b. Cụ thể hoá công tác quản trị đối với hoạt động thẩm định cho vay ngắn hạn khách hàng doanh nghiệp
3.3.4. Kiến nghị với Agribank Việt Nam
Để thực hiện tốt công tác thẩm định, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế những chi phí phát sinh từ rủi ro hoạt động tín dụng gây ra, nhất là rủi ro sau khi cho vay ngân hàng bị mất vốn, Agribank Việt Nam cần thực hiện những giải pháp quản trị tín dụng ngay từ khâu thẩm định. Tuy nhiên, hệ thống Agribank chưa có quy trình thẩm định cho vay ngắn hạn đối với KHDN, do đó hoạt động này gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức thẩm định. Để công tác thẩm định được tổ chức thực hiện một các có hiệu quả, các chi nhánh Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Agribank Việt Nam về những hoạt động thiết thực sau đây:
- Xây dựng quy trình thẩm định tổng quát, có kèm theo các hướng dẫn chi tiết về các nội dung thẩm định, mang tính pháp lý bắt buộc phải tuân thủ
Xây dựng quy trình thẩm định chung, kèm theo các phụ lục hướng dẫn cụ thể về thẩm định từng lĩnh vực kinh tế, ngành nghề, loại hình doanh nghiệp, địa bàn hoạt động…Nội dung các Phụ lục có hướng dẫn cụ thể các bước thẩm định, cách thu thập thông tin, đơn vị phối hợp, hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ, dự đoán rủi ro cho việc đưa ra quyết định tín dụng.
+ Quy định cụ thể cán bộ nghiệp vụ tham gia quy trình thẩm định không thuộc bộ phận/phòng Tín dụng.
+ Tránh những cụm từ có thể gây tranh cãi như “thẩm định sơ bộ”, “thẩm định độc lập” mà phải quy định rõ ràng công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng phòng, từng bộ phận, từng cá nhân.
+ Các bước thẩm định phải được xây dựng một cách chi tiết, rõ ràng, cụ thể đến từng loại hình doanh nghiệp. Trong đó đặt ra các chỉ số chất lượng
tín dụng cho từng doanh nghiệp ứng với các mức cho vay, mức lãi suất cộng biên độ chi phí theo mức rủi ro tín dụng, hệ thống các chỉ số và giới hạn có tính cảnh báo, tính chuẩn mực để thống nhất đánh giá chất lượng tín dụng của khoản vay.
Khi quy trình thẩm định được xây dựng đảm bảo tính pháp lý, rõ ràng, cụ thể nội dung, phương pháp thẩm định sẽ tạo thuận lợi cho CBTĐ chủ động trong việc tính toán, so sánh, phân tích và đưa ra kết luận chính xác nhất. Đồng thời hạn chế việc phải phối hợp với nhiều phòng ban, cán bộ có liên quan làm phân tán hiệu quả phân tích, xung đột lợi ích. Quy trình cụ thể sẽ dễ dàng kiểm tra, giám sát các rủi ro tín dụng, nhất là tránh tình trạng tiêu cực đối với CBTĐ khi muốn gây khó cho doanh nghiệp vì mục đích cá nhân.
- Quy định thời gian thẩm định cụ thể theo phân loại PAV, có xem xét mức độ rủi ro của từng PAV
Agribank đã có quy định về thời gian thẩm định tối đa đối với cho vay ngắn hạn nhưng mới chỉ quy định chung cho tất cả các trường hợp và không phân loại khách hàng. Do đó, thời gian qua bên cạnh những kết quả khả quan trong thẩm định cho vay nhưng cũng đã nảy sinh những tuỳ tiện và tiêu cực tại các Chi nhánh. Để khắc phục những tồn tại này, Agribank cần quy định cụ thể về thời gian thẩm định cho vay ngắn hạn, có phân biệt riêng đối với KHDN, kết hợp những khung thời gian phù hợp với từng loại PAV, mức cho vay và tính phức tạp của PAV; hoặc quy định mức thời gian thẩm định chung về cho vay KHDN, và yêu cầu các Chi nhánh Agribank phải xây dựng các khung thời gian thẩm định cụ thể phù hợp với mức độ đơn giản hay phức tạp của từng khoản vay, phân loại khách hàng doanh nghiệp.
Đối với cho vay ngắn hạn KHDN, thời gian thẩm định cần quy định linh hoạt hơn. Một số doanh nghiệp quy mô hoạt động SXKD nhỏ tương đương hộ gia đình, thời gian thẩm định giới hạn từ 1-2 ngày; các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động SXKD đa ngành nghề, đặc biệt khi quan hệ tín dụng lần đầu tại
Agribank thì thời gian thẩm định có thể kéo từ 5 – 10 ngày hoặc kéo dài hơn. Chính vì vậy, khi quy định thời gian thẩm định cho vay ngắn hạn KHDN, Agribank cần xem xét trên cơ sở phân loại PAV cho phù hợp.
