Thiết kế bố trí mạch tích hợp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 65 - 70)

Trước khi có Luật SHTT, thiết kế bố trí mạch tích hợp được bảo hộ theo Nghị định số 42/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/5/2003, theo đó: "Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và các mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn" (Điều 3.2). Trên thực tế, các quy định pháp luật về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn dường như chưa được áp dụng và thực thi. Cho đến nay, chưa có thiết kế bố trí mạch tích hợp nào được đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT.

Về tiêu chuẩn bảo hộ, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ nếu có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại. Tính nguyên gốc thể hiện thông qua các điều kiện: là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả; chưa được những người sáng tạo biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó. Tính mới thương mại thể hiện bằng việc thiết kế bố trí chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

Các quy định hiện hành của Việt nam về tiêu chuẩn bảo hộ của thiết kế bố trí về cơ bản phù hợp với TRIPS và các Điều ước quốc tế liên quan.

2.2.2. Quyền nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

- Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Xuất phát từ đặc trưng của các đối tượng này đòi hỏi các yêu cầu về tính mới, tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, khả năng áp dụng công nghiệp… nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của hầu hết các nước dành quyền đăng ký SHCN cho các chủ thể sáng tạo ra đối tượng hoặc có quyền sở hữu đối tượng (tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc) mà không yêu cầu chủ thể này phải có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng. Nếu có nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc cùng đầu tư để tạo ra sáng chế, KDCN, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó có chung quyền đăng ký và quyền đăng ký chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý. Người có quyền đăng ký SHCN đối với các đối tượng này có thể chuyển giao quyền cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật.

- Đối với nhãn hiệu:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thuộc về các cá nhân, pháp nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Các chủ thể này có thể chỉ thực hiện việc sản xuất sản phẩm hoặc chỉ thực hiện kinh doanh dịch vụ hoặc có cả hai chức năng. Pháp luật cũng cho phép một cơ sở thương mại nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng và không phản đối việc đăng ký đó.

Quyền nộp đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được quy định như sau:

- Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, dịch vụ do mình sản xuất, tiến hành hoặc sẽ sản xuất, tiến hành.

- Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm do mình đưa ra thị trường do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn.

- Quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tập thể thuộc về cá nhân, pháp nhân đại diện cho tập thể cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn

hiệu tập thể đó.

Luật SHTT về cơ bản giữ nguyên các quy định trước đó về quyền đăng ký nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân và sử dụng thuật ngữ "quyền đăng ký nhãn hiệu" thay cho thuật ngữ "quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa".

Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền đăng ký theo quy định của Luật SHTT thuộc về

tổ chức tập thể thay vì cá nhân, pháp nhân đại diện cho tập thể đó. Riêng đối với dấu hiệu

chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, Luật SHTT quy định rõ hơn: quyền đăng ký thuộc về tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó. Cách quy định này là phù hợp với các tính chất của nhãn hiệu tập thể.

Đối với nhãn hiệu chứng nhận, Luật SHTT quy định: Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ với điều kiện tổ chức đó không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó (Điều 136).

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan, trong trường hợp cần thiết, hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng nộp đơn đăng ký một nhãn hiệu để trở thành chủ sở hữu chung. Quyền đăng ký nhãn hiệu có thể được chuyển giao với điều kiện người được chuyển giao đáp ứng các yêu cầu đối với người đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.

- Đối với chỉ dẫn địa lý:

Theo quy định tại Điều 14.3,d Nghị định 63/CP, quyền nộp đơn đăng ký TGXX thuộc về tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại lãnh thổ có địa danh tương ứng với TGXX hoặc cơ quan hành chính quản lý lãnh thổ có địa danh tương ứng với TGXX. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật SHTT thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Cách quy định này của Luật SHTT chỉ mang tính hình thức và không phù hợp với thực tế. Việc "cho phép" của Nhà nước phải gắn với các điều

kiện gì và trong trường hợp Nhà nước không cho phép thì ai sẽ là người có quyền đứng tên đăng ký chỉ dẫn địa lý? Bên cạnh đó, về bản chất chỉ dẫn địa lý là tài sản thuộc sở hữu chung của tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh trong khu vực địa phương mang chỉ dẫn địa lý. Do vậy, theo logic, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý phải thuộc về tập thể đó.

2.2.3. Thực hiện quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp

Hành vi nộp Đơn đăng ký SHCN là sự kiện bắt đầu một cách chính thức quá trình đăng ký xác lập quyền SHCN. Việc nộp đơn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng cho cả người nộp Đơn và cơ quan đăng ký.

Việc nộp đơn đăng ký SHCN có thể được thực hiện theo hai hình thức: một là

nộp trực tiếp bởi người nộp đơn đến cơ quan đăng ký; hai là nộp đơn thông qua tổ chức đại diện SHCN đã đăng ký hoạt động hợp pháp.

