Công nghiệp hoá ở Thái Lan

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 33)

So với các nước đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản hoặc các nước công nghiệp mới (NICs), Thái Lan là nước chậm phát triển về công nghiệp. Tuy vậy, nước này đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, cũng như HĐH nền kinh tế.

1.2.1.1. Giai đoạn 1954-1971

Tháng 10 năm 1954, Thái Lan đã công bố "Dự luật khuyến khích phát triển công nghiệp" và bắt đầu xúc tiến CNH với việc thành lập Ban đầu năm 1959. Thực thi chính sách nghiêng về phát triển công nghiệp nhằm dùng CNH làm động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế. Trong suốt những năm 60 qua 2 kế hoạch 5 năm (1961-1966), kế hoạch (1967-1971) Thái Lan nhấn mạnh vào việc phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu, với đặc trưng chủ yếu hướng vào thị trường trong nước. Nhà nước đã có những chính sách bảo hộ công nghiệp trong nước, khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu và lao động trong nước. Do vậy, công nghiệp trong nước đã có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở các lĩnh vực: dệt, hoá chất, chế biến thực phẩm…

Trong suốt thập kỷ 60, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Tuy vậy, chính sách CNH hướng nội ở Thái Lan cũng đã bộc lộ những hạn chế sau đây:

- Do công nghệ hạn chế, Thái Lan vẫn phải nhập máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất và nguyên liệu thô. Điều này có nghĩa là chính sách thay thế nhập khẩu không đạt được mục đích đề ra mà chỉ làm thay đổi cơ cấu nhập khẩu.

- Chính sách thay thế nhập khẩu còn tác động đến việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên trong nước do kỹ thuật lạc hậu và trình độ quản lý kinh tế yếu kém, chi phí lao động cao, năng suất thấp.

- Thực hiện chiến lược này, nhà nước đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của nền kinh tế và chính sách thay thế nhập khẩu làm cho công nghiệp trong nước phát triển chậm chạp, trì trệ do thiếu động lực cạnh tranh.

1.2.1.2. Giai đoạn 1972- 1990

Để khắc phục những hạn chế của chiến lược hướng nội, Thái Lan đã hoạch định lại chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ 1972 Thái Lan đã chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu. Các kế hoạch 5 năm 1972-1976, 1977-1981, 1982-1986, 1987-1990, 1991-1995 đã thực hiện điều chỉnh sự phát triển của công nghiệp nhằm tranh thủ các nhân tố thuận lợi bên ngoài kết hợp với việc sử dụng các lợi thế trong nước để đa dạng hoá trong sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nhà nước đã có những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình CNH như khuyến khích đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu và kinh doanh nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Từ cuối thập kỷ 80, Thái Lan đã lấy CNH chất làm trọng tâm, chú ý đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, coi dầu tư nước ngoài là động lực để phát triển kinh tế. Để thực hiện chiến lược CNH hướng về xuất khẩu, Thái Lan vừa chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực vừa nhập khẩu công nghệ mới từ Nhật Bản và phương Tây. Thực tế cho thấy việc chuyển hướng chiến lược trong CNH đã mang lại những thành công đáng chú ý:

- Trong thập kỷ 70, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khá cao trung bình 10%/ năm, từ 1980-1990 đạt 7,6%; 1991-1995 là 8,6%.

- Từ 1987-1990, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp Thái Lan bình quân là 15% (Võ Đại Lược, 1999)

1.2.1.3. Giai đoạn 1990 – nay

Những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có chững lại nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp vẫn có xu hướng

tăng. Ngoại thương Thái Lan có xuất khẩu tăng nhanh, thu nhập quốc dân của Thái Lan cũng tăng nhanh đến năm 1998 đạt bình quân đầu người 2.450 USD. Trong quá trình CNH, HĐH cơ cấu kinh tế của Thái Lan đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên.

Sau hơn ba thập kỷ phát triển nhanh chóng, kinh tế Thái Lan đã bộc lộ những hạn chế. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ nhập khẩu. Trong phát triển, có tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa quy mô đầu tư và khả năng tài chính. Tình trạng quá nóng của nền kinh tế, đặc biệt từ giữa thập kỷ 90, khiến nợ nước ngoài của Thái Lan gia tăng. Trong hoàn cảnh ấy, vai trò điều tiết, kiểm soát của hệ thống tài chính, ngân hàng trong đầu tư và cung ứng tiền tệ bộc lộ nhiều yếu kém. Đó chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Thái Lan và lan rộng sang các nước Đông Nam Á và Đông Á vừa qua. Đối phó với tình hình ấy, Thái Lan buộc phải thực hiện điều chỉnh chiến lược công nghiệp hoá. Chính vì vậy từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, Thái Lan đã xây dựng mô hình CHN lấy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Có thể nhận thấy sự kết hợp khéo léo giữa mục tiêu CNH và thu hút đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Chính sách thu hút FDI của Thái Lan rất năng động, liên tục được điều chỉnh để thích nghi với từng thời kỳ phát triển đất nước. Điểm nổi bật của chính sách này là thông thoáng và bộ máy thực hiện rất có hiệu quả. Thái Lan luôn xác định nước thu hút đầu tư trọng điểm, từ đó, xây dựng các bộ phận chuyên trách riêng biệt cho từng nguồn xuất xứ của nhà đầu tư. Chính sự chuyên môn hóa và tổ chức này đã đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch khác nhau, giúp cho Thái Lan thành công trong mục tiêu xây dựng một nước CNH của Châu Á. (Ngô Đăng Thành, 2009).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 33)