Giải pháp về vốn

Một phần của tài liệu Khóa luận nghiên cứu về triển vọng phát triển cây thanh trà ở xã thủy biều thành phố huế (Trang 71 - 73)

4. Phương pháp nghiên cứu đề tài

3.2.4.Giải pháp về vốn

Vốn đầu tư là một yếu tố hết sức quan trọng để đẩy nhanh việc mở rộng và phát triển sản xuất Thanh trà vì cây Thanh trà là cây lâu năm có chu kỳ sản xuất dài. Phát triển cây Thanh trà yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cao về giống và phân bón vì thời kỳ kiến thiết cơ bản tương đối dài. Nhưng do cơ hội tiếp cận với các nguồn chính thức, các quỹ hộ trợ phát triển còn hạn chế, bên cạnh đó do tâm lý sợ rủi ro không trả được nợ của người dân nên họ chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Do đó cây Thanh trà chưa được đầu tư đúng mức để phát triển xứng đáng với tiềm năng của nó. Vì vậy trong thời gian tới nhà nước và các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần tích cực tuyên truyền và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với nguồn vốn và tín chấp của đoàn thể với lãi suất ưu đãi. Mặt khác cần vay vốn theo nhu cầu của hộ, có thể căn cứ vào dự án sản xuất cùng với diện tích vốn có của hộ để xem xét định mức và thời hạn cho vay. Khi cho vay vốn cần phải đi kèm dịch vụ vật tư thiết yếu bởi có như vậy mới đảm bảo cho các nông hộ sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả.

3.2.5.Giải pháp về thị trường tiêu thụ và chế biến

Tất cả mọi hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm vật chất thì đầu ra cho sản phẩm là mối quan tâm của mọi nhà sản xuất. Tính đến nay sản phẩm Thanh trà sản xuất ra đều được tiêu thụ hết. Tuy nhiên khi hoàn thành dự án quy hoạch vùng cây ăn quả, khi toàn bộ diện tích cho thu hoạch thì việc giải quyết đầu ra như thế nào là một vấn đề đáng quan tâm của bà con nông dân cũng như của chính quyền địa phương. Để giải quyết vấn đề này tôi xin đưa ra một số giải pháp sau đây:

- Tăng thông tin tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà máy chế biến.

- Tổ chức phân công cán bộ lãnh đạo các cấp theo dõi, định hướng thị trường nông sản cho nông dân.

- Cần có các biện pháp mở rộng quảng bá thương hiệu, đưa thương hiệu Thanh trà Huế đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

- Cần phải đăng ký quảng cáo thương hiệu trên các trang web về hàng nông sản, đưa bài, tranh ảnh lên các tạp chí, tăng cường quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài báo, tivi... Tích cực giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, siêu thị, mở sạp bán hàng tại các địa điểm có nhiều khách du lịch để sản phẩm Thanh trà được mọi người biết đến nhanh và nhiều hơn.

- Cần thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều, gắn kết việc cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất với tiêu chuẩn sản phẩm ổn định; hỗ trợ người sản xuất khi gặp thiên tai, biến động giá cả, giúp người nông dân yên tâm trong sản xuất.

- Cung cấp thông tin cho người sản xuất để người dân không chạy đua mù quáng theo những thông tin lệch lạc ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.

- Lập ra các cơ sở đứng ra thu mua sản phẩm, có thể bao gồm hợp tác xã kết hợp với các tư thương đã có kinh nghiệm trong việc mua bán Thanh trà, tránh tình trạng mua đi bán lại ép giá đối với người nông dân. Tạo thông tin ổn định giữa người mua và người bán.

- Cần đa dạng hóa các sản phẩm từ Thanh trà để sản phẩm không chỉ là quả Thanh trà tươi mà còn là mứt Thanh trà, kẹo Thanh trà, chè Thanh trà và các sản phẩm thuốc Đông dược từ Thanh trà.

- Cần hướng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và ứng dụng kỹ thuật bảo quản để quả Thanh trà có chất lượng cao hơn, thời gian bán lâu hơn, cho giá bán cao hơn.

Một phần của tài liệu Khóa luận nghiên cứu về triển vọng phát triển cây thanh trà ở xã thủy biều thành phố huế (Trang 71 - 73)