Theo quy định của pháp luật Việt nam hiện hành, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài có đại diện hợp pháp tại Việt Nam hoặc có cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực thụ tại Việt Nam có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho Tổ chức dịch vụ đại diện SHCN nộp đơn. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp và không có cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực thụ tại Việt Nam chỉ có thể nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ và tiến hành các thủ tục liên quan thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam - ủy quyền cho Tổ chức dịch vụ đại diện SHCN (Điều 15.3 Nghị định 63/CP; Điều 89.2 Luật SHTT). Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo nguyên tắc làm việc của cơ quan nhà nước và đảm bảo cho việc thông tin, liên lạc giữa cơ quan đăng ký xác lập quyền và người nộp đơn.

Xuất phát từ quy định trên, có thể nói, tổ chức dịch vụ đại diện SHCN cũng là chủ thể quan trọng tham gia vào quan hệ pháp luật về xác lập quyền SHCN, do đó, việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về đại diện SHCN cũng là một nội dung góp phần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về xác lập quyền SHCN. Đại diện SHCN là một loại dịch vụ pháp lý đặc thù trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Thực tế, đây là một hoạt động đòi hỏi Người đại diện phải có (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

hiểu biết sâu rộng về pháp luật SHCN và về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật liên quan, và phải có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm để hành nghề. Vì vậy, dịch vụ đại diện SHCN luôn được quy định là một nghề kinh doanh có điều kiện.

Dịch vụ đại diện SHCN theo quy định của Nghị định số 63/CP là một ngành kinh doanh có giấy phép hành nghề, gọi là "Giấy chứng nhận Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp" và giấy phép đối với cá nhân là "Thẻ Người đại diện sở hữu công nghiệp". Theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP, các quy định về đại diện SHCN đã được sửa đổi để vừa tương thích với các chuẩn mực quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn và các quy định mới của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan trong đó có Luật Doanh nghiệp là lược giản tối đa các thủ tục rườm rà. Theo các quy định này, dịch vụ đại diện SHCN vẫn được coi là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng xóa bỏ Giấy phép hành nghề đối với Tổ chức làm dịch vụ này và vẫn duy trì Thẻ Người đại diện SHCN.

Điều kiện hành nghề cụ thể đối với các tổ chức và cá nhân theo quy định hiện hành của Việt Nam chặt chẽ, khắt khe tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, do đó, chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc giới hạn loại hình doanh nghiệp được phép tiến hành dịch vụ đại diện SHCN cũng tỏ ra không hợp lý trên thực tế và không đảm bảo sự công bằng của các loại hình doanh nghiệp trước pháp luật trong quá trình kinh doanh.

2.2.4. Xác định ngày nộp đơn hợp lệ

Xác định ngày nộp đơn hợp lệ là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tiến hành các thủ tục xác lập quyền SHCN. Ngày nộp đơn hợp lệ là căn cứ tính thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ; căn cứ xác định thời điểm bộc lộ công khai của các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, KDCN; ngày nộp đơn hợp lệ cũng là mốc xác định thời gian xét nghiệm nội dung của cơ quan đăng ký.

Ngày nộp đơn hợp lệ được xác định là ngày nộp đơn tại Cục SHTT nếu đơn đáp ứng các quy định về hình thức. Kể từ ngày nộp đơn hợp lệ, người nộp đơn có quyền ưu tiên đối với đơn đó. Pháp luật Việt Nam hiện hành áp dụng nguyên tắc "first to file" (nộp đơn đầu tiên) trong quá trình xem xét Đơn và cấp Văn bằng bảo hộ, điều đó có nghĩa là:

trong trường hợp nhiều đơn đăng ký cùng một đối tượng SHCN được nộp, Cục SHTT sẽ xem xét cấp Văn bằng bảo hộ cho người có ngày ưu tiên sớm nhất. Nếu có nhiều chủ thể cùng nộp đơn cho cùng một đối tượng SHCN thuộc cùng một lĩnh vực thì văn bằng bảo hộ được cấp cho người nộp đơn sớm nhất; nếu các đơn của các chủ thể đó có điều kiện ưu tiên như nhau, thì Cục SHTT đề nghị các chủ thể đó cùng đứng tên nộp một đơn duy nhất và Văn bằng bảo hộ được cấp chung cho các chủ thể đó với danh nghĩa là các chủ sở hữu chung. Nếu một trong những người nộp đơn không đồng ý, Văn bằng bảo hộ sẽ không được cấp (Điều 16 Nghị định 63/CP).

Pháp luật hiện hành quy định:

Người nộp đơn đăng ký SHCN có thể yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở một đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ với cùng một đối tượng

được nộp sớm hơn tại một nước khác hoặc trên cơ sở việc trưng bày đối

tượng nêu trong đơn tại một triễn lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận

là chính thức tổ chức tại Việt Nam hoặc tại một nước khác (Điều 17 Nghị định

63/CP).

Quy định này đã loại bỏ trường hợp người nộp đơn được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước tại Việt Nam. Đây là một trong những điểm bất cập của pháp luật hiện hành về vấn đề này gây bất lợi cho người nộp đơn đặc biệt là người nộp đơn Việt Nam.

Khắc phục bất cập này, Luật SHTT quy định: Người nộp đơn đăng ký SHCN có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối

tượng nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

2.2.5. Đơn và xét nghiệm đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 65 - 70)