4. Phương pháp nghiên cứu đề tài
2.3.8. Hiệu quả kinh tế của hai mô hình điển hình
Để có thể đánh giá một cách khách quan về kết quả và hiệu quả kinh tế của cây Thanh trà thuần chủng và cây Thanh trà ghép trên gốc bưởi, ta đi vào phân tích và so sánh hai mô hình đại diện sau đây.
- MH1: Hộ bác Hồ Xuân Đài với diện tích 2500 m2, với vườn cây Thanh trà gần 40 tuổi, chỉ sản xuất Thanh trà thuần chủng và bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, có hợp tác với công ty du lịch đưa khách về tham quan và mua tại vườn.
- MH2: Hộ ông Võ Gia Mãng với diện tích 2560 m2, với vườn cây Thanh trà gần 40 tuổi, chỉ sản xuất Thanh trà ghép và bán sản phẩm tự do.
Qua bảng 14 ta thấy nếu người dân biết cách sản xuất và kinh doanh trên những cây Thanh trà thuần chủng như bác Hồ Xuân Đài thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc trồng cây Thanh trà ghép. Mà điều quan trọng hơn là vẫn có thể gìn gữ và bảo tồn được nguồn gen cây trái đặc sản này.
Qua điều tra cho thấy, vốn cây Thanh trà chính gốc quả tuy nhỏ nhưng lại có rất nhiều quả, bình quân 1420 quả/sào/năm. Do được ghép trên gốc bưởi nên cây Thanh trà ghép bị lai một phần nhỏ gen cây bưởi nên có ít quả hơn, bình quân 1410 quả/sào/năm.
Bảng 14: So sánh kết quả và hiệu quả kinh tế của 2 mô hình
đại diện cho việc sản xuất Thanh trà ghép và Thanh trà thuần chủng tính cho một chu kỳ sản xuất (40 năm)
( tính bình quân/sào)
ĐVT: 1000đ
Chỉ tiêu ĐVT MH1 MH2 So sánh
(MH1-MH2)
1. Năng suất Quả/sào 1420 1410 10
2. GTSX (GO) 1000đ 182.300 155.354,4 26.945,6
6. NPV 1000đ 10.802,10 7.950,47 2.851,63
7. IRR % 25 22 -
(Nguồn: số liệu điều tra thực tế năm 2009)
Cây Thanh trà gốc càng lâu năm thì cho quả càng ngon nên những quả Thanh trà thuần chủng trên những cây trong độ tuổi từ 25 - 35 tuổi sẽ bán được với giá rất cao, cao nhất trong toàn bộ chu kỳ sản xuất. Mặc dù những cây trên 35 năm sẽ cho ít quả và quả cũng nhỏ hơn nhưng vẫn bán được với giá cao, do đó giá trị sản xuất trong thời kỳ này tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với cây Thanh trà ghép. Do đó kết quả cả chu kỳ sản xuất của cây Thanh trà thuần chủng sẽ cao hơn. Bình quân 1 sào Thanh trà thuần chủng thu được 182.300 nghìn đồng GTSX, cao hơn 26.945,6 nghìn đồng so với Thanh trà ghép. Trong khi đó tổng chi phí cả chu kỳ sản xuất của cây Thanh trà thuần chủng có cao hơn, bình quân 42.752 nghìn đồng/ sào trong khi cây Thanh trà Ghép là 41.368,5 nghìn đồng/sào, cao hơn Thanh trà ghép 1.383,5 nghìn đồng/ sào tính cho cả chu kỳ (40 năm) nên đây là mức chênh lệch không đáng kể. Lơi nhuận do một chu kỳ sản xuất Thanh trà mang lại cho người sản xuất Thanh trà ghép có kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái là 139.548 nghìn đồng/ sào, còn đối với hộ sản xuất Thanh trà lai bán tự do trên thị trường là 113.985,9 nghìn đồng. Như vậy, lợi nhuận do cây Thanh trà thuần chủng mang lại cho người sản xuất cao hơn so với cây Thanh trà ghép là 25.562,1 nghìn đồng/sào/chu kỳ.
Vì thế mà tỷ số LN/TC của cây Thanh trà thuần chủng mang lại cũng cao hơn so với cây Thanh trà ghép là 0,5 lần.
Thanh trà là cây lâu năm, có chu kỳ sản xuất dài, tỷ suất lợi nhuận/ vốn đầu tư giữa các năm có nhiều khác biệt, để đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án trồng Thanh trà có thể dùng chỉ tiêu hiện tại ròng (NPV - Net Present Value) và tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR - Internal Rate of Return). Việc đưa thêm yếu tố tỷ suất chiết khấu vốn được hiểu là chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn. Thông thường bằng tỷ lệ lãi phải trả cho ngân hàng của người sử dụng vốn. NPV là chỉ tiêu phản ánh quy mô lợi ích của dự án sau khi đã hoàn đủ vốn đầu tư, nó được xác định bằng chênh lệch giữa tổng giá trị hiện tại của các khoản thu nhập ròng và tổng giá trị hiện tại của các khoản kinh phí đầu tư. Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ IRR là tỷ suất chiết khấu mà tỷ suất này hiện giá thu nhập thuần của dự án. Qua bảng 14 ta thấy ở mô hình 1 có NPV = 10.802,10 nghìn
đồng > 0, ở mô hình 2 có NPV = 7.950,47 nghìn đồng > 0, với lãi suất do 2 dự án ở 2 mô hình này tạo ra lần lượt là 25% và 22%, đều cao hơn lãi suất vay ngân hàng để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hiện tại (r = 11,2%/năm) . Như vậy cả hai dự án trồng Thanh trà như trên đều đảm bảo đem lại lợi nhuận cho người dân. Tuy nhiên, NPV của mô hình 1 lớn hơn NPV của mô hình 2 là 2.851,63 nghìn đồng, và IRR cũng lớn hơn mô hình 2. Do vậy dự án trồng Thanh trà thuần chủng kết hợp với hoạt động du lịch sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, cho hiệu quả đầu tư cao hơn so với dự án trồng Thanh trà lai và bán sản phẩm tự do trên thị trường.
Qua phân tích hiện giá đã cho chúng ta thấy một cách chính xác hơn về hiệu quả kinh tế của cây bưởi Thanh trà. Đây là cây ăn quả đặc sản có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn quả khác. Nếu hộ chú ý đầu tư hơn nữa cho hoạt động sản xuất Thanh trà thuần chủng kết hợp với các hoạt động du lịch thì hiệu quả thu được sẽ cao hơn, lợi nhuận mang lại cũng nhiều hơn. Đây là vấn đề cần được quan tâm không chỉ của các cấp, các ngành trong xây dựng đường lối chính sách, hỗ trợ, khuyến khích người dân mà hơn cả đó là vấn đề của chính các hộ nông dân, chính họ phải thay đổi thói quen, mạnh dạn đầu tư thâm canh, tiếp cận và tìm hiểu thị trường để phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá kết hợp với du lịch để nâng cao giá trị của cây đặc sản Thanh trà, đồng thời gìn giữ và bảo tồn được nguồn gen đặc sản quý này.