Trong môi trường kinh doanh luôn biến động, và cạnh tranh gay gắt đảm bảo an toàn hoạt động là một trong các hoạt động quan trọng hàng đầu của các ngân hàng, quyết định sự phát triển bền vững, đảm bảo cho thắng lợi lâu dài trong cạnh tranh.
Đối với công tác đảm bảo an toàn hoạt động nói chung trong ngân hàng, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy giám sát các rủi ro hoạt động của ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm đến việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản trị rủi ro. Có như vậy, ngân hàng mới có thể thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, nhận diện và phát hiện rủi ro; phân tích và đánh giá các mức độ rủi ro trên cơ sở các chỉ tiêu, tiêu thức được xây dựng, để tìm ra nguyên nhân và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giảm thiểu rủi ro.
Thứ hai, xây dựng đầy đủ và không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản chế độ quy chế, quy trình nghiệp vụ, trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Nhà nước, của NHNN Việt Nam. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, áp dụng, tập huấn và quán triệt
thống nhất trong toàn hệ thống ngân hàng để đảm bảo mọi cán bộ phải nắm vững và thực thi đầy đủ, chính xác hệ thống văn bản chế độ, quy chế, quy trình.
Thứ ba, cần có các giải pháp đối phó với các yếu tố từ bên ngoài như sự thay đổi về cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sức ép từ việc thực hiện các cam kết theo thông lệ, các diễn biến phức tạp của thị trường, tác động tiêu cực của các thông tin truyền thông bất cân xứng... bằng cách thực hiện các biện pháp cơ bản sau:
- Thường xuyên cập nhật thông tin liên quan từ bên ngoài, kiểm soát được và hiệu chỉnh kịp thời các văn bản nội bộ khi phát sinh các thay đổi hoặc chủ động xây dựng các lộ trình để thực hiện các cam kết theo thông lệ.
- Hình thành bộ phận chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng làm nhiệm vụ định kỳ đưa ra các báo cáo phân tích, đánh giá tổng quan về nền kinh tế thế giới và trong nước, xu hướng phát triển và nhưng tác động của nó đến hoạt động ngân hàng. Từ đó có những tham mưu kịp thời trong xây dựng, điều chỉnh chính sách và định hướng chiến lược quản trị rủi ro phù hợp, đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng.
- Xây dựng các phương án, đưa ra tình huống để sẵn sàng đối phó cũng như khắc phục kịp thời hậu quả do các lỗi truyền thông, thiên tai, hoả hoạn gây hoạt động.
Riêng đối với công tác đảm bảo an toàn thanh khoản rất quan trọng đối với ngân hàng đặc biệt trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội ngày nay, do đó ngân hàng cần phải làm tốt việc xác định cung, cầu thanh khoản trên cơ sở các phân tích và dự báo chính xác các nhu cầu rút tiền, nhu cầu tín dụng hợp pháp, các khoản tiền vay đến hạn trả, lãi phải trả của khách hàng, các cấu trúc quy mô, kỳ hạn của tài sản, khả năng huy động và những biến đổi của thị trường…Đồng thời tính toán và so sánh chi phí của việc nắm giữ tài sản thanh khoản với chi phí, thời gian huy động vốn mới. Qua đó chủ động trong việc lựa chọn danh mục tài sản và chính sách huy động vốn hợp lý để duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Trong đó, ngân hàng cần tập trung hơn nữa vào việc nghiên cứu đưa vào áp dụng mức tỷ lệ cho vay trên tiền gửi phù hợp với khả năng quản lý, quản trị rủi ro, khả năng huy động của ngân hàng. Và nâng cao khả năng tiếp cận và đa dạng hóa các nguồn tài trợ trong những trường hợp khẩn cấp, bằng cách tham gia hiệu quả hoạt động trên thị trường tiền tệ và thị trường
chứng khoán, phát triển các công cụ tự bảo hiểm như giao dịch kỳ hạn, giao dịch tương lai, giao dịch quyền chọn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành hệ thống thông tin quản lý để cung cấp kịp thời, đầy đủ các báo cáo về trạng thái thanh khoản cho công tác quản trị thanh khoản.
- Phối hợp với các ngân hàng khác xây dựng hệ thống thu thập và xử lý số liệu và tình hình kinh tế cũng như trạng thái thanh khoản chung của hệ thống vì rõ ràng trạng thái thanh khoản của ngân hàng còn phụ thuộc vào tình hình ổn định của nền kinh tế và của các NHTM trong hệ thống.
- Xây dựng các tình huống và kế hoạch ứng phó với những tình huống bất thường.
- Quản lý thông tin cung cấp ra công chúng, đặc biệt các thông tin liên quan đến năng lực quản lý thanh khoản, vì những thông tin này có thể gây ra những phản ứng tiêu cực của khách hàng. Ngân hàng cần thực hiện đo lường phản ứng của người dân trước các luồng thông tin cung cấp để có giải pháp kịp thời trong việc trấn an dư luận trước những tin đồn sai sự thật.