Hệ thống thu mua xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam hiện còn khá phức tạp thông qua nhiều trung gian với các đối tác khác nhau như nông dân, thương lái thu mua lúa, cơ sở xay xát, người bán lẻ, người bán buôn, các công ty xuất khẩu lương thực. Nhìn chung quy mô kinh doanh của các đối tượng trên đều nhỏ lẻ. Kể từ năm 1980, Việt Nam đổi mới cơ chế chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của một hệ thống lưu thông lúa gạo tự do. Việc xuất khẩu lúa gạo cũng hoàn toàn tự do. Việt Nam cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo. Năm 2011 chúng ta mở cửa thị trường phân phối gạo, cho phép thương nhân nước ngoài được phép thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân. Cơ chế này thể hiện bước tiến trong mở cửa thị trường lúa gạo ở Việt Nam, góp phần điều tiết giá mặt hàng lúa gạo Việt Nam tiệm cận hơn với thị trường lúa gạo thế giới. Hiện cả nước ta có khoảng hơn 150 đầu mối xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Có thể thấy, số lượng đầu mối xuất khẩu gạo như thế là khá nhiều. Điều đó tạo ra tình trạng chưa đồng nhất về giá cả và chất lượng hạt gạo. Nhà nước đang có chính sách giảm số lượng đầu mối xuất khẩu của Việt Nam xuống để góp phần tăng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, tăng NLCT của mặt hàng gạo cũng như xu thế chung tại các nước xuất khẩu lớn trên thế giới.
Tại thị trường Trung Đông, các DN xuất khẩu của ta chủ yếu cung cấp gạo cho các DN NK gạo nội địa. Điều này dẫn đến tính phụ thuộc rất lớn vào các DN NK này.
Chúng ta chưa chủ động trong việc tìm kiếm những đối tác NK mới và chưa chủ động trong khâu phân phối gạo xuất khẩu của ta tại khu vực thị trường này. Riêng tại thị trường I-rắc, thị trường NK lớn nhất gạo Việt Nam tại khu vực Trung Đông, gạo Việt Nam đa phần được phân phối qua hệ thống phân phối lương thực công cộng của chính phủ do bộ thương mại I-rắc (the Ministry of Trade) đứng ra đấu thầu NK nhằm hỗ trợ cho các người dân nghèo thiếu lương thực trong nước.