Techcombank cần quan tâm nâng cao năng lực quản trị, điều hành từ nhiều hướng, cả trên giác độ tổng thể như xác định mục tiêu, chiến lược đến tổ chức, hoạt động và quản trị nội bộ. Các NHTM cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển và chiến lược quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.
* Nâng cao hiệu quả công tác hoạch định chiến lược kinh doanh.
Trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi, có được chiến lược kinh doanh hiệu quả là nhân tố hàng đầu để các ngân hàng hoạt động hiệu quả, nắm chắc khả năng chiến thắng trong cạnh tranh. Muốn vậy phải nâng cao hiệu quả công tác hoạch định chiến lược kinh doanh, các vấn đề cụ thể là:
- Nâng cao hơn nữa trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chiến lược kinh doanh. Đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chiến lược phải thường xuyên học tập và tiếp thu những tư duy kinh doanh mới.
- Tổ chức nghiên cứu thị trường và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, cơ sở dữ liệu về phân tích thực tế hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đánh giá các nguồn lực, các phân đoạn khách hàng, quy mô và tốc độ phát triển của cầu, các đối thủ cạnh tranh…và các dự báo về môi trường kinh doanh, để làm căn cứ hoạch định chiến lược kinh doanh.
- Chắt lọc kinh nghiệm từ mọi nguồn, phát huy trí tuệ của toàn thể ban lãnh đạo ngân hàng để hoàn thiện nội dung chiến lược kinh doanh.
Việc hoạch định chiến lược kinh doanh cần thực hiện tốt các yêu cầu:
- Chiến lược kinh doanh phải có khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường ở từng thời kỳ. Đồng thời nội dung chiến lược phải đầy đủ, rõ ràng và có tính thuyết phục cao, đảm bảo tính kế thừa, tính thực tiễn.
- Chiến lược kinh doanh phải xác định rõ thị trường mục tiêu và định vị các sản phẩm dịch vụ trên từng phân đoạn đó. Với mỗi mục tiêu phải cụ thể của chiến lược, luôn có phương án thực thi rõ ràng, và khả thi.
- Chiến lược kinh doanh phải có tính hiệu quả và bền vững - Cần có cả chiến lược kinh doanh trung hạn và dài hạn.
* Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và bộ máy của các khối, trung tâm và phòng ban hội sở
Trong môi trường cạnh tranh, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành của ngân hàng phải theo tư duy kinh doanh mới, chuẩn hoá theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, chú trọng việc tạo ra cơ cấu tổ chức theo đối tượng phục vụ và có thể linh hoạt quản lý theo thị trường.
Techcombank đang trong giai đoạn đổi mới và hoàn thiện toàn diện cơ cấu tổ chức, cần nhất quán thực hiện việc hoàn thiện theo cơ cấu tổ chức của ngân hàng hiện đại, cụ thể việc phân nhiệm các phòng ban nghiệp vụ từ trụ sở chính và chi nhánh được phân nhiệm theo đối tượng khách hàng và loại dịch vụ như thông lệ quốc tế. Đồng thời luôn đảm bảo nguyên tắc trách nhiệm đi đôi với quyền hạn, phân định rõ bộ máy quản lý trực tiếp và các mối quan hệ chức năng
Nghiên cứu thiết lập các bộ phận liên kết các hoạt động, các quyết định giữa các phòng ban nghiệp vụ để Hội đồng quản trị và ban điều hành bao quát toàn diện hoạt động và tập trung nguồn lực vào những định hướng chiến lược.
Về cơ chế quản trị, điều hành phải xây dựng các quy chế, chế độ trên cơ sở luật định và tránh tình trạng áp đặt theo lối cục bộ và quyền lợi cá nhân để phát huy tối đa năng lực của ban lãnh đạo.
Tăng cường khả năng kết nối, trao đổi và phối hợp giữa hai cấp, cấp quản trị và cấp quản lý kinh doanh, để đảm bảo tập trung các luồng thông tin về hoạt động của ngân hàng để tăng khả năng thực thi và tính hiệu quả của các quyết định quản trị, điều hành của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Đồng thời có sự phân quyền cụ thể tránh sự tham gia quá sâu vào các hoạt động thường ngày của cả hai cấp.
* Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị nội bộ của ngân hàng: Quản trị nội bộ bao gồm nhiều mảng liên quan từ quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính đến quản trị khách hàng, quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu, quản trị thị trường...
Năng lực quản trị nội bộ của ngân hàng là tiền đề giúp các ngân hàng hoạt động tốt và chủ động nắm bắt những biến động trên thị trường.Vì vậy, để thành công ngân hàng cần nâng cao khả năng quản trị nội bộ bằng cách áp dụng mô thức quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế, hướng tới sự phát triển bền vững của cả hệ thống. Muốn vậy ngân hàng cần xây dựng các quy chế quản lý và hoạt động phù hợp với chuẩn mực quốc tế như quản trị rủi ro, quản trị tài sản nợ, tài sản có, quản trị vốn, kiểm tra, kiểm toán nội bộ đi đôi với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả kinh doanh ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn ở ngân hàng. Đồng thời xây dựng văn hoá quản trị lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho việc áp dụng các nguyên tắc và thông lệ quản trị rủi ro, áp dụng hệ thống công nghệ ngân hàng hiện đại, để phát hiện những tiềm ẩn rủi ro, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Thường xuyên rà soát để bổ sung, chỉnh sửa kịp thời hệ thống quy chế, quy trình nội bộ, quản lý rủi ro tất cả các mặt hoạt động.
Thực hiện kiểm soát nội bộ hiệu quả thực để phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh. Nâng cao trình độ và trách nhiệm của bộ phận kiểm soát nội để thực hiện kiểm soát quản lý và kiểm soát tống quát.
Xây dựng hệ thống thông tin thông suốt, chất lượng, đồng thời thiết kế các mẫu báo cáo phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin cho việc ra quyết định quản trị.
Nâng cao năng lực quản trị, dự báo, phân tích xử lý tình huống trong quản trị, điều hành hoạt động ngân hàng. Hội đồng quản trị và Ban điều hành của các ngân hàng cần có kế hoạch và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với diễn biến kinh tế - xã hội. Chủ động nắm bắt các định hướng và dự báo kinh tế của Nhà nước, để quản trị hợp lý tài sản Nợ - Có, khả năng thanh khoản và nguồn vốn để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá hoạt động.