Chiến lược, cơ cấu, môi trường cạnh tranh trong ngành

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông (Trang 49 - 52)

• Chiến lược của DN

Hiện nay, hầu như các DN XNK Việt Nam chưa có một chiến lược rõ ràng nào cho việc xuất khẩu gạo.

Thứ nhất là về công tác nghiên cứu thị trường. Các DN trong ngành lúa gạo Việt Nam nói chung cũng như các DN xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Đông nói

riêng vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thị trường nên hoạt động nghiên cứu thị trường tại khu vực này vẫn chưa được quan tâm thích đáng trong thời gian qua. Những hiểu biết của các DN Việt Nam về thị trường Trung Đông còn rất hạn hẹp. Điều đó tạo tâm lý nghi ngại cho DN của Việt Nam trong khâu xác tiến thương mại vào khu vực này. Do đó, việc xuất khẩu của ta tại thị trường này mới chỉ dừng lại ở các hợp đồng nhỏ hoặc các hợp đồng của chính phủ.

Thứ hai là chiến lược nguyên liệu và nguồn cung. Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam chưa có chiến lược rõ ràng và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn cung lúa gạo. Phần lớn các DN khi có nhu cầu xuất khẩu gạo mới tìm mua nguồn lúa gạo thông qua các thương lái và DN thích mua hàng rẻ, hàng trôi nổi hơn mà không chú ý đến nguồn gốc và xuất xứ hạt gạo. DN chưa chủ động trong việc tạo nguồn cung ổn định cho DN mình. Điều này dẫn đến rủi ro cho DN không thể có đủ lượng gạo cho xuất khẩu cũng như chưa kiểm soát được chất lượng gạo khi xuất khẩu.

Thứ ba là về chiến lược giá. Hiện nay, hầu hết các DN của Việt Nam chưa có một chiến lược giá nào để thu hút khách hàng. Việc mua bán phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu của thị trường. Chúng ta XK chỉ dựa vào lợi thế giá rẻ và khả năng cung ứng với số lượng nhiều mà chưa quan tâm đến chiến lược giá để nâng cao NLCT. Bên cạnh đó còn thường xuyên xảy ra tình trạng DN xuất khẩu gạo Việt Nam sẵn sàng bán với giá thấp miễn sao thu được lợi nhuận. Việc làm này gây thiệt hại đến lợi ích của cả người nông dân và ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia. Do đó, các DN Việt Nam cần nghiên cứu nhu cầu thế giới và nguồn cung lúa gạo của mình để có chiến lược xuất khẩu tại thời điểm và mức giá tối ưu. Cần tránh tình trạng xuất khi giá gạo thế giới đang ở mức thấp và khi giá cao thì không chủ động kí kết hợp đồng xuất khẩu.

Thứ tư là chiến lược phân phối gạo xuất khẩu. Tại thị trường Trung Đông, gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất thô thông qua các công ty NK lúa gạo nội địa hoặc thông qua cơ quan XNK quốc gia và được công ty, cơ quan này phân phối đến tay người tiêu dùng. Việc phân phối như vậy giúp chúng ta có thể giảm được chi phí và phân phối gạo vào thị trường dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này làm cho gạo Việt Nam ít được biết tới cũng như các DN xuất khẩu Việt Nam không linh hoạt trong việc nắm bắt được những thay đổi của thị trường.

• Cơ cấu tổ chức và môi trường cạnh tranh

Nước ta hiện nay đang trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nước ta cho phép các thành phần kinh tế tự do, bình đẳng trong sản xuất, mua bán trao đổi hàng hóa. Để làm được điều này, Việt Nam đã không ngừng đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư, sản xuất và XNK để hội nhập tốt hơn với thế giới cũng như tuân thủ các qui định đã cam kết khi gia nhập WTO.

Việc điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ. Nghị định 109/2010/NĐ- CP ngày 4/11/2010 quy định về việc điều hành xuất khẩu gạo: Hàng năm, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước, công bố vào quý IV hàng năm nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu trong năm kế hoạch tiếp theo; cập nhật và thông báo với Bộ Công thương, HHLT VN về tình hình sản xuất, sản lượng, chủng loại theo mùa vụ trong năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chịu trách nhiệm về việc dự báo và tính toán khối lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu sau khi trừ đi các nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu về dự trữ. Đối với những hợp đồng xuất khẩu theo thoả thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (hợp đồng xuất khẩu tập trung), Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và HHLT VN xây dựng cơ chế, tiêu chí để chỉ định thương nhân ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung và chỉ đạo việc thực hiện hợp đồng tập trung. Những hợp đồng này chiếm khoảng trên 50% trong tổng số khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Thương nhân ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng.

Căn cứ các tiêu chí được phép xuất khẩu của DN và quy định do Bộ Công thương ban hành, HHLT VN phân bổ số lượng gạo 80% còn lại của hợp đồng cho các thương nhân khác để thực hiện ủy thác xuất khẩu.

Có thể thấy rằng cơ chế xuất khẩu hiện nay có phần khắc khe hơn so với qui định trước đây là nghị định 12/2006/NĐ-CP. Ở Nghị định 109/2010/ NĐ-CP Nhà nước qui định những điều kiện ràng buộc cho DN xuất khẩu gạo, cơ chế xuất khẩu đối với những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung (thường là những hợp đồng giá trị lớn). Tuy

nhiên, nghị định cho phép mọi thành phần kinh tế nếu đáp ứng được các điều kiện quy định và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông (Trang 49 - 52)