Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 71 - 75)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường

3.1.1.1. Vị trí địa lý và ranh giới hành chính

Quế Võ là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Bắc Ninh, trong vùng Đồng bằng sông Hồng, cách thành phố Bắc Ninh 10km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây Nam. Toạ độ địa lý của huyện nằm trong khoảng từ 21004’00” đến 21011’00” độ vĩ Bắc và từ 106005’50” đến 106017’30” độ kinh Đông. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:

- Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang;

- Phía Nam giáp huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; - Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương;

- Phía Tây giáp huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trước khi điều chỉnh địa giới hành chính có 24 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 23 xã, với diện tích đất tự nhiên là 17.793,39 ha.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 60/2007/NĐ- CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay huyện Quế Võ có 01 thị trấn và 20 xã với diện tích đất tự nhiên là 15.484,82 ha.

Quế Võ có quốc lộ 18 Nội Bài - Quảng Ninh dài 22km chạy qua là cầu nối phát triển kinh tế xã hội giữa các nhóm thành viên của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,

Cùng với hệ thống đường tỉnh lộ 291 dài 21km và các đường liên xã dài 219km, hình thành lên mạng lưới giao thông rất thuận lợi thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá và tiêu thụ sản phẩm giữa các vùng trong tỉnh.

Huyện Quế Võ có vị trí địa lý gần thành phố Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, đây là những thị trường rộng lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ và tiếp thị thuận lợi các sản phẩm hàng hoá đối với mọi miền đất nước và cũng là thị trường tiêu thụ trực tiếp các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống...

Với vị trí địa lý thuận lợi như vậy huyện Quế Võ có đủ điều kiện phát huy tiềm năng đất đai, và các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại - dịch vụ (TM-DV) theo xu thế CNH, HĐH.

3.1.1.2. Địa hình, địa chất a) Địa hình

Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Quế Võ tương đối bằng phẳng. Hầu hết diện tích đất trong huyện đều có độ dốc <30 (trừ một số đồi núi thấp ở xã Phù Lương, Phù Lãng có độ cao tương đối từ 20-80m, chiếm diện tích nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên). Địa hình vùng đồng bằng có xu hướng nghiêng ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ chênh cao so với mặt nước biển trung bình từ 3-5m.

Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các KCN, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

b) Địa chất

Đặc điểm địa chất huyện Quế Võ tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Quế Võ mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dầy trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc.

3.1.1.3. Khí hậu, thuỷ văn

Quế Võ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích.

3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên a) Tài nguyên đất

Theo kết quả điều tra bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh được xây dựng năm 2003 có bổ sung trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 của huyện và sau khi có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính thì đất đai huyện Quế Võ bao gồm 8 loại đất (bảng 3.1)

- Tính chất vật lý: có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, kết cấu viên hạt dung tích hấp thụ cao. Đất có ưu thế trong thâm canh lúa và trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày (đất tơi xốp, làm đất dễ, đất thoát nước tốt).

- Tính chất hóa học: tỷ lệ mùn ở mức trung bình đến khá; đạm tổng số từ khá đến giàu; lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo; kali từ nghèo đến trung bình. Độc tố trong đất hầu như chỉ có ở đất gley bao gồm các dạng khí CH4, H2S.

Bảng 3.1. Phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh huyện Quế Võ

STT Loại đất Diện tích

(ha)

Tỷ lệ (%)

1 Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống

sông Hồng 3.564,50 23,02

2 Đất phù sa không được bồi của hệ thống

sông Hồng và sông Thái Bình 1.126,55 7,28 3 Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng 4.267,00 27,56 4 Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng 3.108,77 17,58

5 Đất phù sa úng nước 985,70 6,37

6 Đất xám bạc màu trên phù sa cổ 570,80 3,69

7 Đất xám bạc mầu gley 1.861,50 12,02

8 Đất vàng trên đá dăm cuội kết 387,21 2,50

Tổng số 15.484,82 100,00

Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Võ b) Tài nguyên nước

* Nguồn nước mặt: Quế Võ là huyện có nguồn nước mặt lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi 2 mặt: phía Bắc huyện là sông Cầu, phía Nam là sông Đuống. Ngoài ra còn có các ao, hồ, đầm, được phân bố rộng khắp tại các xã trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng như quá trình cải tạo đất.

* Nguồn nước ngầm: Theo kết quả thăm dò, khảo sát, đánh giá trữ lượng nước ngầm của tỉnh năm 2005 và thực tế sử dụng nước của người dân trong huyện cho thấy mực nước ngầm có độ sâu trung bình từ 3-7m, chất lượng nước tốt, không ô nhiễm, các chỉ số phân tích nước tại các xã, thị trấn trong huyện đều nằm trong giới hạn cho phép sử dụng, nhân dân có thể khai

thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt và tưới cho các cây trồng tại các vườn gia đình trong mùa khô, góp phần tăng sản phẩm và thu nhập.

c) Tài nguyên khoáng sản

Quế Võ là một huyện nghèo về khoáng sản, chủ yếu chỉ có đất sét làm gạch và gốm sứ với trữ lượng thấp được phân bố chủ yếu ở làng nghề sản xuất đồ gốm xã Phù Lãng. Ngoài ra còn có cát tại các xã ven sông với khối lượng ít nhưng vẫn có thể khai thác để phục vụ cho xây dựng.

3.1.1.5. Cảnh quan, môi trường

Cảnh quan môi trường huyện Quế Võ mang những đặc điểm chung của vùng đồng bằng Bắc bộ với các cánh đồng, hệ thống kênh mương, ao hồ dày đặc. Cùng với các sông lớn là sông Cầu, sông Đuống chảy dọc từ đầu huyện tới cuối huyện tạo ra cảnh quan thơ mộng, mang nét đẹp riêng biệt của vùng quê Kinh Bắc, trên bến dưới thuyền.

Trong những năm gần đây tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện diễn ra rất nhanh, nhất là khu, cụm công nghiệp của tỉnh, các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn huyện đã phát sinh thêm nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt là chất thải, khí thải công nghiệp của các nhà máy xí nghiệp, các phương tiện giao thông gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vị trí địa lý tiếp giáp gần với nhà máy nhiệt điện Phả Lại hàng ngày cũng chịu tác động rất lớn từ chất thải của nhà máy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân, nhất là ở các xã phía Bắc của huyện Quế Võ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của quá trình công nghiệp hóa đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đời sống người dân huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)