Bên cạnh nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến gạo được xem là quá trình làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gạo. Do đó, DN cần chú trọng nâng cao chất lượng khâu chế biến gạo.
DN cần xây dựng các nhà máy xay xát chế biến gạo với công suất lớn, áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm làm giảm tỉ lệ hao hụt trong chế biến, nâng cao chất lượng gạo thành phẩm. DN cần mạnh dạn đầu tư vốn NK các máy xay xát, máy tẩy trắng, máy sàng lọc tạp chất, máy lau bóng gạo, máy bóc vỏ lúa…tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới. Áp dụng các loại máy móc hiện đại với công suất lớn giúp DN tạo ra sản phẩm gạo với chất lượng tốt hơn với cùng một đầu vào và giảm chi phí nhờ thiết bị có công suất lớn. Điều này giúp giảm giá thành gạo thành phẩm xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho gạo của DN.
Bên cạnh đó, DN cần áp dụng hệ thống chế biến gạo xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng ISO, GMP, HACCP hay Global GAP, các tiêu chuẩn chất lượng tổng thể (TQM- Total Quality Management) và những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khác nhằm giúp gạo xuất khẩu Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước trong nhóm GCC và một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng gạo trong khu vực Trung Đông.
Để làm được những điều trên, DN cần tổ chức các buổi huấn luyện cho nhân viên nhà máy chế biến gạo hiểu rõ cách vận hành các máy móc, thiết bị, hiểu và tuân thủ đúng quy trình chất lượng chế biến gạo mà DN đang áp dụng.