nông nghiệp.

1.4 Đời sống người dân huyện Quế Võ có thay đổi đáng kể. Nhu cầu về nhà ở của người nông dân đã được đáp ứng phần nào nhờ có tiền BT khi bị thu hồi đất. 33% số người bị thu hồi đất được học nghề; 41% sử dụng tiền BT

cho con cái học hành; 45% có thu nhập trung bình giảm hơn so với trước khi bị thu hồi đất; thu nhập vẫn tập trung vào trồng trọt là chủ yếu (44,5%); 14% lao động đã được làm tại các KCN địa phương. Nhà ở có xu hướng khang trang, hiện đại với 43,2% có nhà mái bằng một tầng. Như vậy, song song với quá trình CNH là quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa không chỉ thể hiện ở việc thành lập các khu đô thị gắn liền với các KCN mà nó còn thể hiện ở phương thức phát triển cách sống đô thị tại các khu dân cư nông thôn. Đây vừa là biểu hiện tích cực vừa là biểu hiện tiêu cực. Nâng mức sống ở nông thôn theo phong cách đô thị là tích cực nhưng tìm cách nâng mức sống mà mất sinh kế do mất đất lại là một biểu hiện tiêu cực. Cần có một hệ thống chính sách từ phương thức BT, thu hồi đất tới tìm động lực mới cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần được đặt ra cụ thể đối với địa phương.

1.5 Việc xử lý chất thải tại các KCN chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tính trạng gây ô nhiễm môi trường. Không khí, nước thải tại một số khu vực trong KCN có nhiều chỉ tiêu vượt quá quy định cho phép. BOD5 trong nước thải vượt quy định cao nhất là 1,04 lần - 1,20 lần. Hàm lượng Pb cũng vượt quy chuẩn cho phép từ 1,13 đến 1,24 lần. Chỉ tiêu Cd trong các mẫu đều vượt quy chuẩn cho phép, vượt cao nhất là 8,6 lần. Chỉ tiêu NO2, SO2, CO trong không khí, nước mặt tại một số khu vực trong khu dân cư nằm dưới quy định cho phép, riêng nồng độ bụi là vượt quá xa tiêu chuẩn, cao nhất là gấp 6 lần so với tiêu chuẩn (1,81mg/m3). Các vị trí nằm càng xa khu công nghiệp thì nồng độ các chất ô nhiễm càng thấp.

1.6 Trên cở sở các đánh giá nói trên đề xuất 3 nhóm giải pháp về chính sách, quy hoạch, tài chính để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân trong quá trình CNH, có thể áp dụng cho các địa phương phát triển công nghiệp hóa nhanh trong hoàn cảnh là một huyện thuần nông tương tự Quế Võ.

2. Kiến nghị

2.1 UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Quế Võ cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, cần quy hoạch và hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hoá và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, KCN chế biến nông sản hàng hoá và phát triển ngành nghề. Việc dự báo và xác định nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp phải trên cơ sở khoa học tránh quy hoạch tràn lan, gây lãng phí đất.

2.3 Chính quyền địa phương cần tiếp tục quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa có năng suất cao. Trên cơ sở huy động vốn tự có trong nhân dân là chính, cần có chính sách ưu đãi, HT vùng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đầu tư nguồn ngân sách của địa phương để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt trong khu vực nông thôn.

2.4 Chính quyền địa phương phối kết hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý chặt chẽ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư và trong KCN tập trung Quế Võ. Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm quy định về thải chất gây ô nhiễm môi trường.

2.5 Các cấp, các ngành trung ương và địa phương cần tiếp tục có những nghiên cứu về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân trong quá trình CNH mạnh mẽ như hiện nay. Tiếp tục có những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn để đánh giá, phân tích các quy luật tác động của quá trình CNH đến đất nông nghiệp và cư dân nông thôn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 166 - 170)