- Quy định về chi phí tài trợ cho công tác thẩm định
Agribank Việt Nam có quy định cụ thể về việc trích lập quỹ tài trợ tài chính cho công tác thẩm định. Mức trích dựa trên cơ sở kế hoạch do các Chi nhánh Agribank xây dựng, căn cứ doanh số thực hiện thẩm định của kỳ trước, cộng biên độ điều chỉnh tăng/giảm phù hợp. Đồng thời cho phép sử dụng quỹ tài trợ với tỷ lệ phù hợp nhằm giúp các chi nhánh Agribank được chủ động trong việc tài trợ tài chính đối với hoạt động thẩm định như đào tạo, tập huấn, chi phí tư vấn kiến thức luật, kinh tế, thương mại và các hoạt động hỗ trợ khác, nhằm loại trừ kiểu quản trị “mất bò mới lo làm chuồng”.
- Xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ thẩm định, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ thẩm định hàng năm
Tạo điều kiện cho CBTĐ được tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm của các ngân hàng hiện đại trong và ngoài nước. Tổ chức hội thảo về công tác thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp trong toàn bộ hệ thống để có những ý kiến đóng góp nhằm tìm ra những điểm chưa được còn tồn tại và đưa ra biện pháp khắc phục. Từ đó chuẩn hóa quy trình thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp trong toàn hệ thống.
Quan tâm nhiều hơn nữa việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho mỗi cán bộ, có chế độ lương bổng phù hợp với công sức làm việc của mỗi cán bộ.
- Thực hiện các biện pháp chế tài đối với những sai phạm trong công tác thẩm định
Để thể hiện tính nghiêm túc, đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình sai phạm trong công tác thẩm định, điều quan trọng là Agribank xây dựng cụ thể các khung phạt ứng với từng mức độ sai phạm, căn cứ theo quy
trình thẩm định. Chẳng hạn như: sai phạm trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn khách hàng không đầy đủ; thiếu trách nhiệm trong quá trình thu thập thông tin; cố tình làm sai lệch kết quả thẩm định để cho vay các PAV kém hiệu quả…Mục đích là để cán bộ tham gia công tác thẩm định ý thức về tính tuân thủ, trách nhiệm của mình trong từng công đoạn thẩm định cho vay.
- Thành lập kho dữ liệu, cung cấp nguồn thông tin có mức độ tin cậy cao cho toàn hệ thống Agribank
+ Xây dựng một hệ thống thông tin thông suốt toàn hệ thống, cập nhật đầy đủ các thông tin đáng tin cậy để sử dụng cho quá trình thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp.
+ Xây dựng mối quan hệ tốt với các Sở, Ban, Ngành tạo môi trường tốt co cán bộ thẩm định khi hợp tác để khai thác, thu thập nguồn dữ liệu một cách nhanh chóng, hiệu quả cho công tác thẩm định cho vay.
+ Thường xuyên cập nhật các thông tin có tính hệ thống về pháp luật, quy chế, quy định của Ngân hàng Nhà nước, của Agribank. Đồng thời chú trọng hơn nữa các thông tin ngoại ngành như thông tin ngành nghề, lĩnh vực đang có triển vọng hoặc đang có xu hướng thu hẹp, hạn chế phát triển…
- Điều chỉnh quy trình chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ cho phù hợp thực tế ở các chi nhánh Agribank
Xếp hạng tín dụng nội bộ là công tác đo lường một khách hàng vay vốn, vì vậy Agribank Việt Nam cần nghiên cứu các chỉ tiêu đánh giá phù hợp với tình hình SXKD của từng loại hình doanh nghiệp để thiết kế bảng chỉ tiêu đo lường, đồng thời nâng cao công tác xếp hạng tín dụng nội bộ cho mỗi cán bộ thực hiện công tác chấm điểm.
+ Bỏ yêu cầu chấm điểm chỉ tiêu khả năng trả nợ trung dài hạn trong chương trình RMS đối với khách hàng doanh nghiệp chỉ vay vốn ngắn hạn.
+ Xây dựng chương trình chấm điểm tự động một số chỉ tiêu đánh giá về quan hệ tín dụng, tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp.
+ Hồ sơ chấm điểm, xếp hạng đối với doanh nghiệp cần có quy định cho phép sử dụng các BCTC, các thông tin khác được đăng tải trên các website của doanh nghiệp, hoặc khai thác từ các phương tiện thông tin đại chúng mà các chi nhánh Agribank chứng minh được nguồn gốc khai thác.
+ Các chỉ tiêu mà DNVVN không có thì cần phải ghi chú là điều kiện không bắt buộc (nếu có) và tính điểm thấp nhất để kết quả chấm điểm được khả quan và xếp hạng doanh nghiệp được tốt hơn.
