1.4.1.1. Công nghiệp hóa làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực
Quá trình CNH diễn ra đã làm ra tăng các KCN, KCX từ đó cũng kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, kinh doanh phát triển theo. Do đó kinh tế ở những khu vực chịu tác động của CNH cũng thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây CNH là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trong GDP. Nhiều tỉnh thuần nông trước đây nhờ phát triển KCN nhanh mà trở thành những tỉnh công nghiệp có “tên tuổi” như: Vĩnh phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… (Bộ Kế hoạch và đầu tư - Vụ Quản lý các Khu kinh tế, 2011).
Đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng, góp phần làm thay đổi về cơ cấu diện tích gieo trồng và cơ cấu giá trị sản xuất. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp, sử dụng nhiều lao động đang có xu hướng giảm dần diện tích. Các loại cây cần ít lao động hơn và cho giá trị kinh tế cao hơn đang được tăng dần diện tích canh tác. Trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thì xu hướng chung là giảm dần tỉ trọng của ngành trồng trọt và tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi.
1.4.1.2. Cơ hội việc làm được mở rộng
Việc phát triển KCN đã tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ (kể cả số lao động của những hộ gia đình bị thu hồi đất) và lao động nhập cư.
Những năm gần đây, lực lượng lao động trong KCN gia tăng mạnh mẽ gắn liền với sự gia tăng của các KCN thành lập mới và mở rộng. Điều đó đồng nghĩa với số cơ hội việc làm có thu nhập ổn định ở các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN cho lao động nông thôn tăng lên, đặc biệt là với những thanh niên và những lao động đã qua đào tạo. Mặt khác, khi các KCN phát triển, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phát triển, dẫn đến người nông dân có nhiều cơ hội được tiếp cận với nhiều công việc tự do, công việc thời vụ để tăng thêm thu nhập cho nông hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn đã qua đào tạo còn ít, thiếu đồng bộ, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, đang là rào cản cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, văn minh và bền vững. Tại các KCN, phần lớn lao động vừa mới thoát ra khỏi đồng ruộng hoặc các trường phổ thông chưa qua đào tạo ngành nghề cơ bản. Tình trạng thiếu việc làm trong thời vụ trong bối cảnh các công ty thiếu lao động làm thuê đang là vấn đề bất cập hiện nay ở nông thôn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2009).
1.4.1.3. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp và xây mới
Quá trình CNH thường dẫn đến mở rộng các KCN, phát triển các ngành kinh doanh, dịch vụ nên đòi hỏi cơ sở hạ tầng ở khu vực đó phải thuận tiện và phát triển. Ở những vùng nông thôn, khi chưa có các KCN, người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên cơ sở hạ tầng
nông thôn ít được đầu tư, thường chỉ là đường đất, nhà cấp 4… Khi công nghiệp và các loại hình kinh doanh dịch vụ phát triển thì việc xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn là vấn đề tất yếu. Chính vì vậy, trong tiến trình CNH nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng thuận tiện để việc giao thương vận chuyển được dễ dàng hơn (Nguyễn Kế Tuấn, 2006).
Thực tế cho thấy ở nhiều những khu vực được chọn để xây dựng và phát triển các KCN thì thường là những nơi gần các tuyến đường giao thông chính, dễ đi lại hoặc gần những trung tâm kinh tế, các thành phố, thị xã, thị trấn nên cơ sở hạ tầng cũng dễ được quan tâm đầu tư hơn những nơi khác.
1.4.1.4. Trình độ dân trí được nâng lên
CNH và đô thị hóa là hai quá trình làm thay đổi lớn cuộc sống của người dân vùng nông thôn chịu tác động. Sự gia tăng của các KCN, KCX đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều hình thức sản xuất kinh doanh mới với nhiều công nghệ và kĩ thuật hiện đại. Nó đòi hỏi người lao động phải có một trình độ nhất định thì mới theo kịp. Nếu như trước đây, một lao động ở khu vực nông thôn chỉ cần học hết cấp II là có thể tham gia vào sản xuất nông nghiệp một cách dễ dàng thì khi có các KCN, người lao động muốn vào làm việc tại các công ty phải ít nhất có trình độ hết cấp III hoặc phải qua đào tạo một nghề phù hợp với vị trí yêu cầu... Chính vì nhu cầu lao động có trình độ và bằng cấp gia tăng đã đòi hỏi lớp lao động trẻ kế cận phải đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ bình quân của người nông dân sau CNH lên rất nhiều (Đặng Kim Sơn, 2008).
Trong giai đoạn nền kinh tế đang phát triển như hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang dần không còn đủ đáp ứng nhu cầu của những lao động nông thôn, đặc biệt là những thanh niên trẻ, cộng thêm sự tác động từ những chính sách của nhà nước về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến
khích trẻ em đi học đào tạo nghề và phát triển nghề mới… đã góp phần thúc đẩy lực lượng lao động trẻ tham gia học tập nhiều hơn và ở trình độ cao hơn so với trước đây. Hiện nay, thanh niên bước vào độ tuổi lao động chủ yếu đã học hết cấp III, rất nhiều thanh niên đã tiếp tục học lên trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc học thêm một nghề nào đó với mong ước tìm được một công việc ổn định trong tương lai.