Hiện nay, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn tương đối thấp, không đồng đều. Một phần nguyên nhân cho vấn đề trên là do chúng ta chưa có quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên biệt dùng cho xuất khẩu. Hiện nay, công tác tổ chức quản lý nhà nước về sản xuất lúa gạo xuất khẩu còn chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, DN và nhà nông. Nếu chúng ta tổ chức tốt công tác quy hoạch vùng chuyên canh lúa gạo xuất khẩu sẽ giúp cho các địa phương có thể chủ động và định hướng tốt hơn cho địa phương mình trên cơ sở phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên của từng vùng, đồng thời sản xuất ra những loại gạo chất lượng cao và ổn định phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng sản xuất lúa xuất khẩu còn góp phần
đảm bảo lợi ích cho DN xuất khẩu và nông dân trồng lúa. Đối với DN xuất khẩu, DN có được nguồn cung ứng lúa gạo chất lượng tốt và ổn định, từ đó DN có thể chủ động chào giá lúa gạo xuất khẩu, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng gạo cung ứng ra thị trường thế giới, tạo được uy tín và hình ảnh cho DN xuất khẩu. Đối với hộ nông dân trồng lúa có thể cải thiện thu nhập của mình, có đầu ra tin cậy cho sản phẩm lúa gạo mình sản xuất.
Như vậy, có thể thấy rằng việc quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo là một giải pháp rất tốt cho việc tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam, góp phần nâng cao NLCT XK của mặt hàng gạo trên thị trường thế giới cũng như riêng tại thị trường Trung Đông. Để làm được điều này, Cục Trồng trọt cần phối hợp với các địa phương tiến hành qui hoạch và thực hiện. Các địa phương trọng điểm của quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu bao gồm hai vùng đồng bằng trọng điểm là ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và một số khu vực khác.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long
Được xem như “vựa lúa” của Việt Nam, sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL hàng năm giúp đảm bảo lương thực cho 40% dân số và cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy vậy, do quy mô nhỏ lẻ và thiếu sức cạnh tranh nên sản xuất lúa gạo vẫn chưa mang lại hiệu quả cao cho chính người nông dân ở khu vực này. Nhờ vào lợi thế diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước (khoảng 1,5 triệu ha), chủng loại đất đa dạng, hàm lượng dinh dưỡng cao cũng như khí hậu nóng ẩm lượng mưa nhiều và hệ thống kênh rạch chằng chịt nên vùng này phù hợp cho sản xuất nhiều loại giống lúa khác nhau. Tuy nhiên, để tăng chất lượng lúa gạo xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, vùng này nên tập trung chuyên canh các giống lúa chất lượng cao có khối lượng xuất khẩu lớn.
Để tiến hành xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu, cục Trồng trọt cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực qui hoạch thành từng vùng có điều kiện đất đai đặc thù để chọn ra những loại giống lúa chất lượng cao phù hợp cho từng địa phương nhưng phải đảm bảo gieo trồng trên diện tích lớn, tránh hiện tượng gieo trồng đơn lẻ.
Một số diện tích đất ở khu vực ĐBSCL còn bị nhiễm phèn và nhiễm mặn, ngành Nông nghiệp và UBND các tỉnh thành có diện tích đất nhiễm phèn và mặn lớn như Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…cần chỉ đạo nông dân tiến hành cải tạo đất thường xuyên, lựa chọn giống lúa thâm canh trên diện tích lớn theo hình
thức cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở khắc phục được nhược điểm của đất và cho năng suất chất lượng tốt.
Vùng đồng bằng sông Hồng
Sau ĐBSCL, ĐBSH là vựa lúa lớn thứ hai của nước ta. Số đất đai sử dụng cho nông nghiệp là trên 70 vạn ha, chiếm 56% tổng diện tích tự nhiên của vùng, trong đó 70% đất có độ phì từ trung bình trở lên. Nhìn chung, đất đai của Ðồng bằng sông Hồng khá màu mỡ do được phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Tuy vậy, độ phì nhiêu của các loại đất không giống nhau ở khắp mọi nơi. Vùng có lượng nước dồi dào, chất lượng tốt là do sông Hồng và sông Thái Bình cung cấp. Người dân đồng bằng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Đó là vốn rất quý để đẩy mạnh sản xuất. Trên cơ sở những thuận lợi như trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành trong vùng cần qui hoạch phát triển vùng trồng lúa, đặc biệt là các giống lúa đặc sản truyền thống của địa phương như Tám Thơm, Dự Hương… cho giá trị xuất khẩu rất cao. Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực cần có biện pháp hạn chế tình trạng đô thị hoá làm giảm dần diện tích trồng lúa ở khu vực này.
Các khu vực khác
Nhìn chung, điều kiện ở các vùng khác không thuận lợi cho phát triển cây lúa chuyên canh xuất khẩu như diện tích trồng lúa thấp, năng suất thấp, thủy lợi kém, chưa cung cấp đủ nhu cầu lương thực của địa phương. Do đó, các vùng này cần có kế hoạch phát triển cây lúa sao cho đảm bảo nhu cầu lương thực của địa phương, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.