+ Xây dựng chỉ tiêu chấm điểm phù hợp đối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH quy mô nhỏ. Vì lý do hàng quý các doanh nghiệp này không lập BCTC; BCTC hàng năm không có Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Số liệu trên các BCTC thường không chính xác. Chương trình chấm điểm nên phân loại chấm điểm đối với doanh nghiệp có BCTC được kiểm toán; những doanh nghiệp nhỏ thì chấm điểm theo những tiêu chí trên Bảng cân đối tài sản, Bảng kết quả kinh doanh, không cần nhập số liệu báo cáo lưu chuyển tiền tệ và chấm điểm các chỉ tiêu liên quan. Hơn nữa một số DN có dư nợ ≤ 500 triệu đồng, hoạt động giống như hộ gia đình nên thông tin từ các BCTC chưa đánh giá đúng thực trạng của các doanh nghiệp đó, việc cung cấp cũng không lập kịp thời và chỉ mang tín hình thức. Do đó Agribank chỉ xây dựng các chỉ tiêu chấm điểm đơn giản như đối với chấm điểm hộ gia đình.
KẾT LUẬN
Đặc điểm hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là hoạt động tín dụng. Để hạn chế sự đổ vỡ có tính dây chuyền của hệ thống ngân hàng, NHNN và các NHTM luôn nỗ lực xây dựng hệ thống quản lý, đa dạng các giải pháp trong hoạt động tín dụng nhằm ngăn ngừa những rủi ro làm phát sinh nợ xấu, đặc biệt kiểm soát, giám sát chặt chẽ các khoản nợ có khả năng gây mất vốn. Một trong những giải pháp tín dụng quan trọng nhất đó là hoàn thiện công tác thẩm định cho vay, vì thẩm định tốt có thể hạn chế được những rủi ro trong tầm kiểm soát của con người, ngăn chặn một cách sớm nhất những phương án/kế hoạch sảm xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Thẩm định cho vay là một hoạt động quan trọng trong việc ra quyết định cho vay của ngân hàng thương mại. Không thể cho vay chỉ dựa trên đề nghị tài trợ chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, ngân hàng cần xem xét tính hợp lệ, hợp pháp của các nội dung trong đề nghị vay vốn, hiệu quả đối với mục đích sử dụng vốn thực hiện phương án/kế hoạch SXKD, từ đó đưa ra các dự báo rủi ro trước khi quyết định cho vay. Vấn đề đặt ra là ngân hàng thương mại phải xây dựng cho được các giải pháp có hiệu quả thiết thực cao để đo lường chính xác các rủi ro, phát hiện sớm những nhân tố có thể gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được.
Qua nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2012, công tác thẩm định cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp của Agribank CN Đà Nẵng đã đem lại những hiệu quả nhất định trong hoạt động ngân hàng, tuy nhiên Chi nhánh vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số báo cáo thẩm định còn mang tính hình thức, đối phó với quy định tín dụng của Ngân hàng
Nhà nước và của Agribank; một số chỉ tiêu đánh giá chỉ liệt kê chưa thực sự được tập trung phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho việc ra quyết định cấp tín dụng, nhất là đối với các phương án vay vốn mà cán bộ thẩm định ỷ vào tài sản bảo đảm tiền vay. Quy trình thẩm định mới chỉ đánh giá dựa vào các chỉ tiêu định lượng, chưa chú trọng phân tích các chỉ tiêu định tính và các nhân tố tiềm ẩn rủi ro từ bên trong doanh nghiệp, các nhân tố từ bên ngoài tác động đến hoạt động sản suất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với điều kiện thuận lợi cả về môi trường kinh doanh, cơ sở vật chất và khả năng về nội lực, khi Agribank CN Đà Nẵng đã xác định rõ ràng những hạn chế và chú trọng xây dựng hệ thống giải pháp hoàn thiện phù hợp, hiệu quả công tác thẩm định cho vay ngắn hạn khách hàng doanh nghiệp có thể còn đóng góp vào kết quả kinh doanh của Chi nhánh cao hơn nữa. Tuy nhiên để thực hiện được những giải pháp hữu hiệu như mong muốn, Agribank CN Đà Nẵng rất cần đến sự hỗ trợ của các Sở ban ngành từ Trung ương đến địa phương, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Agribank Việt Nam.
Việc xác định những hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thẩm định cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp và một số giải pháp để hoàn thiện, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh của Agribank CN Đà Nẵng được nghiên cứu trong Luận văn này cũng chỉ là những cố gắng ban đầu của tác giả.
Với mong muốn hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu, nhưng do bị chi phối bởi nhiều yếu tố về mặt chủ quan cũng như khách quan, Luận văn này chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Ngoài ra, cũng còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn nhưng bản thân tác giả còn hạn chế về khả năng nghiên cứu khoa học.