Hưng Yên có 10 huyện, thành phố với 161 xã, phường, thị trấn. Thành phố Hưng Yên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Với vị trí địa lí thuận lợi, trong những năm qua Hưng Yên là một tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất của miền Bắc, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 tăng 12,11%.
Hưng Yên có hệ thống đường giao thông khá thuận lợi. Địa bàn tỉnh nằm gần các sân bay Nội Bài, Cát Bi, gần cảng biển Hải Phòng, Cái Lân, nằm trên tuyến đường quan trọng 5A và tuyến đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng với hệ thống cầu Thanh Trì, Yên Lệnh, Triều Dương đã tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi nối Hưng Yên với nhiều tỉnh khác và ra nước ngoài. Hệ thống giao thông nội tỉnh cũng tương đối hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu về giao thông của nhân dân và nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Tỉnh đã đầu tư xây dựng một số cảng và bến tàu khách, bến bốc xếp hàng hóa trên tuyến sông Hồng và sông Luộc, củng cố hệ thống giao thông đường thủy nội tỉnh, nạo vét khơi thông luồng lạch cho phương tiện có tải trọng trên 50 tấn hoạt động an toàn.
Về mặt kinh tế, tuy khi mới tái lập các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đều khá thấp (như: tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 80 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 200 USD...), song, nhờ nỗ lực của nhân dân trong tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua khá cao. Trong 5 năm 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 11,74%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2010 cơ cấu kinh tế trên địa bàn Tỉnh là: Nông nghiệp 25%; Công nghiệp, xây dựng 44%; Dịch vụ 31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng (1.110 USD).
Công nghiệp – xây dựng cũng có tốc độ phát triển nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 14,65%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các khu công nghiệp lớn như phố nối A, phố nối B (khu công nghiệp
dệt may), khu công nghiệp Thăng long II (Mitsutomo Nhật Bản), khu công nghiệp Như Quỳnh, khu công nghiệp Minh Đức, khu công nghiệp nhỏ Kim Động, khu công nghiệp Quán Đỏ… Sản phẩm công nghiệp của tỉnh là dệt may, giày da, ô tô, xe máy, công nghiệp thực phẩm…
Sản xuất nông nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm, có nhiều tiến bộ, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả cao và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản năm 2010 tăng 5,78%.
Các lĩnh vực xã hội khác như y tế, văn hóa, thể thao … luôn được các cấp chính quyền quan tâm thỏa đáng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đảm bảo sức khỏe và đời sống tinh thần cho nhân dân.
Sự nghiệp GD&ĐT tiếp tục phát triển ổn định. Các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm thường xuyên. Tăng cường cải tiến và đổi mới công tác chỉ đạo quản lý trong giáo dục. Tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư cho giáo dục như: hỗ trợ xây dựng CSVC trường học; trợ cấp cho GV mầm non; xây dựng và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng … Công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả khá. Tỉ lệ HS đến trường các cấp, HS chuyển cấp, thi đỗ tốt nghiệp và thi đỗ đại học, cao đẳng luôn ở mức cao so với các tỉnh trong cả nước.