1.6.1. Chủ trương đổi mới chương trình sau năm 2015
Với quan điểm thiết kế chương trình sau năm 2015 của Bộ GD&ĐT đã tiếp cận với xu hướng chủ đạo của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Do định hướng tổng thể, chương trình giáo dục chung sẽ kết thúc vào cuối lớp 9 nên nội dung tất cả các môn học đều phải nhắm tới mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực căn bản. Dự kiến thiết kế môn học của Bộ GD&ĐT, nội dung môn học, kế hoạch dạy học với định hướng chuyển từ quá trình chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong một môn học và phân hoá mạnh ở cuối bậc phổ thông.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, kết quả rà soát chương trình, môn học hiện hành cho thấy có nhiều kiến thức giữa các môn học trùng lặp, không cần thiết, quá khó, thậm chí có tình trạng cùng một môn học thì kiến thức lớp dưới khó hơn lớp trên... Đây là cơ sở thực tế để ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng tích hợp “nhiều môn trong một môn”, chuyển một số môn học sang hoạt động giáo dục, tự chọn nhằm giảm tải, tập trung phát triển năng lực, kỹ năng cần thiết cho người học.
Theo thiết kế nội dung môn học của ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 do Bộ GD&ĐT chủ trì, bậc tiểu học và THCS có những môn học mới được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều môn học cũ. Tiểu học có những môn học được chuyển sang hình thức “hoạt động giáo dục” thay cho kiểu truyền thụ bài học lý thuyết như trước.
Nội dung các môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2, 3) và các môn tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5) sẽ tăng cường thiết kế dưới dạng câu chuyện lịch sử; câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp học sinh có được hiểu biết sơ giản, gần gũi về hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh. Lên tới bậc THCS, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn Lý, Hóa, Sinh, Khoa học về trái đất. Môn khoa học xã hội được tích hợp chủ yếu từ các môn Lịch sử, Địa lý, một số kiến thức kinh tế, xã hội. Nội dung các môn học trên được sắp xếp các chủ đề gần nhau nhằm soi sáng, liên hệ lẫn nhau, đồng thời có thêm các chủ đề vận dụng kiến thức tổng hợp.
Với việc tích hợp nội dung của nhiều môn học trước đây trong một môn mới, chương trình tiểu học và THCS đang xây dựng sẽ không còn một số môn học riêng rẽ như Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Kỹ thuật, Thủ công (Tiểu học), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý (THCS). Ở lớp 1, 2 sẽ chỉ có ba môn học bắt buộc là tiếng Việt, Toán, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội và bốn hoạt động giáo dục. Lớp 3 có các môn bắt buộc là Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 4, 5 có các môn bắt buộc là tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn. Ở bậc THCS chỉ còn bảy môn học bắt buộc (giảm sáu môn so với hiện nay), gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân, công nghệ (bao gồm tin học). Các môn thể dục, hướng nghiệp, nghệ thuật (mỹ thuật và âm nhạc) chuyển thành hoạt động giáo dục là chủ yếu.
Như vậy, chương trình tiểu học sau năm 2015 sẽ giảm số môn học và tăng thời gian học. Theo đề xuất của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sau năm 2015, cấp tiểu học sẽ học 37 tuần/năm học thay vì 35 tuần như hiện nay. Đặc biệt, số môn học sẽ được rút gọn để lớp ít
Hiện nay, chương trình lớp 1 gồm 8 môn học (Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục) và hai hoạt động giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sau năm 2015, học sinh lớp 1 sẽ chỉ phải học ba môn: Tiếng Việt, Toán, Cuộc sống quanh ta. Ngoài ra, các em sẽ được tham gia bốn hoạt động giáo dục: nghệ thuật, thể chất, hoạt động tập thể, tự chọn (bốn hoạt động này sẽ được duy trì trong suốt cấp học). Lên lớp 2, các em được học thêm môn đạo đức, còn môn Cuộc sống quanh ta sẽ được thay bằng môn Tự nhiên & Xã hội. Lên lớp 3, các em được học thêm ngoại ngữ.
Lớp 4 và lớp 5 cũng tương tự như lớp 3, nhưng môn Tự nhiên & Xã hội được tách ra thành hai môn Tìm hiểu Xã hội và Khoa học- Công nghệ.
Như vậy, theo dự thảo kế hoạch giáo dục Việt Nam sau năm 2015, chương trình mới cấp tiểu học sẽ giảm xuống còn 8 môn học và 4 hoạt động giáo dục ( hiện nay là 11 môn học và 3 hoạt động giáo dục).
1.6.2. Sự thay đổi dân số
Số lượng dân và cơ cấu theo giới tính và độ tuổi của dân số giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như xã hội của một quốc gia nói chung và của một vùng nói riêng. Lý do rất dễ thấy là dân số và cơ cấu dân số tác động lên các mặt của đời sống xã hội rất mạnh. Cơ cấu dân số thiên sang trẻ, đời sống xã hội rất dễ bị mất cân đối về y tế, giáo dục, việc làm và đặc biệt là định hướng các hành vi xã hội. Cơ cấu dân số thiên sang già, đời sống xã hội rất dễ bị mất cân đối trong khâu chăm sóc người già, khám chữa bệnh và đặc biệt là thiếu nhân lực cho nền kinh tế.
Hiện nay, dân số Hưng Yên đang tăng nhẹ, đặc biệt việc tăng dân số cơ học ở các khu công nghiệp, khu đô thị. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy học của các nhà trường.