Đảm bảo tốt đời sống cho nông dân

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông (Trang 65 - 67)

Việt Nam luôn tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân hiện nay chưa được đảm bảo. Nghề nông xưa nay vẫn là một trong những ngành nghề lao động vất vả nhất nhưng thu nhập của các hộ nông dân rất bấp bênh và mức sống của người nông dân còn rất thấp. Người nông dân không thiết tha với ruộng nữa. Đây là một mối đe dọa đối với nguồn cung gạo xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo nâng cao NLCT XK của mặt hàng gạo Việt Nam vai trò của Nhà nước trong việc ổn định đời sống của người trống lúa nhằm ổn định nguồn cung lúa gạo là thật sự cần thiết.

Trong những năm qua, người nông dân trồng lúa luôn phải chịu tình trạng “được mùa, mất giá”. Những vụ mùa bội thu dẫn đến lượng cung lúa gạo gia tăng và giá thu mua lúa giảm nhiều. Do đó, Cục Dự trữ quốc gia cần phối hợp với bộ Tài chính để có

chiến lược thu mua lúa gạo cho nông dân trong những lúc giá lúa xuống thấp nhằm tăng cầu lúa gạo, tăng giá lúa trên thị trường, tăng thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, Cục có thể ký hợp đồng thu mua lúa gạo dài hạn với nông dân, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm lúa gạo nhằm giúp người dân an tâm sản xuất. Hơn nữa, chính phủ cần có những giải pháp khắc phục tình trạng phân phối thu nhập không đồng đều giữa khâu sản xuất và khâu phân phối. Trong thời gian qua, một trong những giải pháp được áp dụng là việc đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho nông dân. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, VFA cùng các DN phải phối hợp chặt chẽ trong việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân và có mức giá sàn để đảm bảo nông dân lợi nhuận trên 30%. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện. Thực tế giá thu mua lúa vẫn thấp và có những lúc người nông dân còn bị lỗ. Do đó, bộ Công thương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa giá ký kết hợp đồng, giá thu mua lúa gạo của các DN xuất khẩu, đảm bảo tỉ lệ lãi như qui định cho người dân. Chỉ những hợp đồng thỏa mãn giá gạo xuất khẩu tối thiểu do VFA đưa ra mới được thực hiện. Thêm vào đó, chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN thu mua lúa gạo tạm trữ khi giá lúa xuống thấp bằng cơ chế cấp tín dụng cho DN với lãi suất thấp. Cụ thể, ngân hàng nhà nước quy định cơ chế cho vay và tỉ lễ lãi suất ưu tiên cho các DN thu mua lúa gạo tạm trữ trong giai đoạn giá lúa xuống thấp nhằm tăng cầu lúa gạo đẩy giá lúa lên cao để góp phần tăng thu nhập của nông dân. Có thể thấy rằng biện pháp này mang lại lợi ích cho cả nông dân và DN. Một mặt nông dân có thể bán được lúa gạo với giá cao hơn, mặt khác, DN cũng thu được khoản lời do thu mua lúa gạo tạm trữ và bán với giá cao hơn khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên.

Nghề trồng lúa xưa nay được xem là ngành sản xuất bấp bênh và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Nông dân trồng lúa thường bị mất mùa, thất bát… do thiên tai, hạn hán, dịch bệnh. Do đó, năm 2011 bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tiến hành thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở các địa phương nhằm bảo hiểm rủi ro cho nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện thí điểm, bảo hiểm Nông nghiệp còn nhiều điểm phải cải thiện. Thứ nhất, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân. Thứ hai, giảm phí bảo hiểm và nâng cao mức hỗ trợ bồi thường cho người trồng lúa. Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm trong giai đoạn đầu để người

dân tham gia bảo hiểm rộng rãi hơn và thấy được lợi ích của bảo hiểm, từ đó tạo thói quen tham gia bảo hiểm trồng lúa cho người nông dân.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông (Trang 65 - 67)