Về chính sách đối với giáo viên

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học tỉnh hưng yên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổingày (Trang 76 - 79)

Qua bảng 2.18 trên cho thấy, đa số ý kiến đánh giá về chính sách đối với ĐNGV là tốt và tương đối tốt, có 25.4 % ý kiến là chưa tốt.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các nhà trường là viên chức, công chức nhà nước và chủ yếu trong biên chế nên được hưởng lương từ nguồn Ngân sách Nhà nước, và theo quy định chung cứ 3 năm lại tăng lương 1 lần đối với những giáo viên có bằng cao đẳng, đại học; đối với những giáo viên có bằng THSP 12+2 sau 2 năm được tăng lương. Đồng thời, họ cũng được hưởng mọi chế độ như: thăng chức, nâng lương, chế độ nghỉ an dưỡng, ốm đau, chế độ nghỉ hưu khi đủ điều kiện theo quy định. Có thể nói, trong nhiều năm qua hệ thống chính sách đối với giáo viên tiếp tục được xây dựng, hoàn chỉnh theo hướng ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục phát triển. Các chính sách chủ yếu được thể hiện trong chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, các chính sách đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục, triển khai thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ giáo viên, cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, thực hiện cải cách hành chính trong giáo dục. Đối với tỉnh Hưng Yên, ngoài việc thực hiện chính sách chung của nhà nước, còn có các chính sách riêng của Tỉnh, như: chính sách thu hút người có trình độ cao, có phẩm chất, đạo đức tốt; thu hút những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi hệ chính quy một số ngành của một số trường công lập trong nước; sinh viên có bằng Đại học sư phạm tiểu học chính quy, Thạc sĩ có phẩm chất đạo đức tốt về Tỉnh công tác, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học, ...

Để tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt nhiệm vụ, được phát huy tối đa tài năng sáng tạo của mình, đảm bào được hưởng những quyền lợi chính đáng đồng thời vừa giúp họ thấy rõ bổn phận và trách nhiệm trước tập thể nhà trường và toàn xã hội, các nhà trường đã thực hiện đầy đủ các chính sách theo qui định hiện hành.

- Bố trí, phân công, giao nhiệm vụ và đảm bảo các điều kiện cần thiết để giáo viên thi hành nhiệm vụ, thực hiện chế độ chính sách.

- Cung cấp đầy đủ, cập nhật thông tin chính trị, giáo dục, giảng dạy, tài liệu, sách báo tham khảo; hỗ trợ tổ chức các lớp chuyên đề, ngoại khóa, câu lạc bộ,...tạo điều kiện để giáo viên phát huy hết khả năng của mình trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

- Thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo từng chu kỳ cho đội ngũ giáo viên.

- Đảm bảo chế độ lương, phụ cấp; chế độ đi học nâng cao trình độ mà vẫn được hưởng nguyên lương; chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; được khen thưởng khi có thành tích, được quyền biết rõ nguyên nhân khi bị phê bình; hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, hỷ- hiếu, thăm hỏi ốm đau, chia tay cán bộ, giáo viên nghỉ chế độ hưu; trợ cấp khó khăn đột xuất cho giáo viên,...

- Căn cứ vào nguồn quỹ thực có, nhà trường chi khen thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công tác và thành tích đóng góp cho nhà trường. Các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu thi đua và được các cấp khen thưởng, chi theo chế độ qui định hiện hành. Ngoài ra, nhà trường khen thưởng GVCN có lớp xếp loại tốt; thưởng cho con CB, GV, NV đạt HSG toàn diện, HSG các cấp, thi đỗ ĐH (Chính quy); khen thưởng GV đạt giải hoặc giáo viên có học sinh đạt giải trong các kỳ thi, hội thi các cấp.

- Cuối mỗi năm học, nhà trường hỗ trợ kinh phí và giao cho Công đoàn tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên đi tham quan học tập kinh nghiệm và du lịch.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, hệ thống chính sách về giáo dục nói chung, có thể nói, hệ thống lương của giáo viên ở Việt Nam hiện nay tuy có đổi mới và nâng lên, nhưng vẫn còn thấp và bất cập, chưa thực sự kích thích hết động lực làm việc của ĐNGV.

Mặt khác, các chính sách về tạo động lực, cải thiện đời sống giáo viên đã thể hiện được sự quan tâm đối với ĐNGV nhưng chưa đầy đủ, có những điểm chưa hợp lý, việc thực hiện đã có cố gắng nhưng, hiệu quả chưathực sự cao; cơ chế nâng lương theo niên hạn (3 năm/bậc) và những giáo viên phấn đấu học tập tiếp để có bằng thạc sỹ cũng không được chuyển xếp ngạch, bậc lương cao hơn nên chưa thực sự khuyến khích được giáo viên cố gắng làm việc và học tập nâng cao trình độ; tiền lương và phụ cấp cũng như chế độ hiện hành chưa thực sự đảm bảo cho người giáo viên để họ toàn tâm vì sự nghiệp giáo dục. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan và nảy sinh những tiêu cực trong giáo dục, dẫn tới các hạn chế về phát triển đội ngũ giáo viên, về chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với giáo viên của các nhà trường vẫn chưa tạo được khâu đột phá trong việc góp phần giải quyết mâu thuẫn lớn của giáo dục hiện nay đó là: mâu thuẫn giữa một bên là yêu cầu cao về phát triển qui mô và nâng cao chất lượng với một bên là điều kiện còn hạn hẹp của nguồn lực và những yếu kém của đội ngũ giáo viên như: thiếu đồng bộ, chưa có những đột phá cần thiết về lương, về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên,... nhằm tạo động lực và các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ giáo viên.

Một phần của tài liệu Biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học tỉnh hưng yên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổingày (Trang 76 - 79)